Những nghệ sỹ làng quê quanh năm chân lấm tay bùn miệt mài gọt giũa, tô vẽ con trò, ngâm mình dưới bùn nước để mang đến cho khán giả những tiết mục rối nước, rối cạn vừa giữ được bản sắc truyền thống vừa cuốn hút bởi tính hiện đại.
Gặp nhau vì tình yêu với con rối
Làng Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng vốn nổi tiếng với lịch sử hơn 700 năm làm nghề tạc tượng. Cũng nhờ đó mà nghệ thuật múa rối nơi đây hình thành và phát triển rất sớm, từ khoảng thế kỷ 18. Những vở diễn múa rối cạn và rối nước như “Đôi ngọc lưu ly”, “Trương Viên”, “Thạch Sanh”, “Quan âm Thị Kính”… đã lấy không biết bao nhiêu nước mắt và chiếm trọn vẹn tình cảm của người xem. Thế nhưng một năm chỉ vài ba buổi diễn, kinh phí hạn hẹp, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, đời sống của diễn viên còn bấp bênh khiến cho nghệ thuật múa rối nơi đây một thời gian dài bị “bỏ quên”.
Không có sân khấu thủy đình, các thành viên phường rối tập luyện tại chiếc ao nhỏ. |
Phải đến những năm 2000, khi nghệ nhân Đào Minh Tuân đứng ra thành lập phường rối Minh Tân, hoạt động múa rối mới dần được khôi phục với nhiều nét đổi mới. Ban đầu thành lập anh Tuân gặp không ít ý kiến phản đối vì cho rằng anh có ý đồ làm ăn kinh doanh tư lợi. Gạt bỏ các định kiến, anh cùng một số bạn bè “khởi nghiệp” bằng việc tự đục đẽo con rối, làm quen với các nhạc cụ. Đến nay, phường rối Minh Tân có khoảng 25 thành viên, vào những ngày lễ có thể huy động 45 - 50 người cùng tham gia biểu diễn. Hầu hết các thành viên trong phường rối đều là những dười dân làm nông nghiệp ở địa phương, với lòng say mê nghệ thuật múa rối mà qui tụ với nhau. Cuộc sống nơi đây còn nhiều khó khăn nhưng họ luôn sẵn sàng bỏ qua những gánh nặng cơm áo gạo tiền để đến với múa rối. Anh Tuân khẳng định, điều làm nên sức sống của phường rối này chính là sự nhiệt tình và lòng yêu nghệ thuật của những người dân làng Bảo Hà. Bởi với cùng một ngày công làm thợ mộc, thợ nề mỗi người được trả 200.000 - 300.000 đồng/ngày nhưng khi có chương trình, chính những người nông dân đó sẵn sàng nghỉ việc xây dựng, đồng áng để có mặt ở phường rối, dù chỉ nhận được mức thù lao 50.000 - 100.000 đồng/ngày.
Mỗi thành viên lại mang theo những tình yêu với múa rối của riêng mình. Ở tuổi 76, cụ Đỗ Văn Hoan vẫn lỉnh kỉnh với đàn, với nhị, không quản đường xá xa xôi, rong ruổi theo phường rối lên tận Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội) trình diễn phục vụ khán giả. Ngồi bên sân khấu thủy đình, cụ Hoan tâm sự: “Mỗi chuyến ra Hà Nội phục vụ tôi lại được trẻ lại, dù có vất vả chút xíu cũng không thấm vào đâu so với những phấn khởi khi mang niềm vui đến cho mọi người. Không phải chỉ ở Hà Nội, bất kỳ nơi đâu có yêu cầu, tôi đều sẵn sàng lên đường”. Tham gia phường rối Minh Tân còn có nhiều thành viên trẻ. Em Nguyễn Văn Hưởng chỉ mới 15 tuổi nhưng đã có thâm niêm 3 năm đi diễn ở khắp các tỉnh thành. Hưởng và những đứa trẻ ở làng Bảo Hà sinh ra đã gắn bó với những bức tượng, con rối nên chúng hiểu và yêu múa rối từ lúc nào không hay. Ít ai ngờ một đứa trẻ làng quê lại sở hữu những động tác điều khiển rối điệu nghệ; hoặc khi con rối bị hỏng, chính bàn tay tài hoa đó lại thoăn thoắt sửa để kịp cho suất diễn tiếp theo. Hay như anh Đặng Văn Chuyên, 45 tuổi cho biết, cả anh và vợ cùng yêu múa rối và nhiều năm gắn bó với các chuyến đi diễn. Hai vợ chồng vừa tranh thủ cấy 4,5 sào lúa, đã vội “khăn gói” lên Hà Nội tập vở diễn mới. Trước mỗi chuyến biểu diễn các thành viên đều háo hức bởi được đi diễn là họ được gặp nhau, được gặp khán giả và được sống trong tình yêu với múa rối.
Co kéo nuôi rối
Những năm gần đây, khi cuộc sống mới với nhiều biến động, nghệ thuật múa rối cũng phải đối mặt với nhiều thách thức để có thể vừa bảo tồn, vừa phát triển. Múa rối ở Bảo Hà cũng nằm trong dòng chảy đó với một giai đoạn đìu hiu khi không được khán giả quan tâm. Người nghệ nhân không thể sống với nghề, càng không còn tâm huyết để bảo tồn những giá trị truyền thống. Theo các nghệ nhân nơi đây, một trong những nguyên nhân khiến múa rối truyền thống chưa gây được chú ý là do những tích trò cổ đã quá quen thuộc. Suốt hàng chục năm trời, các đoàn rối địa phương cứ diễn đi diễn lại một vài tích trò cũ. Múa rối nước vẫn chỉ lặp lại các trò: Đánh cá, chăn vịt, úp nơm, đua thuyền, chọi trâu... hay các tích Phùng Hưng đánh hổ, Lê Lợi trả gươm... Các vở rối cạn thì chỉ quanh hình quẩn thức biểu diễn cũ kỹ, trò ít lời nhiều. Vì thế mà khán giả dễ cảm thấy nhàm chán và dần dần xa rời với sân khấu múa rối. Thực tế này đã đặt ra thách thức đối với những người làm nghề rối ở Bảo Hà phải làm sao duy trì được hoạt động múa rối thường xuyên, vừa phải bảo tồn được bản sắc truyền thống của múa rối cổ.
Để có được những buổi diễn kín chỗ, phường rối Minh Tân đã phải đổi mới nội dung hoạt động, từ kịch bản đến con rối. Anh Tuân cho rằng, chỉ khi đem đến cho khán giả những xúc cảm thực sự thì nghệ thuật múa rối mới có thể tồn tại. Trong nhiều năm, những nghệ nhân phường rối đã phải tìm tòi thể nghiệm những vở diễn mới như: “Múa tứ linh”, “Xuân về đất Trạng quê em”, “Hè về trên đất quê hương” , “Lân mẹ sinh lân nhi”, “Sóc con đi học”… Ngoài ra, chính anh Tuân còn phải đi học hỏi để lồng ghép vào các buổi biểu diễn những màn múa rối dây của Malaysia hay rối Ấn Độ. Được sự hoan nghênh của khán giả, phường rối Minh Tân ngày càng “đắt khách”, những hợp đồng đến ngày càng nhiều. Nhờ đó, đến giờ dù không dựa vào bất cứ nguồn ngân sách hay tài trợ nào nhưng phường rối vẫn đủ sức trang trải, duy trì niềm đam mê với nghề. Cũng nhờ nhanh nhạy với thời cuộc, nhiều người làm nghề giỏi đã tự tìm về đầu quân cho phường rối Minh Tân. Ở nơi đây, những người nông dân đã trở thành những nghệ nhân tài hoa, tìm tòi sáng tạo nên những vở diễn cuốn hút khán giả.
Tuy nhiên, việc duy trì múa rối truyền thống là một thách thức không nhỏ với những người nông dân. Nhiều khoản đầu tư vượt quá khả năng như kinh phí để thay mới một bộ rối nước lên đến 130 triệu đồng; hệ thống sân khấu thủy đình, âm thanh, ánh sáng tốn khoảng 400 - 500 triệu đồng. Không bó tay trước những khó khăn tài chính, anh Tuân và các đồng nghiệp đã tự mày mò gọt giũa, tô vẽ con trò, làm mới những điệu nhạc. Sau mỗi ngày đồng áng, cả phường lại tụ tập, người kèn, người trống cùng nhau tập luyện cho thuần thục những giai điệu, lời thoại cổ. Chiếc ao sau nhà anh Tuân cũng được phường rối tự tu sửa trở thành sân khấu thủy đình, khoảng sân nhỏ được kê ghế cũng đủ chứa vài chục khách. Tại chính không gian làng quê này, phường rối vẫn duy trì 4 - 5 suất diễn mỗi tháng. Nhiều đoàn khách du lịch trong đó có nhiều khách nước ngoài không ngại vất vả vượt hàng chục cây số về với sân khấu nhỏ ở xã Đồng Minh này.
Cùng với đó, để có tiền nuôi rối nước, phường rối đã phải mở rộng các loại hình rối cạn để tạo thêm nguồn thu. Các tiết mục rối cạn không đòi hỏi kinh phí quá lớn, lại dễ đi vào tâm thức trẻ em nên thường “đắt khách”. Phường rối Minh Tân đã kết hợp giữa nghệ thuật múa rối cổ truyền thống với nghệ thuật múa rối hiện đại bằng cách đẩy vào các vở diễn những nhân vật gần gũi với thiên nhiên như: Chú ếch, con ong, con sóc… dựa trên nền nhạc là các bài hát thiếu nhi để các khán giả nhí dễ hiểu. Hầu hết các tiết mục như “Lân mẹ sinh lân nhi”, “Hè vui học múa rối”, “Những chú thỏ ngọc”… đều được đón nhận nhiệt tình. Ngoài ra, phường rối còn mang đến Chương trình “Cùng chơi trò chơi dân gian các nước” giúp khán giả thêm hiểu và đến gần hơn với nghệ thuật múa rối. Bài toán về kinh phí đã dẫn được phường rối Minh Tân đưa ra lời giải nhằm kéo khán giả trở lại với múa rối. Dẫu biết đó chỉ là những biện pháp trước mắt nhưng cũng giúp những nghệ nhân, diễn viên có động lực để tiếp tục cống hiến.
Qua bao biến cố lịch sử, hình ảnh con rối Bảo Hà vẫn giữ nguyên cái hồn cốt cũ, mộc mạc, giản dị; lời ca gần gũi với đời sống, lao động cấy cày. Các tích xưa, lời ca, câu thoại chứa nhiều ngôn ngữ cổ, thậm chí cả chất giọng của nghệ sĩ cũng mang tính làng quê. Mỗi thành viên phường rối đều ý thức phải giữ gìn nguyên vẹn yếu tố truyền thống. Nhiều tích trò cổ với mức độ khó như “con rối cởi áo” và “xay lúa, giã gạo” đã được anh Tuân và các nghệ nhân mày mò phục chế, làm lại cho thuần thục. Những ngày hội làng, ngày lễ của huyện hay thành phố lại là dịp các thành viên phường rối Minh Tân “rút ruột” mang đi công diễn, vừa để sống, vừa để vui với nghề rối dẫu còn lắm gian nan.