Nâng cao nhận thức cộng đồng gìn giữ di sản

Sau khi Hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, việc bảo tồn, gìn giữ Hội Gióng như thế nào để vừa giữ được bản sắc văn hóa, vừa được nhiều người biết đến, đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội.

Nhiều việc phải làm


Đông đảo nhân dân và các giáp trong vùng về dự Hội Gióng ở đền Phù Đổng. Ảnh: Tư liệu - TTXVN

Ngay sau khi Hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, song song với việc đăng ký một bản đề án về bảo tồn di sản với UNESCO, Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cùng với các ban, ngành triển khai các hoạt động nhằm bảo tồn và gìn giữ giá trị di sản. Cùng với việc lên danh sách và xây dựng một chính sách ưu đãi với những người thực hành lễ hội như các ông Hiệu Cờ, Hiệu Trống, Hiệu Chiêng, các nữ tướng đến các nghệ nhân phường Ải Lao, nghệ nhân làm voi tre, hoa tre..., những công việc khác liên quan đến công tác bảo tồn Hội Gióng cũng từng bước được triển khai thực hiện. Cụ thể, đó là các việc: Xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học về Hội Gióng ở các làng liên quan bằng công nghệ tin học; sưu tập, phân loại và dịch ra chữ quốc ngữ các tư liệu liên quan đến Thánh Gióng; tư liệu hóa các điệu múa, bài hát phường Ải Lao thông qua việc duy trì các lớp dạy múa hát Ải Lao ở làng Hội Xá; tích cực tập luyện các nghi thức của Hội Gióng cho những người được lựa chọn vào các vai ông Hiệu, đốc tướng "giặc"...

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho Ban quản lý bảo vệ Di tích lịch sử đền Phù Đổng, Trung tâm Du lịch Di tích đền Sóc và cộng đồng tổ chức Hội Gióng theo quy định của cộng đồng, tránh việc thương mại hóa, sân khấu hóa lễ hội.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về Hội Gióng bằng nhiều hình thức khác nhau cũng là một trong những công việc cần sớm được triển khai. Trong đó, sẽ xây dựng chuyên đề Hội Gióng để đưa vào giảng dạy ở các trường học, nhất là các trường trên địa bàn các huyện liên quan đến Hội Gióng. Việc cải tiến nâng cao chất lượng giờ dạy về truyền thuyết Thánh Gióng, gắn kết với Hội Gióng ở chương trình môn Ngữ văn cấp II và đại học... cũng đã được Bộ VH, TT & DL giao cho Cục Di sản phối hợp với Vụ Phổ thông, Vụ Đại học (Bộ Giáo dục & Đào tạo) triển khai thực hiện. Đồng thời, mở các chuyên mục định kỳ trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội vào khoảng thời gian từ tháng giêng đến tháng 4 âm lịch để quảng bá về Hội Gióng. Sử dụng đội truyền thanh cơ sở để giới thiệu giá trị của Hội Gióng trong cộng đồng làng xã các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.

Thiếu vắng xuất bản phẩm về Hội Gióng

Đó là nhận xét của bà Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VH, TT & DL) về điểm yếu của di sản Hội Gióng. Việc thiếu vắng những xuất bản phẩm, thiếu những thông tin về lễ hội đã dẫn đến tình trạng những người đi xem hội mà lại không biết xem gì, không biết thưởng thức lễ hội đó như thế nào.

Bà Lý cho rằng, trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị Hội Gióng, việc đầu tiên và quan trọng nhất là đẩy mạnh tuyên truyền để cộng đồng nhận thức một cách đầy đủ về giá trị di sản và danh hiệu mà UNESCO trao cho Hội Gióng. Cụ thể, thông qua các lớp tập huấn cho cộng đồng, giúp cộng đồng nhận dạng một cách đầy đủ, trọn vẹn giá trị của di sản, nắm được quá trình Hội Gióng ra đời, được sáng tạo, bồi đắp và gìn giữ đến ngày nay. Bởi trên thực tế, hiện nay có rất nhiều người, trong đó có cả những người đang thực hành lễ hội chưa hiểu hết ý nghĩa, trách nhiệm của cộng đồng đối với Hội Gióng. Đồng thời, hỗ trợ để Hội Gióng vẫn giữ được bản sắc văn hóa trong các kỳ lễ hội tiếp theo, nhưng thực hành thuần thục và an toàn hơn. Ngoài ra, cần sớm cho ra đời và cung cấp cho cộng đồng những sản phẩm văn hóa về Hội Gióng dưới mọi hình thức như đĩa CD, VCD, DVD, sách, tờ gấp... đảm bảo mọi người đến Hội Gióng đều có trong tay những thông tin cần thiết để hiểu về lễ hội, giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về giá trị di sản mà chúng ta đang có.

Về khía cạch dịch vụ trong lễ hội, cũng cần nghiên cứu, phân tích xem Hội Gióng cần cung ứng những dịch vụ gì, sau đó các nhà khoa học cùng chính quyền địa phương thuyết phục cộng đồng để cư dân làm lễ hội, đừng biến di sản của mình thành sản phẩm để bán, tránh tư duy nhờ di sản làm kinh tế mà tranh thủ bán những sản phẩm gây phản cảm trong lễ hội… làm giảm giá trị của Hội Gióng.

TS Lê Thị Minh Lý chia sẻ: "Hội Gióng bây giờ không chỉ là của cư dân các làng có lễ hội, mà đã là của cả quốc gia. Việc giáo dục thế hệ trẻ, tổ chức các chương trình truyền thông chuẩn bị cho người đi xem hội sự hiểu biết đầy đủ là rất cần thiết, bởi khi nhận thức được, họ sẽ tôn trọng người thực hành để không phá vỡ không gian thực hành lễ hội. Bên cạnh đó, đã đến lúc chúng ta cần sưu tầm, ghi lại những ký ức, những kỷ niệm của những người tham gia lễ hội từ trước đến nay để làm tư liệu, bởi những ký ức đó cũng chính là di sản trong đời sống cộng đồng". 

Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN