Mong nhân vật đến được những thảo nguyên xanh tươi

Tuyển tập “Từ xóm liều đến thảo nguyên xanh tươi” vừa xuất bản của nhà báo Nguyễn Hữu Phùng Nguyên (hiện đang công tác tại báo Tiền Phong) đã mang đến cho bạn đọc hàng trăm phóng sự về những phận người, những tình đời éo le, ngang trái, nhưng cũng đầy tính nhân văn và những ẩn ý sâu xa. Tác giả cho biết, anh viết những phóng sự này chỉ với một mong muốn duy nhất “mong những nhân vật, những số phận, những cảnh đời trong tác phẩm của mình tìm được thảo nguyên xanh tươi trong chính tâm hồn họ”.

Luôn sẵn sàng ra đi và không được dừng lại


“Tôi rất tâm đắc với câu nói “Ngày mai là một ngày mới”. Đúng vậy, mỗi khi kết thúc bài phóng sự, tôi lại nghĩ ngay đến đề tài tiếp theo của mình sẽ là gì. Đó là những chuỗi ngày liên tục. Mỗi ngày luôn tự hỏi, hôm nay có gì mới? Với tôi, cái mới ấy không chỉ nằm trong những câu chuyện mà mình khám phá, cái mới ấy còn ở trong tinh thần, trong tâm thế và trong tư duy của chính bản thân mình. Và điều đó đã luôn thôi thúc để tôi xách ba lô và lên đường…”, nhà báo Phùng Nguyên đã mở đầu câu chuyện giữa chúng tôi như vậy.

Qua câu chuyện, điều tôi cảm nhận được ở nhà báo trẻ là niềm tự hào, tự hào vì mình là nhà báo, đã vào nghề hơn chục năm, nhưng đến nay vẫn luôn thấy yêu nghề, luôn muốn dấn thân khám phá những “mảnh ghép” khác nhau trong cuộc sống và để truyền tải đến bạn đọc. Bởi anh cho rằng, biết đâu những bài viết của mình có thể đưa đến cho cho bạn đọc thông tin, bạn đọc cảm thông, chia sẻ và biết đâu có thể giúp được nhân vật. Nếu mình thỏa hiệp, những câu chuyện đó rất có thể sẽ nằm im, không ai biết đến, nhiều người sẽ mất đi cơ hội thay đổi… đó là điều luôn thôi thúc anh ra đi và không được dừng lại.

Nhà báo Phùng Nguyên.


Cảm nhận rõ nét nhất của tôi là những trang viết của Phùng Nguyên đầy tính nhân văn và những ẩn ý sâu xa. Những số phận, những cảnh đời, tình người éo le, ngang trái… Trong nhiều phóng sự của Phùng Nguyên, ta luôn gặp những cảnh khổ đau, oan khuất, đầy nước mắt, nhưng qua ngòi bút của anh, người đọc dễ dàng cảm nhận được những mong mỏi, khát khao của nhân vật, từ những diễn biến chiều sâu tâm lý, đến những cách suy nghĩ thực sự khác lạ. Câu chuyện của một người cha gạt nước mắt viết đơn xin hiến xác con trai, khi đứa con trai nhiều năm liền nằm chết thực vật… là một ví dụ.

Chuyện tưởng như tàn nhẫn, nhưng lại rất nhân văn, khi người cha ấy quyết định dâng hiến một phần cơ thể của con mình để có thể cứu sống nhiều người khác. Rồi hình ảnh người vợ tận tụy, đã dồn hết tiền của, công sức chăm sóc người chồng đang sống cuộc sống thực vật, dù 10 năm, 20 năm vẫn sẽ thế… Hay câu chuyện về người vợ cả bị hắt hủi nhiều năm của một trùm ma túy, một mình nuôi con, nhưng đến khi chồng bị bắt đi tù, bị nghiện, tất cả mọi người ruồng bỏ, lúc này chị lại quay về chăm sóc, yêu thương… Đó là những câu chuyện rất lạ, nhưng cũng đầy tính nhân văn rất cần được tôn vinh, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội còn nhiều xô bồ như hiện nay, thì đó chính là niềm tin, là hy vọng, là “ánh sáng cuối đường hầm” để mỗi người nhìn vào đó tin rằng, trong cuộc sống, trong xã hội vẫn có rất nhiều người tốt, vẫn còn nhiều điều tốt đẹp đang chờ chúng ta.

“Từ xóm liều đến thảo nguyên xanh tươi” là tiêu đề của một bài phóng sự, tác phẩm là một câu chuyện về cô gái từ “xóm liều” và với nghị lực, may mắn cô đã vượt qua để đến được với một “thảo nguyên xanh tươi”. Tiêu đề này cũng anh dùng đặt tên cho tuyển tập phóng sự của anh. Nhà báo Phùng Nguyên tâm sự, anh luôn đau đáu, tâm tư với những gì mình viết ra. Anh luôn mong muốn nhân vật của mình sẽ có được một kết thúc có hậu.

Và anh đã có được những thành công. Nhiều phận đời trong phóng sự của anh đã thay đổi, như đôi vợ chồng chạy thận, sau bài báo đã có nhiều người đến giúp đỡ, có người vì bài báo của anh mà được minh oan, được trở lại làm người bình thường… Nhưng anh cũng không khỏi chạnh lòng, bởi cho đến nay, nhiều nhân vật trong phóng sự của anh vẫn không thể thoát được nghịch cảnh, không rời được “xóm liều” của họ, bởi cuộc sống xã hội, sự bất công vẫn còn nhiều mà đôi khi ngòi bút bất lực. “Nhưng tôi vẫn sẽ đi và viết, để mong góp một phần sức lực của mình. Tôi luôn có một khát khao rằng, những nhân vật của mình, những câu chuyện của mình sẽ đi từ ‘xóm liều’ đến ‘thảo nguyên xanh tươi’, đó không phải là một thảo nguyên cụ thể mà là một thảo nguyên của đời sống tinh thần, của tâm hồn…”, nhà báo Phùng Nguyên chia sẻ.

Vẫn nặng lòng với nghiệp viết


“Tôi cho rằng, điều này chỉ đáp ứng sự hiếu kỳ của bạn đọc mà thôi. Cá nhân tôi cho rằng, người tốt, việc tốt, cái thiện, cái đẹp vẫn có sức mạnh và nó bền vững hơn nhiều câu chuyện giật gân, câu khách. Vấn đề là chúng ta làm thế nào để viết nó, và viết như thế nào để những câu chuyện đó đi vào tim bạn đọc, giúp ích được cho xã hội”, nhà báo Phùng Nguyên.

Không chỉ nặng lòng với những bài phóng sự, nhà báo Phùng Nguyên còn là một người nặng lòng với văn chương, với nghiệp viết. Ngoài 3 tuyển tập phóng sự anh đã xuất bản gồm “Tử tù – những nỗi đau số phận”, “Thung lũng mỹ nhân” và “Từ xóm liều đến thảo nguyên xanh tươi”, nhà báo Phùng Nguyên đã cho ra đời tuyển tập truyện ngắn “Mùa phấn vàng đã đi qua”.

Trò chuyện về con đường đưa anh từ nhà báo đến nghề viết văn, Phùng Nguyên cho biết, anh bắt đầu nghề viết lách từ năm học lớp 11, bằng một truyện ngắn mang tên “Về đâu sông ơi”. Truyện ngắn được báo Hoa học trò đăng trong số báo Tết năm 1996, và được trao giải nhất của cuộc thi “Hương mùa xuân” của báo Hoa học trò. Sau đó, Phùng Nguyên đã quyết định thi vào Học viện Báo chí Tuyên truyền. Trong quá trình học, anh vừa tiếp tục viết truyện, vừa viết báo cộng tác. Đến khi ra trường, anh vào làm ở báo Tiền Phong, công tác tại ban Phóng sự. Yêu nghề báo, dấn thân với nghề, nhưng anh cũng ý thức được phóng sự là thể loại giúp xâm nhập sâu vào cuộc sống, có cơ hội gặp nhiều loại người, ở nhiều tầng nấc và nhiều lát cắt của xã hội… điều này sẽ là tiền đề rất tốt cho việc viết văn sau này của mình.

Điều đó đã được khẳng định. Trong một số truyện ngắn của anh, nhiều câu chuyện, nhiều tình tiết được lấy từ những bài phóng sự anh đã viết. Phùng Nguyên tâm sự, việc viết văn đưa mình đến nghề báo, nhưng rồi nghề báo đã giúp mình có những tư liệu, có cảm hứng và vốn sống rất tốt để viết văn. Không chỉ viết báo, viết truyện ngắn, nhà báo Phùng Nguyên vừa hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Thành phố không có cầu vồng”. Tiểu thuyết được trao giải thưởng trong cuộc thi viết về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp thực hiện. Nhà báo Phùng Nguyên tâm sự: “Sau hơn 10 năm làm báo, tôi nghĩ mình cần khoảng lặng để viết văn. Tháng 4/2015, tôi đi dự Hội trại sáng tác do Hội nhà văn và Bộ Công An tổ chức cho vận động sáng tác "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống". Giữa lúc đang băn khoăn không biết tìm đề tài gì cho cuốn tiểu thuyết của mình, tôi lật lại kho vốn sống mà báo chí đã cho mình, tìm được phóng sự, mà chất liệu trong đó có thể giúp tôi viết thành tiểu thuyết, vậy là tôi đặt bút và viết xong trong vòng một tháng. Chỉ một tháng, nhưng tôi có cảm giác hơn chục năm làm báo của mình đều được rút ra, gói gọn trong đó”, nhà báo Phùng Nguyên tâm sự.

Nhà báo Phùng Nguyên bật mí, anh đang nợ và ấp ủ một kịch bản phim truyền hình về đề tài chống tham nhũng, dù chưa đặt bút viết, nhưng anh tin là mình sẽ làm được, bởi anh có khá nhiều vốn sống và kinh nghiệm với đề tài này qua những lần đi viết phóng sự điều tra. “Với tôi, việc viết báo hay viết tiểu thuyết, truyện ngắn đều khiến tôi rất vui, bởi khi đó tôi thấy đã vượt qua được chính mình, và tôi luôn thấy hạnh phúc khi được đi và viết như vậy”, nhà báo Phùng Nguyên tâm sự.




Phương Hà
 Nhà báo Tạ Bích Loan trở lại với "60 phút mở"
Nhà báo Tạ Bích Loan trở lại với "60 phút mở"

Sau khi chương trình "Chuyện đương thời" ngừng phát sóng, nhà báo Tạ Bích Loan cùng ê kip đã nghiên cứu và lên format cho một chương trình hoàn toàn mới mang tên “60 phút mở”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN