Liệu họ, những kẻ đứng ra làm bộ phim “Vụ thảm sát số 6”, mong chờ gì khi làm clip này? Liệu nhận thức của họ về nỗi đau của những người xung quanh, về việc cần lên án và chống lại những hành vi phi nhân tính như vụ thảm sát Bình Phước… là như thế nào? Thật sự, dư luận cảm thấy sững sờ khi có những người, đều thuộc giới nghệ sĩ, đã “dám” lấy vụ thảm sát ấy như một nội dung để làm phim…
Đó là đoạn clip dài hơn 23 phút, với tựa đề “Phim ngắn Vụ thảm sát số 6 (Theo câu chuyện có thật vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước)”, do ca sĩ Trịnh Phong và Ssproduction phối hợp thực hiện; được tung lên Youtube vào ngày 4/8, mô tả lại câu chuyện rùng rợn của vụ thảm sát Bình Phước. Tên nhân vật trong “phim” cũng trùng với tên nạn nhân và nghi phạm gây án. Phim ngắn này đã khiến dư luận bức xúc, cho rằng “có dấu hiệu vi phạm quyền nhân thân”, là hành động câu view vô nhân tính.
Ngay sau khi phim ngắn “Vụ thảm sát số 6” lan truyền trên mạng, Công an tỉnh Bình Phước đã có văn bản nêu rõ, phim phát tán trên mạng xã hội Youtube đã gây dao động và tạo tâm lý bất an, lo sợ trong quần chúng nhân dân, gây phẫn nộ đối với gia đình nạn nhân. Công an tỉnh Bình Phước khẳng định không cung cấp bất kỳ một thông tin, tài liệu nào trong vụ án cho ca sĩ Trịnh Phong để xây dựng kịch bản, các chi tiết về nội dung "phim" là do tác giả suy luận theo suy nghĩ chủ quan, phỏng đoán cá nhân.
Mặt khác, nội dung của "phim" này phản ánh vụ án hoàn toàn thiếu khách quan, không trung thực, các tình tiết trong "phim" không đúng bản chất của vụ án, hình ảnh trong phim mang tính bạo lực, hoàn toàn không có giá trị tuyên truyền, răn đe, giáo dục; nhiều hình ảnh và mô phỏng các biện pháp điều tra, bắt giữ hai đối tượng trong phim không đúng quy định của pháp luật và hoàn toàn khác biệt với những gì mà cơ quan Công an thực hiện… Qua đó đề nghị cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, xem xét các hành vi sai phạm của phim này để đưa ra các hình thức xử lý nghiêm, làm gương trước pháp luật.
Ngành văn hóa đã nhanh chóng vào cuộc. Ngày 14/8, Cục Điện ảnh đã tổ chức cuộc họp của Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện và lãnh đạo Cục, để thẩm định đĩa DVD clip này. Ngày 17/8, Cục Điện ảnh đã có văn bản về việc thẩm định clip “Vụ thảm sát số 6” gửi Thanh tra Bộ VHTTDL. Văn bản nêu rõ: Sau khi xem clip, ý kiến của các thành viên Hội đồng như sau: Về hình thức thể hiện, clip “Vụ thảm sát số 6” là một bộ phim truyện ngắn với các lý do: phim được thực hiện với đầy đủ các thành phần biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên… Phim được dàn dựng theo ngôn ngữ điện ảnh với diễn xuất, âm thanh, đạo cụ, phục trang, dàn dựng, bối cảnh… thể hiện diễn biến câu chuyện có mở đầu và kết thúc. Về nội dung thể hiện, phim mô phỏng vụ án giết người tại Bình Phước một cách thô thiển, phản cảm, các nhân vật trong phim thể hiện những hành vi giết người bạo lực, vô nhân tính, tàn ác, có tính chất kích động bạo lực. Cục Điện ảnh kiến nghị phim này vi phạm Luật Điện ảnh, cấm phổ biến dưới mọi hình thức và các cơ quan chức năng xử lý những người làm phim theo quy định của pháp luật trong quá trình sản xuất và phổ biến phim.
Ngay sau khi có báo cáo của Cục Điện ảnh, ngày 18/8, Thanh tra Bộ VHTTDL đã có Quyết định số 100 về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Trung tâm Tư vấn phát triển vì sức khỏe cộng đồng, vì trung tâm này đã chiếu (phổ biến) “phim” có nội dung kích động bạo lực. Hình thức xử phạt chính là: Phạt tiền 25 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy tang vật, gỡ bỏ phim “Vụ thảm sát số 6”.
Hình thức xử phạt này theo dư luận là quá nhẹ, đặc biệt, nó chưa có tính răn đe với những người đã đứng ra làm bộ phim. Bởi ở đây chỉ là xử phạt với đơn vị phát tán. Tuy nhiên, rõ ràng có một hình thức xử phạt còn “đích đáng” hơn, đã được chính dư luận xã hội đưa ra: Sự lên án của cả cộng đồng và sự tẩy chay của chính cộng đồng với bộ “phim”. “Không ai có thể đồng tình với một việc làm vô nhân đạo và phi giáo dục như vậy, tôi không thể hiểu những người làm phim muốn nhằm tới mục đích gì khi làm ra bộ phim này”, Thanh Hà, một sinh viên chia sẻ.
Theo một chuyên gia tâm lý, hiện có một thực trạng là không ít bạn trẻ làm MV dựa trên “những sự việc rúng động của xã hội” để đăng lên các trang mạng nhằm tìm kiếm sự nổi tiếng và “Vụ thảm sát số 6” chính là một kiểu ăn theo như vậy. Tuy nhiên, do khả năng chưa tới, nhận định còn hạn hẹp, dẫn đến nội dung tác phẩm này yếu kém, cách thể hiện phản cảm, bị xã hội lên án. Chuyên gia này cũng khẳng định, việc cố tình ăn theo kiểu như vậy cũng là tội ác.
Quả thật đó là tội ác, tội ác mà một phần là “mặt trái” của chính việc internet ngày càng trở nên phổ biến, người ta có thể dễ dàng đưa bất cứ một sản phẩm nào của mình lên mạng và coi đó là kênh thông tin, phát tán. Cũng chính vì lẽ đó, rất cần sự vào cuộc và quản lý chặt hơn nữa của các cơ quan chức năng với hoạt động mạng, nhằm kiểm soát được những mặt trái của hoạt động này. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao nhận thức của giới trẻ, để họ hiểu rõ hơn về cái đúng - cái sai; thay cho như hiện nay, mọi thứ đang ngày càng lẫn lộn, “đen và trắng”, “đúng và sai”; khiến cho giới trẻ thật sự dễ lạc lối.