Lễ rước Long vị vua Hàm Nghi về Di tích Quốc gia Thành Tân Sở

Ngày 12/7, UBND huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế) tổ chức Lễ rước Long vị vua Hàm Nghi từ Thế Miếu - Đại nội Huế, về an vị tại Đền thờ ở Di tích Quốc gia Thành Tân Sở, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ.

Chú thích ảnh
Quang cảnh lễ rước bài vị Hoàng đế Hàm Nghi và các nghĩa sỹ Cần Vương tại thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Kỷ niệm 135 năm (13/7/1885 - 13/7/2020) vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương, kêu gọi hào kiệt, sỹ phu và nhân dân yêu nước đứng lên chống thực dân Pháp, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. 

Lễ rước Long vị vua Hàm Nghi được tổ chức tại Thế Miếu - Đại nội Huế (Thừa Thiên - Huế), theo nghi thức truyền thống. Đội hình rước Long vị của vua Hàm Nghi được xây dựng dựa trên mô hình rước vua, trong nghi thức cung đình của triều Nguyễn.

Chú thích ảnh
Quang cảnh lễ rước bài vị Hoàng đế Hàm Nghi và các nghĩa sỹ Cần Vương tại Hoàng thành Huế. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Cùng ngày, UBND huyện Cam Lộ tổ chức Lễ rước bài vị Binh bộ Thượng thư Tôn Thất Thuyết, từ phủ Tôn Thất Thuyết ở làng Vân Thế Trung, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế); Lễ rước bài vị Kỳ vỹ quận công Nguyễn Văn Tường, từ đền thờ của ông ở thôn An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị về Di tích Quốc gia Thành Tân Sở.

Chú thích ảnh
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị dâng hương xin rước bài vị Hoàng đế Hàm Nghi và các nghĩa sỹ Cần Vương tại Thế Tổ miếu trong Hoàng thảnh Huế. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Vua Hàm Nghi sinh năm 1871, mất năm 1943, có tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Lịch. Năm 1884, ông được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi khi mới 13 tuổi, lấy niên hiệu là Hàm Nghi. Mặc dù tuổi còn niên thiếu nhưng vua Hàm Nghi đã thể hiện được sự khảng khái và khí chất yêu nước của mình. Phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi khởi xướng đã minh chứng cho ý chí không gì khuất phục nổi của nhân dân Việt Nam, con người Việt Nam trong suốt những năm cuối thế kỷ XIX và thời gian sau này. Bên cạnh đó, Binh bộ thượng thư Tôn Thất Thuyết và Kỳ vỹ quận công Nguyễn Văn Tường là hai đại thần mang tư tưởng chủ chiến, đã kiên quyết phế bỏ các phần tử chủ hòa thân Pháp, để đưa lên ngai vàng một vị vua yêu nước - vua Hàm Nghi, quyết chiến với thực dân Pháp.

Chú thích ảnh
Lễ cúng của Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc Huế trong lễ rước Long vị Hoàng đế Hàm Nghi rước bài vị Hoàng đế Hàm Nghi và các nghĩa sỹ Cần Vương tại Thế Tổ miếu trong Hoàng thảnh Huế. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Thành Tân Sở được khởi công xây dựng từ năm 1883 - 1885. Sau sự kiện Kinh thành Huế thất thủ (đêm ngày 4, rạng sáng 5/7/1885), đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã quyết định đưa vua Hàm Nghi rời bỏ Kinh thành tìm đường cứu nước. Tân Sở đã được vua Hàm Nghi cùng quần thần chọn là nơi để xây dựng thành căn cứ kháng chiến. Tại đây, ngày 13/7/1885, vua Hàm Nghi đã ban Chiếu Cần Vương kêu gọi người dân đấu tranh giành lại giang sơn. Thành Tân Sở được công nhận là Di tích cấp Quốc gia vào năm 1995.

Chú thích ảnh
Đoàn đại biểu đại diện cho nhân dân huyện Cam Lộ đến dâng lễ xin cung thỉnh Long vị Hoàng đế Hàm Nghi và các nghĩa sỹ Cần Vương tại Thế Tổ miếu trong Hoàng thành Huế. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN 

Dự kiến, ngày 13/7, tại Khu di tích Quốc gia Thành Tân Sở, UBND huyện Cam Lộ sẽ tổ chức Lễ khánh thành Đền tưởng niệm vua Hàm Nghi cùng Lễ cung thỉnh Long vị vua, bài vị các tướng sỹ vào đền tưởng niệm.

Nguyên Lý (TTXVN)
Xây dựng Đền tưởng niệm vua Hàm Nghi tại Di tích Quốc gia Tân Sở
Xây dựng Đền tưởng niệm vua Hàm Nghi tại Di tích Quốc gia Tân Sở

Ngày 13/7, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức khởi công xây dựng Đền tưởng niệm vua Hàm Nghi và tướng sĩ Cần Vương tại Khu di tích Quốc gia Tân Sở, thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN