Đến thời điểm này, đã 4 năm 2 tháng, Bảo tàng Hà Nội (nằm trên đường Phạm Hùng) được đưa vào sử dụng. Được xây dựng trên vị trí đắc địa với tổng đầu tư 2.300 tỉ đồng, Bảo tàng Hà Nội được kỳ vọng sẽ là một bảo tàng hoạt động hiện đại và năng động. Thế nhưng, trong đợt kiểm tra giám sát giữa năm 2014, Ban Văn hóa - xã hội Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá, hoạt động khai thác của bảo tàng chưa tương xứng với công năng sử dụng và mục tiêu của dự án, gây lãng phí lớn.
Kể từ khi mở cửa (dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội) đến nay, Bảo tàng Hà Nội vẫn trong tình trạng bỏ trống diện tích trưng bày, thưa thớt khách tham quan. Hiện vật trưng bày chưa cân đối với không gian trưng bày, chưa khai thác hết diện tích của công trình và chưa tạo được nét riêng của thủ đô Hà Nội. Cung cách và hiện vật trưng bày của bảo tàng này gần như không có gì thay đổi. Vẫn chỉ là những bộ sưu tập cá nhân và những hiện vật cũ bày từ tháng này qua tháng khác; phần trưng bày ngoài trời cũng chưa có gì đáng kể. Đó là chưa kể, một số hạng mục của công trình đang có nguy cơ bị xuống cấp.
Trước hết cần phải khẳng định rằng, chủ trương đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, trong đó có việc xây dựng bảo tàng, thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Theo thống kê của cơ quan chức năng, cả nước hiện có xấp xỉ 130 bảo tàng. Hệ thống nhà bảo tàng hầu như được “phủ sóng” ở tất cả các tỉnh, thành. Mỗi nhà bảo tàng như thế, nếu bé thì chiếm khoảng 1 ha, còn “hoành tráng” thì lên đến trên 7 ha, phần lớn đều chiếm các vị trí đắc địa nhất ở các thành phố. Thế nhưng, nhìn những công trình sừng sững mọc trên các khu vực "đất vàng đất bạc", rồi những dự án đồ sộ đang được quy hoạch ngốn nhiều tiền của cả ngân sách và xã hội, khiến nhiều người băn khoăn và nghi ngại cho hiệu quả khai thác, nhất là giá trị văn hóa - giáo dục của những công trình tiền tỷ đó.
Từ sự lãng phí của Bảo tàng Hà Nội, nhiều người liên tưởng đến dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (đã được đề nghị thẩm định từ cuối năm 2012). Theo dự kiến, công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được xây dựng tại khu đô thị mới tây Hồ Tây (Từ Liêm, Hà Nội), với diện tích khoảng 10 ha, vốn đầu tư khoảng 11.277 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia bảo tàng, việc xây dựng bảo tàng mang tầm cỡ quốc gia là chủ trương đúng. Tuy nhiên, với hơn 11.277 tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD) đầu tư xây dựng bảo tàng là số tiền lớn. Trong bối cảnh đất nước còn nghèo, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thì khoản chi này là chưa hợp lý. Trong con mắt của nhiều người, thêm một bảo tàng hoành tráng là chưa thật cấp bách bằng việc bớt đi những lều học tạm bợ, bớt đi cảnh nhiều người bệnh phải nằm chung giường, hay cảnh trẻ em phải bơi qua dòng nước lũ để đến trường... Do vậy, việc triển khai dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cần phải tính toán cẩn trọng khi quyết định xây dựng.
Rất nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, cần phải tiến hành một cuộc khảo sát, rà soát lại toàn bộ hiện trạng của hệ thống bảo tàng đang hoạt động hiện nay. Công trình nào hoạt động hiệu quả, công trình nào nằm "đắp chiếu", gây lãng phí? Trên cơ sở đó đánh giá mức độ cần thiết có nên xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hay không. Đừng để lặp lại "thảm cảnh" của Bảo tàng Hà Nội xây xong mà lúc nào cũng "vắng như chùa Bà Đanh".
Kinh nghiệm ở các nước có các bảo tàng tiên tiến cho thấy, nội dung trưng bày được người ta chuẩn bị từ nhiều năm trước rồi mới tiến hành làm cái vỏ. Hiểu đơn giản là có con người, hiện vật, công nghệ vận hành rồi mới xây nhà bảo tàng. Còn ở ta thì đang làm ngược lại. Muốn có một bảo tàng đúng nghĩa, trước tiên phải tính đến hiệu quả chuyên môn của bảo tàng, cần tổng kiểm kê nhân lực và hiện vật, tiếp đến xây dựng phương án trưng bày, chiến lược thu hút người xem... Nhưng trên thực tế, không có ai lo việc đó cả. Bên xây chỉ lo xây, bên quản lý hiện vật chỉ lo sưu tầm và mua thêm hiện vật.
Để xây được một bảo tàng hoành tráng không khó; cái khó là bộ máy để vận hành nó với những con người được đào tạo bài bản. Theo các chuyên gia, nếu không tính toán thận trọng, sẽ còn có những bảo tàng rơi vào “vết xe đổ” của Bảo tàng Hà Nội.
Yến Nhi