Làm luật, đâu phải chuyện sai thì sửa là xong

Chỉ đạo mới nhất của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch: Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Bản quyền tác giả, Vụ Pháp chế tập trung nghiên cứu, đề xuất nội dung sửa đổi Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL ngày 24/3/2016, báo cáo Bộ trưởng.

Như vậy, chưa đầy 3 tháng sau khi có hiệu lực, Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL ngày 24/3/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ (Nghị định 79) quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79; đã lại… phải sửa đổi.

Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL còn nhiều điều chưa phù hợp với đời sống âm nhạc hiện nay.

Lý do, như văn bản của Bộ VHTTDL đưa ra là “trong quá trình thực hiện, một số vấn đề trong thông tư (như việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam) đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, đặc biệt là từ phía các nhạc sĩ khi cho rằng thông tư chưa thể hiện đúng tinh thần của NĐ/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79”.

Ở một góc độ nào đó, có thể hoan nghênh một quyết định nhanh, kịp thời của Bộ VHTTDL khi tiếp thu ý kiến phản hồi từ xã hội với một văn bản vừa ra đời; nhưng ở một góc độ khác, thì nhiều chuyên gia, nhà quản lý, người trong cuộc… cho rằng đây là một “thất bại nữa” của Bộ trong việc ban hành các quy định quản lý của mình.

Năm 2013, ngay sau khi Nghị định 79 ra đời và có hiệu lực; cũng đã có rất nhiều ý kiến về việc Nghị định chưa “bao quát” được hết các vấn đề của đời sống biểu diễn nghệ thuật, càng chưa “quản” được những vấn đề ngày càng nóng và có nhiều biến tướng của những chương trình trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu. Rất nhiều những vi phạm trong các lĩnh vực này đã không thể được xử phạt cho đúng bản chất, cũng như có giá trị răn đe… Ngay bản thân một Thứ trưởng của Bộ VHTTDL lúc đó cũng có ý kiến rằng cần sớm có văn bản sửa đổi với Nghị định 79.

Thế nhưng, cũng phải sau 3 năm, sau bao quyết định xử phạt không được dư luận xã hội cũng như bản thân những người trong giới đồng tình; sau những bức xúc vì những sai phạm cố tình của một số người mang danh nghệ sĩ, người đẹp, người mẫu; tháng 3 vừa rồi, Nghị định 15/2016/NĐ - CP ban hành ngày 15/3/2016 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79 mới ra đời. Và sau đó là Thông tư 01 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 79 với bao hy vọng, mong chờ rằng sẽ góp phần làm trong sạch và đưa thị trường biểu diễn, trình diễn, thi người đẹp vào khuôn khổ.

Nhưng, lại một chữ “nhưng” ẩn chứa rất nhiều thất vọng: Chỉ 1 tháng sau khi Thông tư ra đời, đã nhận được những phản hồi của các nghệ sĩ, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, về việc có nhiều bất cập khi triển khai. Theo đó, một số vấn đề trong Thông tư (đặc biệt là việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam) đã không thể hiện được đúng tinh thần của Nghị định 15/2016/NĐ - CP ban hành ngày 15/3/2016 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP.

Với tư cách là Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), nhạc sĩ Phó Đức Phương phân tích: Nghị định 15/2016/NĐ-CP ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79, đã quy định khá chi tiết về vấn đề thực thi tác quyền đối với các tác phẩm âm nhạc của các tác giả. Cụ thể, tại Điều 9 nói về “Thẩm quyền và thủ tục cấp, thu hồi giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang” có quy định rõ thủ tục cấp phép đối với một chương trình biểu diễn phải có: “1 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”. Tuy nhiên, trong Thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL hướng dẫn lại không cụ thể hóa việc này, thay vào đó là một Mẫu số 14: “Văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả” và chỉ đơn thuần là “Đơn cam kết” của đơn vị tổ chức biểu diễn với cơ quan quản lý cấp phép mà không có sự giao kèo, thỏa thuận với các tác giả - chủ sở hữu tác phẩm nghệ thuật.

Về vấn đề này, một nhạc sĩ cũng khẳng định: “Thông tư mới cần phải thể hiện sự tôn trọng với các nhạc sĩ, dù là bằng hình thức văn bản nào thì cần phải nêu rõ nội dung cam kết giữa đơn vị tổ chức với các tác giả trong việc thực hiện quyền tác giả, chứ không thể chỉ là một văn bản sơ sài mà ở đó chỉ có lời hứa của đơn vị biểu diễn mà không có sự hiện diện của tác giả”.

Từ thực tế này, các nhạc sĩ cho rằng, Bộ VHTTDL đã vội vàng khi ban hành Thông tư, nên để xảy ra tình trạng bất nhất nói trên.

Không vội kết luận có sự vội vàng hay không, cũng không thể chỉ vì một “bất cập” trong lĩnh vực bảo vệ bản quyền nhạc sĩ mà khẳng định rằng Thông tư 01 là thiếu giá trị thực tế; tuy nhiên, với một văn bản pháp luật ra đời, rõ ràng cần có tính chuẩn xác, tính quy chuẩn, cũng như tính pháp lý cao; để đảm bảo sự nghiêm minh của luật pháp. Ở góc độ này, rõ ràng những người làm luật của Bộ VHTTDL cần nghiêm túc hơn với chính mình. Tránh để tình trạng văn bản vừa ra đời đã phải tính chuyện chỉnh sửa, khiến xã hội sẽ có cơ sở để nghi ngờ về giá trị của những văn bản quy định của Bộ.
PV
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN