K-pop, ngành xuất khẩu “vàng” của Hàn Quốc

Nhóm nhạc Girl’s Generation của Hàn Quốc đã đánh bại những ca sĩ đình đám của phương Tây gồm Justin Bieber, Miley Cyrus và Lady Gaga, mang về giải “Video của năm” trong khuôn khổ Giải Âm nhạc YouTube 2013. Girl’s Generation là một trong rất nhiều ca sĩ, nhóm nhạc pop của Hàn Quốc không chỉ đang“ tạo sóng” ở trong nước mà còn vươn tới đẳng cấp quốc tế.


Sức hút của K-pop


Có thể nói nền âm nhạc pop Hàn Quốc (K-pop) đang trở thành một hiện tượng văn hóa lan tỏa nhanh chóng dưới lực đẩy của Internet. K-pop là một trong những thứ được xuất khẩu đáng chú ý nhất của Hàn Quốc trong hơn chục năm trở lại đây. Xuất khẩu K-pop tăng gần 50% trong khoảng thời gian từ năm 2011 - 2012, thu về khoảng 290 triệu USD trong năm 2012. Thị phần âm nhạc toàn cầu của Hàn Quốc đã tăng vọt lên vị trí thứ 11, trong khi trước đó sáu năm chỉ đứng thứ 23.

 

Nhóm Crayon Pop với trang phục và chiếc mũ bảo hiểm đặc trưng. CNN


Vé các buổi biểu diễn K-pop bán hết veo trong vài phút. Các ca sĩ ngôi sao trẻ trung, xinh đẹp xuất hiện ở kênh truyền hình nào thì kênh đó có lượng người xem tăng mạnh. Thương hiệu của họ có thể khiến giới trẻ, thậm chí cả người nhiều tuổi, sẵn sàng bỏ tiền ra mua bất kỳ thứ gì liên quan.


Sức hút của K-pop ở nước ngoài được thể hiện rõ tại Giải thưởng Âm nhạc châu Á Mnet 2013 (MAMA) được tổ chức ở Hong Kong (Trung Quốc). Những nhóm nhạc đình đám của Hàn Quốc như Girls’ Generation, BigBang, Exo, 2NE1 và Sistar đều có mặt. 10.000 vé đã bán hết trong vòng một giờ. Gần 13 triệu người đã đăng nhập vào trang web của MAMA để bình chọn cho thần tượng yêu thích của họ.


Là người hâm mộ (fan) của một nhóm nhạc nào đó có nghĩa là bạn biết mọi điều về nhóm nhạc, thuộc làu mọi thứ họ nói và nhớ mọi hành động của họ. Nhờ sự hâm mộ cuồng nhiệt này mà hiện tượng K-pop luôn luôn được hâm nóng.

 

Big Bang - một trong những nhóm nhạc đình đám nhất Hàn Quốc. CNN


Để giữ được lửa nhiệt thành trong lòng fan, các ngôi sao Hàn Quốc cũng rất biết cách chiều chuộng bằng những “dịch vụ cho fan”. Nhóm nhạc Crayon Pop thường tổ chức những cuộc gặp gỡ fan để giao lưu trực tiếp. Các ngôi sao trò chuyện, bắt tay fan và lắng nghe xem họ thích gì, mong muốn gì từ ban nhạc. Ngoài ra, kết nối với fan qua mạng xã hội cũng là một cách để giữ sự quan tâm của họ. Crayon Pop có một kênh liên lạc trên YouTube để fan có thể xem các video về cuộc sống hàng ngày của nhóm. Các video này do công ty quản lý nhóm nhạc quay và biên tập. Kênh này hiện có hơn 157.000 người đăng ký.


Quản lý ngặt nghèo


Ngoài sự khổ luyện để trở thành ngôi sao, các nhóm nhạc Hàn Quốc còn chịu sự kiểm soát, quản lý gắt gao để giữ gìn hình ảnh cho chính họ và giữ lợi nhuận cho công ty quản lý. Các ngôi sao luôn cực kỳ cẩn thận trong từng hành động, lời nói. Họ chỉ được nói và làm những thứ mà người quản lý cho phép. Điều này vô cùng quan trọng vì bất kỳ một câu nói “sảy miệng” nào cũng có thể ngay lập tức hủy hoại sự nghiệp của họ.


Trong một cuộc phỏng vấn năm 2012, nhóm nhạc thần tượng Block B đã phát ngôn một số câu về trận lụt tồi tệ ở Thái Lan và bị một số fan xem là lời nói xúc phạm và thiếu tôn trọng. Sau khi bị chỉ trích mạnh mẽ, nhóm nhạc đã phải xin lỗi rất nhiều lần nhưng không thể làm fan hài lòng. Nhiều kênh âm nhạc sau đó đã không cho Block B xuất hiện trên chương trình của họ nữa. Nhiều người còn đòi nhóm giải tán, thậm chí tiêu cực hơn là kêu gọi họ tự tử.


Jay Park, một người Mỹ gốc Hàn và là cựu thủ lĩnh nhóm 2PM, cũng gây bão dư luận sau khi fan phát hiện anh này từng đăng một số câu trên trang mạng xã hội có nói rằng anh ta không thích Hàn Quốc. Jay Park sau đó không lâu đã bị loại khỏi 2PM.


Chuyện tình cảm riêng tư của các ngôi sao cũng bị quản lý chặt chẽ. Một số công ty còn thảo hợp đồng có điều khoản cấm họ yêu đương. Ca sĩ Choi Dong - wook, nghệ danh Se7en, từng tâm sự rằng fan club của anh ngay lập tức giảm 100.000 thành viên khi anh thông báo có người yêu.


Bất chấp các buổi giao lưu với fan, nhiều nhóm nhạc vẫn bị chê là xa cách và không thể tiếp cận. Tuy nhiên, đó lại là một “chiêu” của các công ty quản lý. Dorothy Advincula, trợ lý biên tập trang tin tức giải trí Hàn Quốc Kpopstarz, gọi K-pop là thứ vận hành theo “thuyết kinh tế khan hiếm”. Cô giải thích: Các công ty quản lý làm cho các thần tượng khó kết nối với fan ngoài sân khấu. Vì thế, chỉ cần thoáng nhìn thấy thần tượng hay bất kỳ thứ gì thuộc về thần tượng đều có thể trở thành một chiến lợi phẩm với fan và làm họ “nức lòng”.


Thùy Dương

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN