Kịch hình thể:"Món ăn lạ" với khán giả

Kịch hình thể không phải là "thực đơn" ăn khách, nhưng thời gian qua các nghệ sĩ Đoàn kịch hình thể của Nhà hát Tuổi trẻ vẫn kiên trì đều đặn cho "ra lò" những vở diễn được dàn dựng theo xu hướng này. Có những tìm tòi thành công và chưa thành công, nhưng những nỗ lực để phát triển kịch hình thể của các nghệ sĩ đáng được ghi nhận.


Vạn sự khởi đầu nan…


Kịch hình thể mới du nhập vào Việt Nam khoảng 3 năm nay, từ vở đầu ra mắt là "Giấc mơ hạnh phúc" đến sau này là một loạt vở diễn "Nhật nguyệt thực", "Tiếng vọng hành tinh", "Con bệnh bí hiểm", "100 phút cuối của Hàn Mặc Tử", "Stereo Man", "Biến vĩ của tình yêu", "Chuyện một ngã tư"… Càng về sau, các vở diễn càng tiếp cận được gần hơn với cuộc sống, hướng tới những vấn đề nóng của xã hội như sự thoái hóa của đạo đức con người trong xã hội hiện đại, sự không may mắn của những người đàn ông bị đồng tính, những đứa trẻ nghèo bị ném vào cuộc sống nhọc nhằn...


Trích đoạn vở "Biến vĩ tình yêu" của đoàn kịch hình thể Nhà hát Tuổi trẻ-Ảnh CTV


Khi thâm nhập vào Việt Nam, kịch hình thể mang màu sắc rất riêng biệt, khác so với thế giới bởi nó có sự pha trộn của các thể loại sân khấu khác như vũ đạo múa của tuồng, chèo, động tác kịch câm, múa đương đại, đôi lúc còn sử dụng cả múa rối, xiếc... Sự tham gia của đạo diễn sân khấu đã tạo những phong vị mới cho thể loại kịch hình thể này.

Có thể thấy điều đó trong vở "Biến vĩ của tình yêu", khi đạo diễn - NSND Lan Hương bố trí sân khấu đơn giản nhưng hiệu quả, sử dụng ngôn ngữ chính của kịch hình thể là "tiếng nói của cơ thể", với cảnh những cơn mưa trong vắt trên sân khấu cùng những bông tuyết trắng muốt, trong cái se lạnh của mùa thu Hà Nội, vở kịch đã mang đến những cảm xúc thật đẹp cho người xem.


Tuy vậy, lượng khán giả và tần suất diễn của một số chương trình kịch hình thể vẫn chưa nhiều. Điều này cho thấy loại hình nghệ thuật này vẫn chưa tìm được sự ủng hộ của số đông khán giả. NSND Lan Hương, người đầu tiên khởi xướng xây dựng Đoàn kịch hình thể cho Nhà hát Tuổi trẻ, tâm sự: "Chúng tôi đang rất cố gắng đưa loại hình biểu diễn hình thể nói riêng và kịch thể nghiệm nói chung đến được với giới trẻ, khơi gợi trí tưởng tượng của giới trẻ, để họ bước tiếp con đường sáng tạo nghệ thuật. "Stereo Man và Nơi đến của những mảnh đời" có đề tài về giới trẻ là một trong những chương trình hút rất đông khán giả trẻ là học sinh, sinh viên. Tuy nhiên để kịch hình thể được nhiều tầng lớp khán giả yêu thích vẫn còn là một hành trình dài".


Cần tiếp tục hoàn thiện


Ghi nhận những nỗ lực của các nghệ sĩ kịch hình thể, nhưng cũng lại phải thừa nhận, kịch hình thể Việt Nam vẫn ở giai đoạn "đang hoàn thiện". Vẫn còn nhiều điều trong các vở diễn khiến người trong nghề cũng như khán giả chưa hài lòng.


Đó là sự chưa "thích ứng" mà PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái nêu ra ở một loạt những vở kịch hình thể. Ở "Đức tin", người xem mới chỉ thấy sự thống nhất về trang phục, động tác biểu diễn nhưng lại thiếu những tình tiết và kịch tính cần có để thu hút khán giả. Vở "Biến vĩ của tình yêu" sử dụng những lời thoại quá đời như: "Trời ơi”, "Kệ nó", "Nhìn đi"... Giá như những câu thoại đó được thay bằng diễn xuất và ngôn ngữ hình thể tinh tế thì hiệu quả mang lại sẽ tốt hơn.


Một nhược điểm nữa là các nghệ sĩ vẫn bị lẫn giữa cách thể hiện kịch nói và kịch hình thể, dẫn tới sự thiếu nhất quán liền mạch cho vở diễn. Một trong những mục đích phát triển kịch hình thể ở nước ta là đưa kịch hình thể Việt Nam vươn ra thế giới, muốn vậy thì kịch hình thể của ta càng ít lời thoại sẽ càng nổi bật ưu thế hơn.


Việt Nam vẫn chưa có trường lớp đào tạo hay một chuyên ngành đào tạo riêng cho kịch hình thể, bởi vậy không thể đòi hỏi sự thành công ngay từ những bước đi đầu tiên. Để kịch hình thể trở thành một phong cách nghệ thuật riêng, tìm được sự nhất quán trong biểu đạt trên sân khấu thì không thể trong ngày một ngày hai và có lẽ cũng cần thêm thời gian để khán giả chấp nhận và quen với thể loại nghệ thuật mới này.


Tiêu Dao

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN