Cách đây không lâu, khán giả cả nước thực sự ngán ngẩm với nhiều cảnh “lõa lồ”, “khoe hàng” “tươi mát” quá sức trong bộ phim Hoa nắng dài 36 tập của đạo diễn Đặng Minh Quang, biên kịch Đặng Thanh, Huyền Anh, Anh Thụy, biên tập Trần Nam Khánh, do công ty Thiên Ngân và VTV3 phối hợp sản xuất. Bộ phim được phát sóng vào giờ vàng VTV3.
Một "cảnh nóng" trong phim “Chân trời trắng” cũng gặp phản ứng tiêu cực từ khán giả truyền hình. |
Bộ phim xoay quanh số phận cuộc đời của ba cô gái Quỳnh, Thư, Uyên rửa hận bằng đi tìm tương lai trong thế giới ảo, sau khi đã gặp phải “cơn lốc xoáy” đầu đời. Đạo diễn Đặng Minh Quang để nhân vật đi theo ý tưởng của mình một cách chủ quan duy ý chí và thiếu trải nghiệm thực tế. Ông đã “bắt” một cô gái quên quá khứ đớn đau bằng xây dựng một lâu đài ảo tưởng trên mạng internet, một cô gái với nỗi ám ảnh không lối thoát, cô gái còn lại trả thù đời bằng nhiều ý tưởng không lành mạnh. Và dù đã được kiểm soát kỹ lưỡng, nhưng “Hoa nắng” vẫn còn nhiều hạt sạn.
Khán giả truyền hình thực sự sốc nặng khi tận mắt chứng kiến cảnh “uống rượu trên ngực bạn gái” của hai diễn viên trẻ trên phim. Đạo diễn xây dựng tình huống hết sức vô lý khi cô gái tên Linh vô tình làm rớt rượu xuống vùng ngực. Cô kêu lên và nhờ bạn trai tìm giấy lau cho mình. Đáp lại, chàng trai tên Phúc nhìn bạn gái với ánh mắt đưa tình và nói rằng “có cách lau nhanh hơn”. Chưa kịp để cô gái hiểu rõ ý đồ, trước mặt nhóm bạn, Phúc ghé sát mặt và dùng lưỡi liếm rượu ở quanh vùng ngực của người yêu. Nhóm bạn ngay lập tức hưởng ứng nhiệt tình trước hành động táo bạo này và yêu cầu cặp đôi lặp lại. Cặp đôi này hào hứng và thích thú nói "cảm giác là lạ, làm lại lần nữa nhé". Nói là làm, Linh tự đổ rượu làm ướt vòng 1 để cho bạn trai tiếp tục liếm hết rượu. Tuy nhiên, lần này, Phúc cố tình hôn hít lâu hơn vùng ngực của cô gái, trong khi nhóm bạn dùng điện thoại để quay lại.
Ngay sau khi phim được trình chiếu trên sóng truyền hình, nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng về lối sống buông thả của giới trẻ. Nhiều người e ngại khán giả nhỏ tuổi xem đoạn phim này thì không biết hậu quả sẽ đi đến đâu bởi giới trẻ vốn hay tò mò và thích "học tập" theo các diễn viên trên phim. Khi xem bộ phim này, nhiều thanh niên cảm thấy thực sự ngượng ngùng như mình bị xúc phạm. Chẳng lẽ, thanh niên hiện nay dễ dãi đến trơ trẽn vậy sao? Dĩ nhiên đó là phim ảnh, song rõ ràng cảnh “liếm rượu trên ngực” không định hướng cái đẹp, cái tốt cho tư tưởng thanh niên hiện nay.
Sau khi cảnh này được phát sóng, trên các diễn đàn và nhiều website, cư dân mạng nhanh chóng lập topic bàn tán xôn xao. Không ít ý kiến cho rằng, nhà Đài đã quá lỏng lẻo trong khâu kiểm duyệt bộ phim và để lọt cảnh quay gợi dục trên sóng truyền hình. Đa số phản đối cảnh dung tục vì không hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt và yêu cầu ngưng công chiếu. Phân trần về cảnh quay này, đạo diễn Đặng Minh Quang giải thích rằng, đây chỉ là một phân đoạn ngắn để minh họa sự ăn chơi sa ngã, bê tha không điểm dừng của giới trẻ, giúp cho gia đình thấy rõ thực trạng khi không quan tâm đến con cái, và hơn hết là các bạn trẻ hiện nay có rất nhiều điều kiện để thực hiện những hành vi không lành mạnh. Sau những cảnh quay dung tục này, bộ phim cũng không để lại ấn tượng gì trên màn ảnh.
Trả lời báo chí việc xử lý những “cảnh nóng” trên phim truyền hình, nhà văn, biên kịch Nguyễn Thị Thu Huệ - Phó trưởng ban thư ký, Đài truyền hình Việt Nam cho biết: “Những cảnh nóng trên phim truyền hình luôn phải xử lý rất kỹ. Chúng tôi ý thức được, phim truyền hình có đặc thù rất riêng so với điện ảnh. Đôi khi, hình ảnh chỉ có vài giây thôi, khi xem phim khán giả thậm chí có thể không để ý vì cảnh lướt qua rất nhanh, song, nếu cũng cảnh đó bị cắt ra, đăng lên báo, lại khiến khán giả phản ứng dữ dội”.
Có thể khẳng định rằng, mặc dù đã kiểm duyệt kỹ càng, song trong thời gian qua, các đài truyền hình kể cả Trung ương và địa phương còn “lọt” những bộ phim có phân đoạn cảnh quay thiếu lành mạnh đưa vào phát sóng mà điển hình là phim Hoa nắng. Những bộ phim ấy đang đi ngược lại thuần phong mỹ tục, góp phần làm lu mờ nền điện ảnh phim Việt vốn lấy “chân thiện mĩ” là mục tiêu đi tới. Không thể để đài truyền hình phát sóng rồi mới đi tìm nguyên nhân của hậu quả, mà phải “chặn” ngay từ khi kiểm duyệt kịch bản và chưa phát sóng trên truyền hình.
Mai Thắng