Theo đó, diện tích khai quật khoảng 800 m2, tại khu vực cảng Hào Hưng, nơi phát hiện xác tàu cổ bị đắm vào năm 2017. Vị trí khai thác cách bờ khoảng 6-7 mét, độ sâu khoảng 9 mét. Thời gian khai quật dự kiến hoàn thành trước ngày 15/9/2018.
Kinh phí khai quật tàu cổ đắm hơn 48 tỷ đồng, được trích từ ngân sách nhà nước. Hiện vật khai quật được trong quá trình khai quật phải được tạm nhập vào Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi để giữ gìn, bảo quản.
Sau khi kết thúc khai quật, chậm nhất là ba tháng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phải có báo cáo khai quật gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo các chuyên gia, xác tàu cổ có chiều dài khoảng 30 mét, rộng khoảng 10 mét, có chứa nhiều gốm sứ cao cấp thời Minh (Trung Quốc), niên đại khoảng thế kỷ XVI.
Được biết, đây là con tàu đắm thứ 7 của Việt Nam được phát hiện, khai quật. Nhưng đây là con tàu đầu tiên được khai quật mà không có sự phối hợp của các chuyên gia nước ngoài hay sự kết hợp của các công ty tư nhân.
Tiến sĩ Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, cho biết: Những lần trước chúng ta chủ yếu là trục vớt cổ vật và phải dựa vào các chuyên gia nước ngoài, nguồn lực của các doanh nghiệp, dẫn đến việc không khai thác hết những giá trị của nó, có những lúc phải xót xa nhìn những cổ vật đó bị mang đi bán đấu giá để bù đắp phần nào chi phí.
Còn cuộc khai quật này diễn ra trong một không gian sôi động của sự phát triển để bàn về câu chuyện bảo tồn và phát triển; đặc biệt là sự đầu tư cả về của cải, vật chất của Chính phủ. Từ đó đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho ngành văn hóa, ngành khảo cổ học Việt Nam là xây dựng khảo cổ học dưới nước.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho hay, có hai giải pháp để khai quật xác con tàu là đánh số và dỡ từng cấu kiện con tàu lên, ngâm bảo quản từ đó làm cơ sở để phục chế khảo cổ; hoặc là dùng hệ thống phao đưa lên tháo dỡ và chở về nơi bảo quản.