Hơn 200 tài liệu, hiện vật được trưng bày tại Triển lãm giới thiệu vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc khởi xướng, tổ chức và động viên toàn dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước; góp phần tuyên truyền, giáo dục toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò và tác dụng của phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn cách mạng hiện nay; động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Các tài liệu, hiện vật được trưng bày tại Triển lãm gồm 3 phần. Phần thứ nhất về thi đua kháng chiến và kiến quốc (1945- 1954, điểm lại những dấu mốc lịch sử liên quan đến giai đoạn vô cùng khó khăn của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ; những đối sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ giải quyết những khó khăn của nước nhà: giải quyết nạn đói, thanh toán nạn dốt, chống thù trong giặc ngoài, đưa đất nước ra khỏi vòng hiểm nguy, giữ vững quyền tự do, độc lập.
Các hiện vật được trưng bày còn khái lược bối cảnh sự ra đời của các phong trào thi đua ái quốc gắn với giai đoạn vừa kháng chiến vừa kiến quốc của nhân dân ta, đặc biệt là dấu mốc lịch sử ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”. Lời hiệu triệu đã thôi thúc đồng bào, chiến sỹ cả nước “người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua”.
Các tấm gương cá nhân điển hình của trong các lĩnh vực công, nông, binh và lao động trí óc của thời kì này như: Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Thị Chiên, Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh, Trần Đại Nghĩa, Trần Thị Thanh (15 tuổi, chiến sỹ thi đua ngành sản xuất giấy, đại biểu trẻ tuổi nhất của Đại hội Chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ I ,Tuyên Quang, năm 1952). Đó còn là ông Vũ Thế Long người đã có nhiều công lao trong việc chế tạo hóa chất để sản xuất vũ khí cho bộ đội đánh giặc và các cán bộ, chiến sĩ lập nhiều chiến công, tham gia chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ tháng 5/1954, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng huy hiệu... Những cá nhân tiêu biểu đó đã đóng góp một phần công sức vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Phần thứ hai phản ánh về hoạt động thi đua xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954 - 1975). Những hình ảnh, tài liệu của phần này giới thiệu tới công chúng sự phát triển của phong trào thi đua ái quốc sau năm 1954 của nước ta, các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn này hướng vào thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong phong trào thi đua thời kì này đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu. Điển hình là tấm gương bà Nguyễn Thị Thạc - Kiện tướng đứng máy sợi của Nhà máy Dệt Nam Định; chiến sĩ thi đua Phạm Trung Pồn bị hỏng cả hai mắt nhưng đã có nhiều sáng kiến cải tiến nông cụ trong sản xuất và lao động; phong trào xây dựng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thì có hợp tác xã Đại Phong - Hợp tác xã tiên tiến...
Khách tham quan triển lãm. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN |
Phần thứ ba gồm những tư liệu, hiện vật phản ánh hoạt động thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh (từ 1975 đến nay, khái lược những dấu mốc lịch sử quan trọng của phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh từ năm 1975 đến nay. Các bức ảnh được trưng bày phản ánh các phong trào thi đua sôi nổi đang hàng ngày cổ vũ, khơi dậy, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường của mỗi người dân trước vận mệnh của đất nước, cùng chung sức vượt mọi khó khăn, đem hết tài năng, trí tuệ, sức lực góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành hiện thực trong thời kỳ hội nhập và phát triển, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.