Tại kỳ họp thứ 5 của Ủy ban liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc -UNESCO, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc của Việt Nam đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đông đảo nhân dân và các Giáp trong vùng về dự Hội Gióng ở đền Phù Đổng. Ảnh:TTXVN
|
Đây là di sản thứ 3 của thành phố Hà Nội được UNESCO vinh danh trong năm 2010 (trước đó, 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc “Chương trình Ký ức thế giới”; Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội được công nhận là “Di sản văn hóa thế giới”). Tin vui này làm nức lòng nhân dân Thủ đô và đồng bào cả nước và là món quà vô giá tri ân tổ tiên và các thế hệ tiền nhân trong năm Đại lễ kỷ niệm Thăng Long-Hà Nội tròn 1000 năm tuổi.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, UBND thành phố Hà Nội đã phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam xây dựng Bộ hồ sơ Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc để đệ trình UNESCO xem xét đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long được giao là cơ quan xây dựng hồ sơ. Ngày 31/8/2009, Hồ sơ đề cử Lễ hội Gióng là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã hoàn thành và được gửi tới trụ sở UNESCO tại Pari (CH Pháp).
Đợt xem xét hồ sơ năm 2010, UNESCO nhận được tổng số 147 hồ sơ di sản từ 32 quốc gia trong 113 quốc gia thành viên. Tại phiên họp ngày 16/11 diễn ra ở Nairobi, Ủy ban liên chính phủ của UNESCO đã xem xét và công nhận ghi danh 46 di sản văn hóa phi vật thể của 29 quốc gia, trong đó có Hội Gióng của Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Như vậy, đến thời điểm hiện nay, tổng số Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận là 212, trong đó Việt Nam có 4 di sản được vinh danh.
Là lễ hội lớn và đặc sắc tưởng nhớ Thánh Gióng, trong “tứ Thánh bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Hội Gióng cũng là lễ hội độc nhất vô nhị của người Việt ở châu thổ Bắc bộ. Từ những hương lễ, Hội Gióng đã trở thành hội vùng và có tầm cỡ quốc gia. Lễ hội độc đáo này hội đủ những tiêu chí của Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, được cộng đồng bảo tồn, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, gìn giữ như một phần bản sắc của mình, chứa đựng những sáng tạo mang tầm nhân loại, thể hiện khát vọng về một cuộc sống thịnh vượng cho mỗi gia đình, về một nền hòa bình cho quốc gia và thế giới. Hàng năm, Hội Gióng được tổ chức ở nhiều địa điểm thuộc địa bàn Hà Nội và khu vực lân cận. Ban soạn thảo đã lấy tâm điểm là Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng (Gia Lâm) và Lễ hội Gióng ở đền Sóc (Sóc Sơn) làm căn cứ xây dựng hồ sơ Lễ hội Gióng trình UNESCO. Vùng phụ cận là một số xã thuộc huyện Từ Liêm, huyện Thường Tín và quận Long Biên có Lễ hội Gióng.
Việc Hội Gióng được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO không chỉ là vinh dự lớn lao mà sự kiện này còn khiến cho những thông điệp của người Việt gửi gắm trong Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc đến được với cộng đồng thế giới, để mọi người thêm quý trọng nền hòa bình của nhân loại, đặc biệt khiến cho người dân Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung nhận thức sâu sắc thêm về giá trị của di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc mình.
Hồng Hạnh