Rồng là biểu tượng thiêng liêng gắn với nguồn gốc “con rồng, cháu tiên” của dân tộc Việt Nam. Rồng là tín hiệu tốt lành cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Năm Thìn là năm luôn được người Việt Nam chào đón bởi nó mang lại sự tốt lành, thịnh vượng.
Trong tâm niệm của người Việt Nam, những người sinh ra trong năm Thìn luôn có cơ hội được thăng tiến tốt hơn những năm khác. Do đó, con rồng có vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa, chính trị và tinh thần của người Việt.
Rồng Việt qua các thời kỳ
Theo các nhà nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, hình tượng rồng xuất hiện sớm, từ những buổi đầu dựng nước, tồn tại và phát triển qua các thời kỳ. Rồng đã trở thành một trong những hình tượng chủ đạo của một số loại hình nghệ thuật Việt Nam, được thể hiện vô cùng sinh động và đa dạng trên mọi loại hình và chất liệu.
Hình tượng rồng xuất hiện tại đường hoa Nguyễn Huệ - TP.HCM. Ảnh: Tràng Dương - TTXVN |
Trong hàng trăm ngàn hiện vật quý hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia có rất nhiều hiện vật trang trí hình tượng rồng và được thể hiện trên mọi chất liệu như đá, đồng, gốm… đặc biệt là hình tượng rồng trên đồ vàng, bạc, ngọc.
Dưới thời Hùng Vương với đặc thù cư dân nông nghiệp ven các con sông lớn, “rồng” được hình dung qua con vật thân dài có vẩy như cá sấu còn gọi là “giao long”. Giai đoạn thế kỷ I đến thế kỷ X, hình tượng rồng được thể hiện mềm mại, thể hiện yếu tố nước gắn với văn hóa nông nghiệp, nên rồng thân bò sát phù hợp để diễn tả độ mềm mại, tính chất lượn sóng của nước hoặc hình tượng rồng được chuyển thành thân thú như hổ, sói… để đề cao uy quyền của giai cấp thống trị.
Bước sang thời kỳ quân chủ, hình tượng rồng Việt Nam thể hiện rõ nét hơn. Rồng tượng trưng cho quyền uy tối thượng của các đấng thiên tử, là linh vật biểu trưng của vua chúa nên hình tượng rồng gắn chặt với đời sống hoàng tộc. Thời Lý, hình ảnh "rồng bay lên" - Thăng Long còn được đặt tên cho đất đế đô, tượng trưng cho khí thế vươn lên của dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam cho biết: Ở mỗi triều đại hình tượng rồng được tạo tác với những nét riêng. Rồng thời Lý với mình trơn, thân uốn cong nhiều vòng uyển chuyển, mềm mại và nhỏ dần về phía đuôi. Rồng thời Trần uy nghi đường bệ, xuất hiện cặp sừng và đôi tay. Rồng thời Lê được thể hiện trong nhiều tư thế khác nhau: Rồng tượng trưng cho quyền uy với thân rồng lượn hai khúc lớn, chân có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn.
Rồng thời Trịnh - Nguyễn đứng đầu trong bộ tứ linh, được nhân cách hóa, đưa vào đời thường như hình rồng mẹ quây quần cùng các con, rồng đuổi bắt mồi, rồng trong cảnh lứa đôi. Đến thời Nguyễn, rồng trở lại vẻ uy nghi, tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng; rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ Thọ, rồng chầu mặt trời, chầu hoa cúc, chầu chữ Thọ...
Ở Việt Nam hiện nay có khá nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng gắn với rồng hoặc những truyền thuyết huyền ảo về rồng. Điển hình là Vịnh Hạ Long – di sản thiên nhiên nổi tiếng của Việt Nam đã 2 lần được công nhận là Di sản thế giới, vừa được công nhận là Kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Ngoài ra còn có vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh), huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), dãy núi Cửu Long Sơn thuộc bán đảo Đồ Sơn (Hải Phòng), đảo Phù Long hay còn gọi là đảo Cát Bà (Hải Phòng). Đây cũng là nơi hầu hết những người yêu thích du lịch muốn đến một lần trong đời.
Đồng bằng sông Cửu Long thuộc nhánh của sông Mê Kông hùng vĩ, được cả thế giới công nhận vẻ đẹp muôn vẻ. Nhánh sông này chảy qua Việt Nam quanh co uốn khúc trong vùng đồng bằng như chín con rồng ôm chặt mảnh đất phì nhiêu, vựa lúa của Việt Nam.
Ước vọng năm rồng
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc thì rồng là vật không có thật nhưng đã được linh thiêng hóa, gửi gắm vào đó. Đây cũng là việc bình thường gắn với tục thờ Totem giáo.
Rồng xuất hiện trên bộ tem Tết Nhâm Thìn. Ảnh: Minh Tú - TTXVN |
Rồng xuất hiện trong văn hóa phương Đông và phương Tây. Nếu như ở phương Tây, rồng biểu hiện cho cái ác, người diệt được rồng bao giờ cũng được coi là anh hùng. Nhưng trong văn hóa phương Đông lại khác, rồng gắn liền với nền văn minh lúa nước, bao gồm một phần sông Dương Tử của Trung Quốc, rồi đến Việt Nam, Nhật Bản, Đông Nam Á…
Tức là những không gian có nền văn minh lúa nước thì tự nhiên biểu tượng con rồng trở nên rất linh thiêng vì rồng gắn liền với nước, nguồn sống của các nền văn minh, rồng phun nước là biểu tượng hoành tráng nhất. Từ biểu tượng cao quý đó mà rồng còn từ thần quyền dẫn tới quyền lực. Những gì gắn với vua chúa thường liên quan đến rồng, ví như là áo vua mặc thì là long bào, ghế vua ngồi thì là bệ rồng, ngai rồng, ấn vàng, bạc hay phổ biến nhất là sắc phong của nhà vua đều có biểu tượng con rồng...
Ông Dương Trung Quốc cũng cho biết rằng: Không biết năm đầu tiên trong âm lịch ở nước ta có phải là năm rồng không nhưng người Việt thường chờ đợi năm Thìn với tất cả những ước vọng về sự thăng tiến, sang trọng, sức mạnh cường tráng, thể hiện sức bay cao, bay xa của các cá nhân và toàn dân tộc để mang lại sức mạng cường tránh cho đất nước.
Nhưng cũng phải nên nhớ rằng con rồng bay lên mây nhưng vẫn phải gắn với bệ phóng ở phía mặt đất, dẫu có bay cao, bay xa vẫn gắn với thực tế mặt đất. Nếu rồng chỉ vơ vẩn trên mây thì cũng không thể mang lại lợi ích gì...
Thanh Giang