Hình tượng người chiến sĩ trong trường ca sau năm 1975

Viết về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là cảm hứng nổi bật trong những trường ca sau năm 1975. Trong sự chiêm nghiệm về cuộc chiến tranh, các tác giả trường ca trong thời kỳ “nở rộ” thể loại này đã “tạc” một cách chân thực hình tượng người chiến sỹ- một hình tượng đẹp với sự ngợi ca trân trọng trong văn học ở bất kỳ giai đoạn nào…


Khắc họa hình ảnh người lính trên chiến trường


Hình ảnh người chiến sĩ khi bước vào trận chiến với những đau thương và lòng quả cảm luôn sống dậy trong mỗi trang của trường ca.

“Trường ca Con đường của những vì sao” của tác giả Nguyễn Trọng Tạo.


Trên mỗi chặng đường hành quân, người chiến sĩ biết chấp nhận những thiếu thốn về vật chất, những đeo đẳng và hoành hành của căn bệnh sốt rét để tiến lên phía trước. Nếu Thu Bồn miêu tả những khó khăn gian khổ của người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ với bao thiếu thốn: “Trận mùa khô đánh Mỹ/ Quân ta thiếu cơm, thiếu súng, thiếu cả người” (Bazan khát - Thu Bồn), Hữu Thỉnh khắc họa hình ảnh người chiến sĩ trong trận sốt rét:“Trận rét rừng xoắn tím cả làn môi” (Đường tới thành phố- Hữu Thỉnh), thì hình ảnh người chiến sĩ trong trường ca Nguyễn Trọng Tạo hiện lên chân thực với bao vất vả, thiếu thốn và sự hoành hành của bệnh tật nơi rừng thiêng nước độc:“Bao chiến sĩ tựa vào cây khi lên cơn sốt/Cánh rừng rung lên nhận cơn sốt về rừng”(Con đường của những vì sao - Nguyễn Trọng Tạo).


Các bản trường ca của các nhà thơ như Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Trọng Tạo, Thu Bồn… có sức gợi rất lớn khi miêu tả người chiến sĩ đứng trước chiến tranh, đối diện với chiến tranh và vận mệnh của dân tộc. Đó là những cảm xúc rất thực của người chiến sĩ:“Ôi ! Tổ quốc ta muôn đời muốn khóc/Sau cơn bão chiến tranh quyết liệt/Tóc biển xanh ôm vai đất mỡ màu”(Con đường của những vì sao-Nguyễn Trọng Tạo).


Và những hy sinh vì đất nước


Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược như một nỗi ám ảnh lớn đối với bất kỳ người dân Việt Nam nào. Hơn ai hết, người chiến sĩ, những chàng trai cô gái đang tuổi thanh xuân không thể khoanh tay đứng nhìn đất nước chìm trong đau thương, hy sinh và mất mát: “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ (Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”(Những người đi tới biển - Thanh Thảo). Nhà thơ Thu Bồn đã từng khắc họa tâm thế ấy của thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ: “Quân thù kia ơi! Một bầy man rợ/Bay đừng hòng khuất phục đời ta/Bay định đốt ta thành hòn than quỳ lạy/Trong ánh lửa hồng ta xuất hiện một vòng hoa”(Bài ca chim Chơrao - Thu Bồn).

“Trường ca Chân đất” của tác giả Thanh Thảo.


Người chiến sĩ ra đi để lại sau lưng mình mẹ già, em thơ, cả làng quê yêu dấu và tình yêu trong ngày cưới dang dở:“Nào riêng hai người yêu nhau hoãn cưới/Bao cô dâu đêm tân hôn tất bật” (Con đường của những vì sao - Nguyễn Trọng Tạo). Trong những giây phút quyết định nhất đối với vận mệnh của đất nước, người chiến sĩ xin được quên niềm riêng để hướng con tim mình về Tổ quốc thiêng liêng: “Nhưng em ơi, chính giây phút này đây/Cho anh được quên niềm riêng nồng cháy/...Cho anh được quên để nhớ về Đất Nước!”(Tình ca người lính- Nguyễn Trọng Tạo). Khi người chiến sĩ chiến đấu hy sinh, ngã vào lòng đất vẫn trinh nguyên tuổi trẻ: “Chưa kịp yêu một người con gái/Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai”(Đất nước hình tia chớp - Trần Mạnh Hảo). Họ tình nguyện ra đi và nằm xuống khi tuổi đời còn xanh:“Họ trẻ lắm những người nằm dưới đó/áo binh nhì xanh suốt tuổi đôi mươi”(Sông Mê Công- Anh Ngọc).


Trường ca viết về chiến tranh không hề né tránh những hy sinh. Trên chiến trường cam go và quyết liệt, người chiến sĩ cận kề với cái chết, cái chết đối với họ “nhẹ tựa lông hồng”: “Nhưng em ơi, biết bao đồng đội /Nằm lại với non sông như đá tảng cây rừng” (Tình ca người lính - Nguyễn Trọng Tạo). Họ nằm lại chiến trường cùng đồng chí, đồng đội của mình, nằm lại với non sông đất nước, hóa thân vào dáng hình xứ sở: “Nằm khuất nơi đâu ven rừng đá lạnh/ Trọn đời làm chiến sĩ vô danh” (Bài ca chim Chơrao- Thu Bồn). Khi nằm xuống, họ vững tin một ngày mai thắng lợi, đất nước được giải phóng: “Máu đổ rồi!... Tự do càng chói sáng/ Máu Việt Nam, máu yêu nước tươi hồng” (Mặt đường khát vọng- Nguyễn Khoa Điềm). Và có lẽ, trong sâu thẳm tâm hồn, những người chiến sĩ nhớ về người mình yêu, những người đang chờ đợi mình nơi hậu phương. Để rồi ngày mai, sự hy sinh của họ trở thành bất tử, máu của họ chan hòa thành sự ngời sáng tự hào trên lá cờ đỏ thắm, hiện diện niềm tự do trên mỗi cây cành: “Em tìm anh, không thể nào gặp được/Máu anh bay lên trên những lá cờ/Tóc anh xanh cây lá tự do/Mắt anh sáng bao mắt nhìn đắm đuối” (Tình ca người lính - Nguyễn Trọng Tạo).


Với giọng điệu ngợi ca, bi hùng và triết lý, trong các sáng tác trường ca thời kỳ “nở rộ”, các nhà thơ dựng lên hình tượng người chiến sỹ vừa gần gũi bình dị vừa thiêng liêng cao đẹp. Hình ảnh ấy trở đi trở lại trong mỗi bản trường ca tạo nên cảm hứng ngợi ca bi hùng về những con người đối diện với lửa đạn, với sự hy sinh bằng niềm tin vào một ngày mai hòa bình tươi sáng.

Nguyễn Thế Lượng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN