Từ đó đến nay, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy hệ thống di sản Huế được chú trọng, hồi sinh nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, góp phần đưa Huế hội nhập với thế giới và tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Di tích đầu tiên được công nhận Di sản thế giới
Trong 143 năm tồn tại (1802-1945), nhà Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam đã để lại cho hậu thế hệ thống quần thể di tích đồ sộ với thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu, đài tạ, phủ đệ…Tuy nhiên, sự tàn phá của chiến tranh và thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quần thể di sản này.
Ông Thái Công Nguyên, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (giai đoạn 1989 - 2002) kể: trong chiến tranh, Kinh thành Huế là tọa độ của bom đạn, nhiều khu vực, công trình kiến trúc đã bị xóa sổ. Hơn 300 công trình kiến trúc còn lại sau chiến tranh đều bị xuống cấp, hư hỏng, dột nát với các mức độ khác nhau, cảnh quan các khu di sản trong tình trạng hoang hóa, cây cỏ xâm thực. Đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn di sản hạn chế, khiến di sản Huế phải đối mặt với muôn vàn thách thức và đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Năm 1981, sau một lần đến thăm Huế, ngài Amadou Mahtar M’Bow, Tổng Giám đốc UNESCO vào thời bấy giờ đã ra Lời kêu gọi cứu vãn Di sản văn hóa Huế. Ngài Amadou Mahtar M’Bow nhấn mạnh, di sản Huế đang ở trong tình trạng lâm nguy, đứng bên vực của sự diệt vong và quên lãng. Chỉ có sự cứu nguy khẩn cấp với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế mới có thể giúp Cố đô Huế thoát ra khỏi tình trạng trên. Sau lời kêu gọi, một cuộc vận động quốc tế hỗ trợ Cố đô Huế đã được triển khai mạnh mẽ, từng bước thay đổi nhận thức về di sản theo hướng tích cực. Giữa năm 1982, Công ty Quản lý Di tích Lịch sử và Văn hóa Huế được thành lập; sau này được đổi tên thành Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đã đánh dấu sự kiện quan trọng với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa Huế.
Theo ông Thái Công Nguyên, hành trình đưa Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành Di sản văn hóa thế giới khởi đầu từ năm 1990. Trong năm này, nhân cuộc làm việc của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh đã đề nghị cho phép lập hồ sơ quy hoạch định hướng bảo tồn và nâng cao giá trị khu di tích Huế; lập hồ sơ khoa học trình UNESCO đưa Huế vào danh mục Di sản văn hóa thế giới; khoanh vùng bảo vệ để dân không lấn chiếm. Các đề nghị trên được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng ý. Với những nỗ lực của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, sự giúp đỡ, hướng dẫn của các chuyên gia UNESCO và các bộ, ngành trong hai năm 1992-1993, bộ hồ sơ về Quần thể di tích Cố đô Huế đã được hoàn tất và đệ trình lên Hội đồng Di sản thế giới thuộc UNESCO. Ngày 11/12/1993, Quần thể di tích Cố đô Huế chính thức được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới của UNESCO và là Di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam được vinh danh. Sự kiện này đã đánh dấu mốc quan trọng và mang ý nghĩa lớn đối với công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Huế đến hôm nay.
Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế tự hào đã có 5 di sản được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới gồm Quần thể di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).
Nỗ lực bảo tồn di sản
Theo các nhà nghiên cứu, trong các kinh đô cổ của Việt Nam, Huế là nơi duy nhất còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình, với hệ thống thành quách, cung điện, miếu đường, đền đài, lăng tẩm. Nhìn lại 30 năm, kể từ ngày Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, công cuộc trùng tu, bảo tồn hệ thống di sản được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai thực hiện hiệu quả.
Sau khi được Chính phủ phê duyệt, trung tâm đã triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 1996 - 2010, với tổng mức đầu tư 720 tỷ đồng để bảo quản, trùng tu, phục hồi hơn 80 hạng mục công trình chủ yếu. Tiếp đó, Trung tâm thực hiện Đề án điều chỉnh Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020, với tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng để tiến hành bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo hơn 170 công trình, hạng mục công trình. Nhiều công trình tiêu biểu được trùng tu phục hồi như: Ngọ Môn, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh; lăng Đồng Khánh; Minh Lâu, Điện Sùng Ân (lăng Minh Mạng); Điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, (lăng Tự Đức); Thiên Định Cung (lăng Khải Định)…
Đặc biệt, vào năm 2018, Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế. Dự án đã thực hiện giai đoạn 1, hoàn thành di dời, xây dựng khu tái định cư phạm vi di tích Kinh thành Huế gồm tường thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ với 2.938 hộ. Hiện nay, địa phương đang triển khai thực hiện Giai đoạn 2 nhằm hoàn thành di dời, xây dựng khu tái định phạm vi các di tích Hồ Tịnh Tâm, Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 4 phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài với 1.263 hộ.
Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Phan Văn Tuấn cho biết, sau 30 năm kể từ khi Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, công cuộc bảo tồn di tích đã triển khai và thực hiện đạt nhiều kết quả rất đáng tự hào, Di sản văn hóa Huế đang từng bước được hồi sinh, diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử dần dần được hồi phục. Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy giá trị, làm đòn bẩy quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế và khu vực miền Trung.
Hồi sinh và phát triển bền vững
Cùng với sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thừa Thiên -Huế đã quan tâm, ban hành các chính sách nhằm tạo nguồn lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Quần thể di tích Cố đô Huế, cũng như hình thành nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, để di sản Huế trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Anh Hoàng Thanh, đến từ Hà Tĩnh chia sẻ, xứ Huế đã gìn giữ được một quần thể kiến trúc cung đình độc đáo mà không nơi nào có được. Gia đình anh đã có những trải nghiệm thú vị khi được chứng kiến vẻ đẹp cổ kính qua những đền đài, cung điện nguy nga và thưởng thức các nghi lễ chốn cung đình. Đến với Cố đô Huế cũng là dịp để giáo dục cho con cái, thế hệ trẻ về giá trị lịch sử và việc bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang tiến hành trùng tu, phục dựng nhiều công trình quan trọng như điện Thái Hòa, điện Kiến Trung, tổng thể cảnh quan lăng Gia Long… Đồng thời, chuẩn bị đầu tư một số dự án như: Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Quốc Tử Giám, Thái Miếu, Phủ Nội Vụ, Điện Cần Chánh, Đại Cung Môn,… nhằm phát huy tối đa hiệu quả của di sản văn hóa.
Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Phan Văn Tuấn cho biết, quá trình bảo tồn và trùng tu di tích, đơn vị gặp nhiều khó khăn, thách thức như nguồn nguyên liệu gỗ ngày càng hiếm trong khi kết cấu gỗ chiếm khoảng 90% trong Quần thể di tích Cố đô Huế; việc tìm kiếm, nghiên cứu nguồn tư liệu lịch sử để làm cơ sở đối chứng, phục hồi di tích, ảnh hưởng của thời tiết cực đoan. Trong quá trình thực hiện trùng tu di tích, đơn vị luôn phối hợp với các tổ chức, tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế để thực hiện bài bản, khoa học và đảm bảo khách quan. Bên cạnh đó, đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý nấm mốc mối mọt xâm hại kết cấu gỗ, lập đề án kiến nghị cơ quan chức năng hình thành vùng nguyên liệu gỗ chuẩn bị cho công tác trùng tu trong 50 - 60 năm tới.
Nhằm xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành một "thành phố di sản", xác lập vị thế là trung tâm du lịch văn hóa quốc gia và toàn cầu, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang triển khai lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 dự kiến trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định và Thủ tướng phê duyệt vào tháng 9/2023. "Đề án này sẽ là cơ sở định hướng cho công cuộc bảo tồn, trùng tu và phát huy hệ thống di sản Huế để Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành hạt nhân, động lực trong thực hiện chiến lược phát triển đô thị di sản Thừa Thiên - Huế", ông Tuấn cho biết.
Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart cho rằng, trong 30 năm được vinh danh thành Di sản văn hóa thế giới, Quần thể di tích Cố đô Huế đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp…Bên cạnh đó, sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo tồn đã từng bước hồi sinh các công trình đã bị tàn phá nặng nề do ảnh hưởng của chiến tranh. Tuy nhiên, di sản Huế cũng đang đối mặt với những thách thức do thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu. Vì vậy, công tác trùng tu cần triển khai thường xuyên để duy trì được sự ổn định thành quả của 30 năm qua và phát huy hiệu quả giá trị di tích thời gian đến.