Hà Nội đẩy mạnh quản lý bảo vệ di tích, danh thắng

Sau một thời gian dài xây dựng, lấy ý kiến góp ý, cuối tháng 11 này, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Với những nội dung của quy chế, việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, danh lam của Thủ đô hứa hẹn sẽ được triển khai hiệu quả hơn.

Phân cấp chi tiết

Quy chế quy định hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên thuộc danh mục kiểm kê di tích thuộc thẩm quyền quản lý của UBND thành phố Hà Nội.

Theo đó, UBND thành phố Hà Nội thực hiện việc quản lý nhà nước đối với toàn bộ di tích trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố. Sở Văn hóa và Thể thao chịu trách nhiệm tham mưu thực hiện quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn thành phố.  Còn UBND cấp huyện thực hiện việc quản lý nhà nước về di tích trong phạm vi quyền hạn và nhiệm vụ được phân công.

Khu di tích Cổ Loa do UBND thành phố Hà Nội quản lý. Ảnh: TTXVN

“Quy chế đã phân cấp rất rõ ràng và chi tiết việc quản lý di tích. Theo đó, UBND cấp huyện phân công UBND cấp xã thực hiện quản lý di tích trên địa bàn, bảo đảm phù hợp với điều kiện, khả năng cụ thể của mỗi địa phương và thẩm quyền, trách nhiệm của cấp xã theo quy định pháp luật. Đối với di tích quốc gia đặc biệt, việc quản lý do UBND cấp huyện quyết định, phù hợp quy định pháp luật; trong thành phần tham gia quản lý phải bố trí nhân sự có trình độ chuyên môn về di tích. Phòng Văn hóa và Thông tin chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn huyện; UBND cấp xã quyết định thành lập Ban quản lý di tích hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm căn cứ đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, số lượng di tích, sau khi có thỏa thuận bằng văn bản của Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện về thành phần nhân sự”, đại diện ngành văn hóa Hà Nội cho biết.

Theo như quy định này, những di tích tiêu biểu sau sẽ do UBND thành phố quản lý: Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Cổ Loa, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Di tích tưởng niệm Bác Hồ tại Vạn Phúc - Hà Đông, Di tích nhà tù Hỏa Lò, Di tích 48 Hàng Ngang, Di tích 5 Hàm Long, Di tích 90 Thợ Nhuộm, Cụm di tích Hồ Hoàn Kiếm - Đền Ngọc Sơn - Tượng đài Vua Lê, Di tích Đền Bà Kiệu…

Nhiều việc cần sớm vào cuộc

“Quy chế cũng quy định rõ, Sở Văn hóa và Thể thao chịu trách nhiệm xây dựng dự thảo quyết định, chỉ thị; quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm, đề án, dự án, chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về các hoạt động thuộc lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di tích thuộc thẩm quyền quản lý của UBND thành phố; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc quản lý, bảo vệ và sử dụng các di tích trên toàn thành phố; giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về di tích; khen thưởng và xử lý vi phạm về di tích theo quy định. Sở cũng chịu trách nhiệm hướng dẫn UBND cấp huyện tổ chức đón bằng xếp hạng; xây dựng nội quy, nội dung bảng giới thiệu giá trị di tích; chuyên môn nghiệp vụ đối với các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích; tu sửa cấp thiết di tích và các dự án tu bổ di tích thuộc cấp huyện quản lý sau khi được phê duyệt…”, đại diện ngành văn hóa Hà Nội giải thích thêm.

Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội sẽ  đề xuất với Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phân cấp một số nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ cho thành phố Hà Nội, trong đó, xác định vai trò quản lý nhà nước của thành phố trong việc phê duyệt, thẩm định và hậu kiểm công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố.

 Bên cạnh đó, sẽ bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tổng thể văn hóa trên địa bàn thành phố. Triển khai công tác số hóa tư liệu về di tích, phục vụ công tác quản lý di tích. Tổ chức mời cơ quan chuyên ngành khảo sát, đánh giá mức độ xuống cấp chính xác của các di tích trên địa bàn thành phố, trước mắt đối với các di tích xuống cấp nặng do thiên tai đề xem xét giải quyết kịp thời. Những di tích xuống cấp khác cần lên kế hoạch tu bổ ngắn hạn và dài hạn, không đề xuất ngân sách thành phổ hỗ trợ các di tích xuống cấp nặng đã có phân cấp nhiệm vụ cho các quận, huyện. 
P.T
Bảo vệ môi trường di tích, danh lam thắng cảnh
Bảo vệ môi trường di tích, danh lam thắng cảnh

Ngành văn hóa đã quyết định triển khai dự án điều tra xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu cho việc bảo vệ môi trường này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN