Đây là dịp để tỉnh Gia Lai nhìn nhận, đánh giá lại công tác bảo tồn, phát huy các di sản, di tích cấp quốc gia gắn với phát triển kinh tế - văn hóa và xã hội.
"Cái nôi” của di sản
Tỉnh Gia Lai có 33 di tích, cụm di tích đã được xếp hạng; trong đó có 1 quần thể (với 9 cụm di tích) được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt (quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, xếp hạng năm 2022), 8 di tích quốc gia và 16 di tích cấp tỉnh. Tỉnh cũng có 1 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia (Phù điêu Phật Chămpa Tây Nguyên, công nhận năm 2017) và 6 hiện vật, bộ hiện vật (với 14 hiện vật) đã được đăng ký cổ vật.
Gia Lai đã kiểm kê được 456 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể; trong đó có 3 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (toàn tỉnh), Sử thi của người Ba Na (các huyện Đak Đoa, Đak Pơ, Kbang, Kông Chro), Lễ Cầu mưa của Yang Pơtao Apui (Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện). Ngoài ra, tỉnh có 23 nghệ nhân ưu tú được Chủ tịch nước vinh danh qua 2 đợt tổ chức xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Trong nhiều năm qua, Gia Lai đã đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực di sản văn hóa. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã nhận được sự giúp đỡ từ các chuyên gia của Nga và Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) trong việc tổ chức khai quật khảo cổ tại thị xã An Khê và dập, dịch văn bia Chămpa tại huyện Đak Pơ. Qua đó, đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị quan trọng, có niên đại cách đây khoảng 80 vạn năm. Bộ rìu tay sơ kỳ đá cũ An Khê là bằng chứng sinh động điển hình về văn hóa của cộng đồng cư dân sơ kỳ đá cũ cách đây khoảng 80 vạn năm trên đất Gia Lai và cũng là mốc mở đầu của lịch sử Việt Nam. Bia đá Chămpa (ở xã Tân An, huyện Đak Pơ) thuộc thời kỳ Vương quốc Chămpa thế kỷ 15 giúp hiểu biết thêm về một giai đoạn lịch sử văn hóa của địa phương, vùng Tây Nguyên.
Dù được xem là “cái nôi” của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nhưng trong nhiều năm qua, Gia Lai vẫn chưa tìm ra được hướng đi, phương án khai thác, phát huy các giá trị văn hóa, di tích lịch sử vào tiến trình phát triển kinh tế - văn hóa và xã hội.
Theo ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, tỉnh đang gặp những khó khăn như đến nay không có Ban Quản lý di tích hay Trung tâm Bảo tồn di tích nên tại nhiều điểm có giá trị khảo cổ chưa có thiết chế bảo tàng chính thức, chưa khai thác được hết giá trị của di tích.
Bên cạnh đó, chế độ, chính sách đãi ngộ chưa phát huy được hết khả năng thực sự của nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai mong muốn thông qua những khuyến nghị của đoàn công tác, Gia Lai sẽ phát huy, gìn giữ, bảo tồn và phát triển ngày càng tốt hơn các di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, di tích quốc gia đặc biệt và bảo vật quốc gia hiện có.
Để di sản “cất cánh”
Nhiều ý kiến đóng góp của đoàn công tác Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã tập trung vào công tác phát huy những giá trị của các di sản, di tích hiện có của Gia Lai. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến giúp Gia Lai vừa phát huy được các giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế, văn hóa xã hội vừa bảo vệ được những di tích hiện có cũng được đưa ra.
Theo PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam: Gia Lai có cụm di tích An Khê có tầm cỡ, trong đó, di tích đồ đá sơ kỳ không chỉ là bình minh tiền sử của châu Á mà còn là của nhân loại, nó có đóng góp rất lớn vào công cuộc nghiên cứu lịch sử Thế giới. Vì thế, để phát huy những giá trị cốt lõi của các di tích này, Gia Lai cần phát huy tính liên kết của di tích vừa để chuyển tải hết thông điệp lịch sử, vừa để bảo tồn, bảo vệ các cụm di tích; lựa chọn những cổ vật đặc trưng của cụm di tích An Khê để đề nghị đưa vào danh sách bảo vật quốc gia.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng: Gia Lai cần kết hợp các nguồn hỗ trợ để xây dựng cảnh quan các làng văn hóa kiểu mẫu. Bên cạnh đó, tỉnh cần gắn các sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương với các điểm di tích. Đối với di tích Tây Sơn Thượng Đạo, Gia Lai cần sớm tìm được đơn vị tư vấn để lập quy hoạch tổng thể về bảo tồn. Từ đó, có những định hướng quy hoạch gắn với phát triển du lịch. Ngoài ra, Gia Lai cũng cần xem xét đề nghị thành lập các ban quản lý gắn với các di tích lịch sự đặc biệt.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cho rằng, các ý kiến, quan điểm của thành viên đoàn công tác cũng là những quyết tâm, định hướng của tỉnh Gia Lai trong việc gìn giữ, phát huy những di sản hiện có. Tỉnh sẽ xây dựng các cơ chế đặc thù để hỗ trợ nghệ nhân, cơ chế để giữ gìn các nhà rông… Đặc biệt, Gia Lai mong muốn Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia có những nghiên cứu đầy đủ về Tây Nguyên; hỗ trợ địa phương xác định, xác lập các bảo vật quốc gia…