François Bibonne - người xây cầu bằng âm nhạc Việt Nam

Once upon a bridge in Vietnam là tên một bộ phim âm nhạc do nhà làm phim trẻ François Bibonne mới hoàn thành và đã ra mắt tại Paris. Độc đáo và đầy cảm xúc, cuốn phim đầu tay đã chuyển tải thành công mong ước của nhà làm phim tài liệu trẻ người Pháp có một phần dòng máu Việt, đó là làm cầu nối đưa âm nhạc dân gian và nhạc cổ điển Việt Nam ra thế giới và giúp công chúng nước ngoài khám phá Việt Nam dưới một góc nhìn khác, ít được biết đến.

Chú thích ảnh
François Bibone hy vọng có thể quay lại Việt Nam để khởi động những dự định to lớn mà anh đang ấp ủ. 

Những điều thú vị và bất ngờ của nền âm nhạc Việt Nam

Từ tiếng mõ toong toong cốc cốc, tiếng cò cưa của đàn đáy theo nhịp lẩy giọng của ca nương đến bản hòa tầu hào hùng của dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đồ sộ; từ làng sản xuất kèn đồng của những nghệ nhân Nam Định chân lấm tay bùn, đến những em nhỏ học kéo violon trong sân chùa của một làng quê Bắc Bộ; từ hình cảnh cây cầu Long Biên cổ kính, nối quá khứ với hiện đại, đến con tàu thống nhất chạy suốt chiều dài đất nước ; từ những địa danh, phong cảnh tuyệt đẹp của đất nước đến những nụ cười hạnh phúc và hình ảnh đầy dung dị của người dân Việt Nam… tất cả đã được đạo diễn trẻ François Bibonne thu vào ống kính và đưa lên cuốn phim tài liệu âm nhạc Once upon a bridge in Vietnam (tạm dịch là "Xưa có một nhịp cầu ở Việt Nam").

Mới ra mắt vào đầu năm 2022, nhưng bộ phim tài liệu âm nhạc dài 30 phút này đã kịp giành giải Phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất của Giải thưởng phim Los Angeles (Los Angeles Film Awards) tháng 2/2022 và một giải khác tại Liên hoan phim quốc tế New York (New York International Film Award tháng 3/2022).

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, François Bibonne cho biết ý tưởng làm phim này chỉ xuất hiện năm 2019, khi anh thực tập ở một nhóm nhạc cổ điển ở Paris. Nhận thấy ở Pháp và trên thế giới không có nhiều tư liệu về âm nhạc cổ điển Việt Nam và cũng do sức cuốn hút của những câu chuyện bà Nội, Thérèse Nguyễn Thị Koan, từng kể cho anh nghe thưở ấu thơ, năm 2020, anh đã quyết định trở về quê hương của bà để tìm hiểu về cội nguồn và thực hiện ý tưởng của mình.

Chú thích ảnh
Tấm áp phích quảng cáo bộ phim tài liệu đầu tay của François Bibonne "Once upon a bridge in Vietnam". Ảnh: Thu Hà/TTXVN

Trong suốt 15 tháng làm phim ở Việt Nam, François Bibonne đã rong ruổi khắp chiều dài đất nước để sưu tầm, tìm hiểu về âm nhạc, từ những bản hòa tấu cổ điển phương Tây do các dàn nhạc giao hưởng trình diễn đến những làn điệu dân ca và âm nhạc dân tộc được thể hiện bởi các nghệ nhân, từ những nhà hát hoàng tráng hiện đại đến những lớp nhạc nhỏ bé bên sân chùa của một làng quê Bắc Bộ. Chàng thanh niên trẻ người Pháp với 1/4 dòng máu Việt, trong vai nhân vật chính của bộ phim đã dẫn dắt khán giả đi khắp các miền quê của đất nước. Bên cạnh những cảnh đẹp của làng quê Việt Nam, khán giả có thể cùng anh trải nghiệm những điều thú vị và bất ngờ của nền âm nhạc Việt Nam từ cổ điển đến dân gian, từ truyền thống đến hiện đại.

Âm nhạc, cầu nối Việt Nam và thế giới

Nói về những khó khăn và thuận lợi trong quá trình làm phim, François cho biết: "Thuận lợi đầu tiên là sự ủng hộ về mặt tinh thần mà tôi đã nhận được từ báo chí truyền thông, từ bạn bè và các nhạc sĩ, nghệ sĩ ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nhờ vào các hội đoàn, bạn bè và gia đình tại Pháp, tôi cũng đã quyên góp được 12.000 euro để hoàn tất hậu kỳ và quảng bá bộ phim". Hiệp hội Fontainebleau còn tài trợ cho anh chiếc máy ảnh để tác nghiệp. Thậm chí, dịch bệnh COVID-19 cũng là một lợi thế, vì nhờ đó mà thời gian François ở Việt Nam được kéo dài và cũng nhờ Việt Nam đã xử lý tốt khủng hoảng dịch bệnh nên công việc của anh không bị cản trở.

Với François Bibonne, khó khăn cũng còn đến từ yếu tố tâm lý. Vì chàng thanh niên trẻ người Pháp không nói được tiếng Việt nên mọi việc đều phải tự xoay sở, từ kết nối với các nhân vật, đến thiết lập các mối quan hệ. Thậm chí, François đã phải đi dạy thêm tiếng Pháp, tiếng Anh để có thể trang trải cuộc sống và chi phí cho những chuyến đi. Được đào tạo về lịch sử, âm nhạc và xã hội học, nên François không có nhiều kiến thức về kỹ thuật làm phim. Vì vậy, anh đã phải tự học mọi thứ. "Việt Nam thực sự là một trường học đối với tôi", François chia sẻ.

Khó khăn là vậy, nhưng chính tình yêu đối với âm nhạc và đất nước Việt Nam đã là động lực giúp François vượt qua mọi thử thách. Anh chia sẻ: "Cứ lao vào làm các dự án ở Việt Nam là tôi quên hết thời gian. Tôi mong muốn chứng minh cho những người xung quanh thấy rằng Việt Nam và âm nhạc cổ điển tạo nên một thế giới kỳ diệu đáng được tôn vinh, đó là một sức mạnh nội tại hoàn toàn tự nhiên. Tìm hiểu về lịch sử âm nhạc Việt Nam cũng là một cách khám phá bản sắc của chính mình. Và tôi cảm thấy hạnh phúc khi du hành về với cội nguồn tổ tiên của mình".

Chú thích ảnh
Hình ảnh chiếc cầu Long Biên trong phim "Once upon a bridge in Vietnam" của tác giả François Bibonne. Ảnh: Thu Hà/TTXVN

François Bibonne cho biết bộ phim mang nhiều ý nghĩa đối với anh. "Trước hết, đó là một món quà tinh thần để bày tỏ lòng kính trọng đối với người bà mà François vô cùng yêu quí. Sau đó, là muốn giới thiệu tới công chúng Pháp và quốc tế một không gian khác của Việt Nam mà họ chưa từng được biết đến hoặc biết rất ít, đó âm nhạc cổ điển cũng như sự tương phản và giao hòa đầy sáng tạo giữa âm nhạc dân tộc và âm nhạc cổ điển châu Âu tại Việt Nam".

Giải thích về lý do anh lựa chọn cây cầu để làm biểu tượng cho cuốn phim tài liệu này, François cho biết: Cây cầu, ngoài nghĩa đen, trong tiếng Anh, bridge còn có nghĩa là một cấu trúc âm nhạc dùng để liên kết giữa điệp khúc và câu hát trong một bài hát. Từ đó cũng để chỉ một bộ phận của vĩ cầm (hoặc cello và viola) nhằm để kết nối các dây đàn với nhau. Về hình ảnh cụ thể trong phim, đó là cầu Long Biên, là cầu nối giữa Việt Nam với Pháp và thế giới và xa hơn nữa là cầu nối giữa âm nhạc cổ điển châu Âu và âm nhạc truyền thống Việt Nam.

"Tôi nghĩ Việt Nam là một đất nước năng động và sự năng động này được thể hiện trong bối cảnh âm nhạc của nó. Bộ phim cũng là bằng chứng sinh động về sự mối liên kết giữa Pháp và Việt Nam, mà trong đó văn hóa và âm nhạc là cầu nối. Khi công việc của tôi tiến triển, tôi nhận ra rằng sứ mệnh quảng bá âm nhạc cổ điển châu Âu đã bị lu mờ và nổi lên lại là văn hóa, truyền thống Việt Nam, một di sản phức hợp của đất nước này. Và tác phẩm trên hết nói lên sự trở về cội nguồn của chính tôi", François Bibonne tâm sự.

Chia sẻ về những dự án ấp ủ trong tương lai, François cho biết anh muốn tìm kiếm các nguồn tài trợ để có thể viết một cuốn sách nói về lịch sử âm nhạc cổ điển ở Việt Nam, tổ chức một cuộc gặp mặt những nhân vật trong phim tài liệu, xây dựng các buổi hòa nhạc nhằm liên kết âm nhạc cổ điển và âm nhạc truyền thống. "Hiện tại, tôi muốn chiếu phim tài liệu của mình ở nhiều nơi nhất có thể để thu hút sự quan tâm của khán giả với Once Upon a Bridge in Vietnam và thương hiệu Studio Thị Koan của tôi. Tôi cũng dự định sẽ quay lại Việt Nam để làm bộ phim tiếp theo trên nền câu chuyện về Charles-Camille Saint-Saëns, nhà soạn nhạc, nghệ sĩ đàn piano và organ, nhạc trưởng, nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng người Pháp. Ông đã từng đến Côn Đảo vào năm 1895. Nói rộng hơn nữa là, tôi muốn hình thành khái niệm về âm nhạc cổ điển vòng quanh thế giới và đi đến các quốc gia khác để làm điều tương tự".

Thu Hà - Tiến Nhất (Pv TTXVN tại Pháp)
Văn hóa Việt Nam nổi bật trong Ngày hội Pháp ngữ tại Pháp
Văn hóa Việt Nam nổi bật trong Ngày hội Pháp ngữ tại Pháp

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Pháp ngữ (20/3), Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đã đại diện cho Việt Nam tham gia "Ngày hội Cuối tuần Pháp ngữ 2022", được tổ chức trong 2 ngày 19-20/3 tại làng Yèbles, thuộc tỉnh Seine et Marne, cách thủ đô Paris 60 km.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN