Ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, địa danh đã trở thành "một mốc son chói lọi, một địa danh lịch sử oai hùng trên con đường chiến lược Trường Sơn mang tên Bác” (lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Ngã ba huyền thoại ấy đã đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về quyết tâm sắt đá, thể hiện ý chí kiên cường bất khuất, dũng cảm, mưu lược để giữ vững mạch máu giao thông chi viện cho tiền tuyến, góp phần cùng quân và dân cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng. Khu tượng đài Chiến thắng Đồng Lộc. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN |
Một thời chiến tranh Ngã ba Đồng Lộc có vị trí rất quan trọng trong mạng lưới giao thông chiến lược Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, là giao điểm của đường 15 và các đường liên tỉnh. Toàn bộ khu vực ngã ba Đồng Lộc nằm trên một khu đồi hẹp, thuộc phạm vi 4 xã: Đồng Lộc, Trung Lộc, Mỹ Lộc, Thượng Lộc của huyện Can Lộc. Trong những năm kháng chiến, nhận rõ vị trí quan trọng của Đồng Lộc, địch tập trung đánh phá ác liệt khu vực này. Chỉ trong vòng 7 tháng (từ tháng 4 đến tháng 10/1968), chúng đã đánh vào ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần, ném gần 50.000 quả bom các loại.
Thời điểm ấy, Đồng Lộc không lúc nào ngớt tiếng bom đạn. Đất đá bị đào đi xới lại, hố bom chồng chất hố bom. Ban ngày, địch tập trung đánh chặn các lối ra vào. Ban đêm, chúng thả pháo sáng, ném bom bi, bắn đạn rốc két... nhằm vào các lực lượng ứng cứu đường của ta. Bên địch quyết phá, bên ta quyết giữ. Chúng ta đã tập trung mọi nguồn lực để giữ bằng được con đường này. Quân và dân các xã đã góp công, sức người phục vụ chiến đấu, đào đắp đất đá, vận chuyển gỗ, cung cấp cọc tre. Trong suốt 300 ngày đêm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, hơn 16.000 con người đã đối mặt, bám trụ chiến đấu kiên cường để nối mạch, thông đường với tiền tuyến.
Tượng đài tái hiện cảnh bom đạn Mỹ trút xuống Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN |
Hình ảnh khu vực thung lũng ngã ba Đồng Lộc rộng chưa đầy 50 hécta bị quần nát, xới tung vì bom đạn khốc liệt đã trở thành một ấn tượng khó phai nhòa trong ký ức lớp người một thời xông pha giữ đường. Nơi đó, hàng ngàn bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, lái xe, chiến sỹ công an, dân công, dân quân du kích... đã gửi lại tuổi thanh xuân để thông đường, thông xe, góp phần làm nên huyền thoại về ngã ba Đồng Lộc.
Tiêu biểu cho bài ca về sự hy sinh cao cả ở ngã ba này là sự hy sinh anh dũng của 10 nữ thanh niên xung phong Tiểu đội 4, Đại đội 552 tràn đầy sức trẻ hay tinh thần quả cảm của nữ anh hùng La Thị Tám. Với ý chí kiên cường và lòng dũng cảm, dù chỉ mới 18 tuổi nhưng nữ anh hùng La Thị Tám đã "thi gan" cùng bom đạn, hiểm nguy. Chị là người đếm bom từ trường và cắm tiêu trên các quả bom từ trường chưa nổ để đồng đội phá bom có hiệu quả và những đoàn xe tránh được nguy hiểm khi chở hàng ra tiền tuyến.
"Địa chỉ đỏ" hôm nay Chiến tranh đã lùi xa. Cuộc sống đã hồi sinh ngay trên “tọa độ chết” năm xưa. Đồng Lộc ngày nay tràn đầy sự sống và là nơi chứa đựng biết bao huyền thoại thiêng liêng cao cả, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ. Nơi đây ngày ngày luôn ngát thơm hương hoa của hàng trăm người tới viếng, tri ân các anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc. Khu mộ của 10 nữ anh hùng thanh niên xung phong nằm dưới một ngọn đồi thoai thoải, yên nghỉ ngàn thu trong tư thế sóng hàng theo đội hình của người xung trận giữa bao la đất trời.
Năm 1989, khu di tích lịch sử ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Từ đó đến nay, Trung ương Đoàn Thanh niên, các tổ chức, cá nhân đã đầu tư xây dựng nhiều công trình như: Tượng đài chiến thắng; khu mộ 10 nữ liệt sỹ, nhà truyền thống, nhà bia tưởng niệm lực lượng thanh niên xung phong toàn quốc; phòng trưng bày, tháp chuông, đồi La Thị Tám…
Du khách thập phương về dâng hương tại khu mộ 10 cô gái TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN |
Anh Trần Đình Ước, Trưởng Ban Quản lý khu di tích thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc chia sẻ: Cán bộ, nhân viên khu di tích luôn coi đây như mái nhà thứ hai của mình. Mọi người đều chăm chút chu đáo nơi yên nghỉ của các chị. Việc hướng dẫn và đón tiếp khách là một trong những tiêu chí quan trọng. Để xây dựng nét đẹp văn hóa trong công tác hướng dẫn, đón tiếp, chúng tôi đã thường xuyên chỉ đạo cán bộ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ này một cách tận tình, chu đáo; thường xuyên trau dồi nội dung thuyết minh, rèn luyện tác phong và cách diễn đạt, đặc biệt là chất giọng truyền cảm đặc trưng của người Hà Tĩnh.
Chị Thái Huyền Trang, một du khách đến từ Hà Nội không giấu nổi xúc động khi được về thăm ngã ba Đồng Lộc. Chị chia sẻ: Trong chuyến du lịch cùng cả gia đình lần này, tôi thấy thật ý nghĩa khi dẫn các con mình về thăm ngã ba Đồng Lộc để các cháu hiểu truyền thống anh hùng bất khuất của cha ông, sự hy sinh cao cả của lớp người đi trước. Từ đó, các cháu có thêm tình yêu quê hương, đất nước, thêm động lực để vươn lên.
Ngã ba Đồng Lộc sẽ mãi là một biểu tượng đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Ngã ba huyền thoại Đồng Lộc đã trở thành điểm du lịch, địa chỉ cách mạng giáo dục thế hệ trẻ sống, cống hiến sức trẻ, tiếp nối truyền thống anh hùng./.
Hoàng Ngà