Khách hàng mua sắm tại chợ đồ cũ. |
Chợ ra đời khoảng 10 năm trước, từ khi bắt đầu có Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long. Trước đây, do không gian của Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long còn hạn chế nên chưa thu hút được đông khách nhưng vài năm trở lại đây và nhất là từ khi bảo tàng được di dời ra khu nhà trưng bày mới tại phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa thì chợ phiên đồ cũ, đồ xưa có rất đông du khách tìm đến. Chợ trở thành nơi để những người yêu đồ cổ chia sẻ, mua bán, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, sở thích về đồ xưa, đồ cũ.
Người đến với phiên chợ này không hẳn để bán, để mua mà có khi chỉ là để được chiêm ngưỡng, nhìn ngắm, được tận tay sờ vào từng món đồ mang trong mình nhiều giá trị của thời gian. Đến chợ, khách được thỏa thuê ngắm nhìn những đồ vật cũ có tuổi đời hàng chục, hàng trăm năm như đồ trang sức, đá quý, tiền cổ, đồng hồ, đồ gốm sứ cổ, đồ đá, đồ đồng...
Khách đến chợ vẫn nói vui với nhau, mua bán đồ cũ, đồ xưa giống như "mua của người chán, bán cho người cần". Mỗi phiên chợ có khoảng 20 gian hàng lớn nhỏ được thiết kế trong không gian mở, theo hình thức chợ quê. Dù chỉ họp 2 phiên vào ngày thứ 7, chủ nhật nhưng chợ đồ cũ, đồ xưa vẫn thu hút hàng trăm lượt khách trong và ngoài tỉnh.
Anh Nguyễn Đức Sâm (thành phố Thanh Hóa), chủ một quầy hàng tại chợ phiên đồ cũ, đồ xưa cho biết: "Đáp ứng nhu cầu của khách, quầy hàng của tôi bán rất nhiều đồ như đồ gốm, đồ sứ, đồ đồng, chậu cây cảnh, đá quý... Tất cả các mặt hàng đều là đồ cũ, đồ xưa, có giá trị từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng".
Đến với phiên chợ, cả người bán và người mua đều không đặt nặng vấn đề mua hay bán mà chủ yếu là đến để gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ với nhau về đam mê đồ xưa, đồ cũ hay thậm chí chỉ là được “khoe” bộ sưu tập của mình và được trò chuyện với những người có cùng đam mê.
Chợ là nơi để cả người bán và người mua tìm về với những giá trị xưa. |
Ông Nguyễn Công Cẩn (thành phố Thanh Hóa) là một trong những khách hàng thường xuyên của chợ. Hầu như phiên chợ nào cũng có mặt ông. Trong phiên chợ này ông Cẩn mua được 5 món đồ ưng ý là đôn gỗ, chậu cảnh, nậm đựng rượu, hộp đồng, nai đời Lý (đồ để đựng rượu). Đặc biệt trong đó có chiếc nai đời Lý bị sứt miệng, ông mua với giá 300.000 đồng, đem đi bọc đồng chỗ bị sứt hết thêm 200.000 đồng nữa. Vừa bọc xong ông đem "khoe" với những người bạn chuyên sưu tập đồ cổ có người đã trả lên 2 triệu đồng.
Ông Nguyễn Công Cẩn cho biết: "Ban đầu, tôi sưu tầm đồ cổ vì tò mò, thích thú, dần dần trở thành đam mê. Trước đây chưa có chợ phiên, việc trao đổi, mua - bán, chia sẻ thông tin về đồ cũ, đồ cổ chỉ giới hạn trong một nhóm người nhưng từ khi có chợ, chúng tôi được giao lưu rộng rãi hơn, chợ phiên đồ cũ, đồ xưa tại Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long trở thành địa chỉ tin cậy để trao đổi, giao lưu văn hóa, một nơi để tìm về với những giá trị xưa".
Không chỉ có khách hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhiều người mê đồ cổ, đồ cũ ở Hà Nội, Nghệ An, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng... cũng tìm đến phiên chợ đồ xưa xứ Thanh với mong muốn kiếm được món hàng ưa thích và giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về sưu tầm, lưu giữ.
Là một người vừa sưu tầm, vừa buôn bán đồ đá quý và đồ cổ, anh Đào Vĩnh Hà (quê Hải Phòng) cho biết đã đi khắp các địa phương trong cả nước nhưng chưa thấy nơi nào thú vị và khiến anh hàng tuần đều muốn quay trở lại như phiên chợ đồ cũ đồ xưa ở Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long.
Theo anh Hà, chợ phiên này bày bán rất đa dạng các mặt hàng; bên cạnh đó, ở Thanh Hóa có rất nhiều người yêu đồ xưa cũ nên đến đây anh được giao lưu, được tranh luận, được "làm giàu" thêm kiến thức về các loại đồ cổ.
Ông Hoàng Văn Thông - Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long cho biết: "Với mong muốn có một không gian riêng cho những người yêu đồ cổ, đồ xưa, tôi đã nung nấu ý tưởng đứng ra tổ chức chợ đồ xưa và mãi đến năm 2003 ý tưởng này mới trở thành hiện thực."
Trên thế giới, có nhiều thành phố lớn trưng bày, giới thiệu và mua bán các loại đồ cũ như một nét văn hóa nhằm thu hút khách du lịch. Giá trị của phiên chợ đồ cũ, đồ xưa ở Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long không chỉ đơn thuần là hoạt động mua - bán mà qua đó nâng cao ý thức của mỗi người trong việc giữ gìn các giá trị về văn hóa, lịch sử của dân tộc thông qua việc lưu giữ, trân trọng và bảo tồn các hiện vật xưa.
Chắc chắn trong tương lai không xa, chợ đồ cũ, đồ xưa xứ Thanh sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách mỗi khi đến với Thanh Hóa.