Từ những “sự trở về” rực rỡ...
Dễ nhận thấy, bên cạnh sự xuất hiện của những đạo diễn trẻ tâm huyết, có năng lực, đội ngũ đạo diễn từ nước ngoài trở về đã tạo ra luồng gió mới chuyên nghiệp hơn cho phim trường Việt Nam.
Mở đầu cho trào lưu “trở về” là đạo diễn Charlie Nguyễn với bộ phim “Dòng máu anh hùng”, bộ phim đã giúp đạo diễn này giành giải Bông Sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15 và nhiều giải thưởng danh giá khác. Tiếp đến là sự góp mặt đáng nể của đạo diễn Victor Vũ với những đầu tư công phu, nghiêm túc qua những bộ phim đình đám như: “Scandal”, “Chuyện tình xa xứ”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”...
Mặt khác, việc hợp tác, liên doanh sản xuất phim giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế cũng đã có bước khởi sắc với một số phim có sự tham gia của nghệ sỹ đến từ Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc... Những hoạt động giao lưu - hội nhập trong nước cũng khá sôi động. Nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế về điện ảnh đã được tổ chức tại Việt Nam.
Bộ phim đình đám “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của Victor Vũ. |
Lĩnh vực phát hành - phổ biến phim có lẽ đạt hiệu quả nhất trong quá trình hội nhập. Hàng năm, bình quân có trên dưới 100 phim ngoại nhập, trong đó có hàng chục phim nổi tiếng, mới nhất của Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc... được công chiếu tại các rạp, cụm rạp của Việt Nam.
Theo số liệu chính thức của Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thị trường phim chiếu rạp những năm gần đây tăng trưởng vào loại hàng đầu ở châu Á, doanh thu mỗi năm đều tăng và dự kiến năm 2016 có thể đạt tổng doanh thu tới 110 triệu USD (so với năm 2000 chỉ có 2 triệu USD). Từ sau năm 2000, cũng đã có một vài phim Việt Nam được nước ngoài mua hoặc nhận ủy thác phát hành ở Bắc Mỹ và Canada; hàng chục phim của Việt Nam đã được chiếu rạp cho công chúng ở Pháp hoặc châu Âu...
Phải khẳng định rằng Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn hóa, trong đó có điện ảnh với nhiều chủ trương, chính sách lớn. Đặc biệt, Luật Điện ảnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2007; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh có hiệu lực từ ngày 1/10/2009; gần đây nhất là Nghị định số 54/2010/NĐ - CP hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh có hiệu lực từ ngày 1/7/2010... Từ năm 2007, trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15 và các liên hoan phim sau đó đã nêu cao khẩu hiệu “Vì một nền điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập”. Bên cạnh đó, Quỹ Hỗ trợ và phát triển điện ảnh đã chính thức được thành lập tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 vừa qua.
... đến nỗ lực song hành với khu vực, thế giới
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, trong quá trình hội nhập, điện ảnh Việt Nam vẫn cần nỗ lực hơn nữa để khắc phục hạn chế. Nhà nghiên cứu điện ảnh Đặng Minh Liên đã nhận định: Các hoạt động hội nhập vẫn chưa tương xứng với yêu cầu của tình hình trong nước và quốc tế hiện nay. Chất lượng phim (cả về nội dung và kỹ thuật công nghệ), trình độ người làm điện ảnh nói chung còn bất cập, hạn chế rất nhiều quá trình trao đổi, giao thương, giao lưu.
Theo nhà nghiên cứu Đặng Minh Liên, do định dạng phim theo chuẩn mới, một số nước không thể tham gia Liên hoan phim quốc tế Hà Nội vì ta chưa có thiết bị số cập nhật phù hợp. Phim nhập từ các nước cường quốc điện ảnh là định dạng số, trong khi đó Việt Nam còn chưa làm chủ công nghệ này, chưa cập nhật đồng bộ chuẩn công nghệ thế giới. Hầu hết phim điện ảnh của nước ta vẫn phải ra nước ngoài làm hậu kỳ. Việt Nam cũng chưa có điều kiện thật thông thoáng đối với các nhà sản xuất nước ngoài muốn quay phim ở Việt Nam cho nên họ thường mượn Thái Lan hoặc Philippines khi làm phim có bối cảnh nhiệt đới.Vì vậy, các cấp hữu quan và người làm điện ảnh nước ta còn phải nỗ lực hơn nữa.
Để điện ảnh Việt Nam bắt kịp với khu vực, thế giới, TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng nên đưa phim Việt ra thế giới, tham dự các Liên hoan phim quốc tế; nâng cao chất lượng phim, chú trọng các tác phẩm có sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó, cũng cần thiết lập thị trường điện ảnh ở nước ngoài; tăng cường giới thiệu phim nước ngoài tại Việt Nam; hợp tác, liên doanh làm phim với nước ngoài; tạo điều kiện cho các nhà làm phim Việt kiều về nước hành nghề.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan nhấn mạnh rằng yếu tố quan trọng nhất để củng cố, xây dựng và phát triển điện ảnh là con người mà cụ thể là người tài trong sáng tác; người có chuyên môn, tay nghề công nghệ - kỹ thuật; người có trình độ và kinh nghiệm trong quản lý... Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất cần quan tâm hiện nay là đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.
Năm 2015, Việt Nam có 450 cơ sở được cấp giấy phép sản xuất phim; đã có 41 phim chiếu rạp, 6 phim video, 53 phim tài liệu, 40 phim hoạt hình được sản xuất. Về phát hành và phổ biến, Việt Nam có 138 rạp, cụm rạp với 510 phòng chiếu, 86.500 ghế. Trong năm 2015 có 51 triệu lượt khán giả đến rạp; doanh thu từ hoạt động chiếu bóng đạt 2.300 tỷ đồng. Ông Đỗ Duy Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh |