Đi tìm “thủ phủ” thời trang thế giới

Một câu hỏi từ lâu đã khiến nhiều người yêu thời trang băn khoăn, đó là đâu mới thực sự là kinh đô thời trang của thế giới? Liệu đó là Milan với lịch sử đáng nể hay Tokyo, nơi hội tụ các nhà thiết kế có ý tưởng đột phá... hay một nơi không thể ngờ tới?

Khi xét về lịch sử thì Paris (Pháp) đã ngẩng cao đầu tự nhận là kinh đô thời trang thế giới kể từ thời Vua Louis XIV trị vì. Tòa án Hoàng gia Pháp đã ra lệnh kiểm soát các mặt hàng xa xỉ trên thị trường khiến đất nước hình lục lăng nắm toàn quyền thao túng phong cách của châu Âu. Bộ trưởng Tài chính Jean - Baptiste Colbert đã khôn khéo quân sư cho Vua Louis XIV rằng: “Tầm quan trọng của thời trang với nước Pháp cũng giống như mỏ của Peru đối với Tây Ban Nha”.

Những mẫu trang phục trong bộ sưu tập mới được bày bán tại một cửa hàng ở London, Anh. Ảnh: EPA/TTXVN

Còn trước đó, trong thời kỳ Phục hưng, các thành phố của Italy như Florence, Milan và Rome là những nơi dẫn đầu xu hướng trang phục mới, phần lớn là nhờ chất lượng của các thợ may lành nghề. Trong nhiều năm trời, người dân châu Âu luôn coi các sản phẩm “Made in Italy” từ áo khoác len, túi da tới mũ vải là biểu tượng của sự giàu có.

Trong thế kỷ 19, nhờ sự lớn mạnh nhanh chóng của đế quốc Anh dưới sự trị vì của Nữ hoàng Victoria trẻ tuổi, thời trang London bắt đầu manh nha hé nở dù vẫn thường xuyên để ý và lấy cảm hứng từ người hàng xóm Paris. Tuy nhiên London vẫn khẳng định rằng “cha đẻ của may đo cao cấp” là một người Anh sống tại Paris - Charles Frederick Worth với thương hiệu “House of Worth” từng khiến các khách hàng luôn háo hức mong ngóng để được mua sản phẩm. Đến cuối thế kỷ 19, những khách hàng được “House of Worth” ưu tiên không còn chỉ là nhân vật hoàng gia như Nữ hoàng Eugénie mà còn là những người Mỹ mà Charles Frederick Worth miêu tả là “có niềm tin, hình thức và tiền bạc”.

Năm 1943, New York nổi lên thách thức sự thống trị thời trang của Paris đang “bầm dập” do chiến tranh bằng cách mở tuần lễ thời trang đầu tiên trên thế giới có tên Press Week của Eleanor Lambert - người sáng lập Hội đồng Nhà thiết kế thời trang Mỹ.

Trong hầu hết thế kỷ 20, “4 ông lớn” thống trị ngành thời trang thế giới bao gồm Paris, Milan, London và New York nhưng Berlin, Barcelona, Tokyo, Sao Paulo và Los Angeles cũng đã đặt những viên gạch đầu trong lĩnh vực này.

Nếu dựa vào lợi nhuận thu từ thời trang để đánh giá thì New York luôn đóng vai trò đứng đầu. Riêng tuần lễ thời trang diễn ra 2 lần/năm vào 2015 đã mang lại cho New York 514 triệu euro mỗi sự kiện trong khi đó London chỉ thu được 322 triệu euro. Tiếp sau là Berlin, Sao Paulo, Paris còn Milan xếp thứ 8 sau Sydney và Istanbul.

Nhưng thời trang không hoàn toàn phụ thuộc vào những con số thống kê tài chính khô khan mà có thể nói rằng nó quan hệ mật thiết với cá tính, lựa chọn riêng của mỗi cá nhân. Người mẫu Lauren Hutton từng nói: “Thời trang là thứ các nhà thiết kế đưa ra cho bạn 4 lần/năm. Còn phong cách là trang phục mà bạn lựa chọn”. Phóng viên tờ Guardian đã đi khảo sát tại trung tâm mua sắm Bluewater ở Anh và nhận ra rằng người dân sẵn sàng chi 30 bảng để sửa lại chiếc giày Gucci yêu quý của họ thay vì bỏ ra 16 bảng cho một đôi giày mới thương hiệu H&M.

Một nhận định khác cho rằng thành phố thời trang thường được biểu lộ qua sự thẩm thấu xã hội hay nói cách khác là mức độ người dân ở đó gắn bó với thời trang. Theo cách đánh giá này thì năm 2015 Paris vẫn đứng đầu, đánh bại New York, theo sau là London, Los Angeles và Barcelona. Nhưng đôi khi những thành tố bất ngờ nhất lại đứng sau cánh gà sân khấu. Paris, London luôn quy tụ các nhà thiết kế nổi tiếng, họ hái ra tiền từ Bond Street (New York) và Champs Elysées (Paris) nhưng đôi khi cảm hứng cho các bộ sưu tập mới nhất của họ lại từ đường phố ở Lagos (Nigeria) hay Johannesburg (Nam Phi).

Trong cuốn sách “Các thành phố thời trang châu Phi” của tác giả Hannah Azieb Pool có đoạn: “Lagos (Nigeria) với tình yêu cho vẻ đẹp quyến rũ đang trở thành ‘nhà máy năng lượng’ thời trang, Johannesburg (Nam Phi) có khía cạnh khiến London chỉ như kẻ mơ màng, Nairobi (Kenya) thì siêu sáng tạo”.

Sự kiện thường niên như tuần lễ thời trang Lagos đã trở thành nơi để các nhà thiết kế châu Phi đưa sản phẩm của mình đi xa hơn. Thương hiệu thuộc lục địa đen như Maki Oh của Nigeria gần đây còn được nữ ca sĩ đình đám Beyonce ưu ái trưng diện.

Việc chọn ra thành phố thời trang nhất trên thế giới có thể khó được định đoạt bởi thời trang thực sự phải nằm ở cá tính, phong cách riêng. Như nhà thiết kế huyền thoại Coco Chanel từng nói: “Để trở thành không thể thay thế, một người phải luôn luôn khác biệt”.
Hà Linh
Thời trang tennis lên ngôi
Thời trang tennis lên ngôi

Những tưởng trang phục thể thao sẽ bị bó buộc bởi kiểu dáng và chất liệu, nhưng các mẫu thiết kế mới nhất của Adidas, Nike hay Monreal London đã cho thấy điều ngược lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN