Để lễ hội thêm đẹp trong lòng du khách

Để các lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh và hiệu quả, các ban quản lý lễ hội, ban quản lý di tích các tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, giải quyết ách tắc giao thông, cung cấp số điện thoại, đường dây nóng để kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh khi diễn ra lễ hội… 

 

 

Du khách dâng hương tại chùa Thiên Trù, Lễ hội chùa Hương. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội; kiên quyết, kịp thời xử lý các sai phạm trong hoạt động tổ chức lễ hội, xâm hại di tích là một trong những biện pháp mà ngành văn hóa sẽ quyết liệt thực hiện trong thời gian tới nhằm giải quyết triệt để những yếu kém, tiêu cực trong hoạt động lễ hội. 

“Đặc biệt, việc đặt nhiều hòm công đức, khay tiền dầu đèn tại các điểm thờ tự; việc thu, chi sử dụng nguồn tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, thờ tự ở một số nơi chưa thống nhất, có nơi chính quyền địa phương quản lý, có nơi thủ từ, thủ nhang hoặc nhà sư trụ trì quản lý, thu giữ nên việc tái đầu tư tu bổ di tích chưa hiệu quả”, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Phạm Văn Thủy cho biết. Việc xuất hiện hòm công đức "giả" tại Lễ hội xuân Núi bà Đen (Tây Ninh), Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh); dịch vụ đổi tiền lẻ giá cao ở hầu hết các khu di tích, lễ hội lớn… đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh yêu cầu ban tổ chức lễ hội, ban quản lý di tích sắp xếp hợp lý hàng quán, dịch vụ, bãi trông giữ phương tiện; hạn chế tối đa hàng quán kinh doanh vàng mã, đổi tiền lẻ, kinh doanh trò chơi dễ biến tướng sang đánh bạc trong lễ hội. 

 

Ban tổ chức lễ hội, ban quản lý di tích cần tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, chú trọng tuyên truyền về giá trị lịch sử văn hóa của di tích, ý nghĩa của lễ hội; bổ sung các bảng, biển hướng dẫn du khách chấp hành các quy định thực hiện nếp sống văn minh; rà soát hệ thống trang thiết bị phòng chống cháy nổ và công tác tổ chức phòng chống cháy nổ tại di tích. Ban tổ chức, ban quản lý khuyến cáo du khách không đốt vàng mã và thắp hương trong nội thất các công trình thuộc di tích để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho di tích… 

 

Ngành văn hóa tiếp tục tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động quản lý tiền công đức, tiền đặt giọt dầu, hạn chế việc cung tiến tiền mặt không đúng quy định và coi đây là một trong những nội dung đột phá của ngành. Đồng thời kiên quyết không để tiếp diễn hiện tượng cài tiền, rải tiền lên tay tượng, thả tiền xuống giếng, ao, hồ…cũng như hoạt động dịch vụ đổi tiền lẻ tại các di tích, lễ hội gây phản cảm. 
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cần thống nhất chỉ đạo các ban quản lý, ban tổ chức, trụ trì di tích sử dụng tiền công đức minh bạch, đúng mục đích và hiệu quả nhất.

Bích Thủy – Mỹ Bình 

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN