Thống đốc quần đảo Bangka-Belitung, Erzaldi Rosman Djohan ngày 19/4 cho biết tại Phiên họp thứ 211, Hội đồng điều hành UNESCO ở Paris đã công nhận Belitong là Công viên địa chất toàn cầu. Đảo Belitong đã giành được số điểm cao nhất trong lịch sử khi đệ trình để trở thành Công viên địa chất toàn cầu với 850/1.000 điểm. UNESCO đã công nhận sự đa dạng địa chất ở đảo Belitung và các đảo xung quanh.
Sự đa dạng này bao gồm cảnh quan, đá, khoáng sản, các quá trình địa chất và kiến tạo, cũng như sự tiến hóa của Trái đất ở Belitung. Bên cạnh đó, công viên địa chất Belitong cũng được coi là độc đáo với sự kết nối chặt chẽ giữa các khía cạnh địa chất, sinh học và văn hóa. Cảnh quan địa chất độc đáo của đảo Belitung là nơi sinh sống của nhiều loại động, thực vật, trong đó một số loài chỉ có ở Belitung, như cá Hampala và cá Toman.
Cũng theo ông Djohan, việc công nhận đảo Belitong là Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO là nỗ lực chung của nhiều bên liên quan, cả chính quyền trung ương và khu vực và giới học thuật, thanh niên và cộng đồng địa phương, đặc biệt là trong việc biên soạn bộ tài liệu đề cử mô tả các giá trị phổ quát, kế hoạch quản lý, khả năng hiển thị và mạng lưới của công viên địa chất Belitong.
Lễ công nhận chính thức của Công viên địa chất Belitong là Công viên địa chất toàn cầu sẽ được UNESCO tổ chức tại Paris (Pháp) vào ngày 22/4 tới.
Công viên địa chất toàn cầu Belitong là công viên thứ 6 của Indonesia được đưa vào danh sách Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO. Trước đó, Indonesia đã đăng ký thành công Hồ Caldera Toba, Ciletuh, núi Batur, núi Sewu và núi Rinjani. Indonesia cũng có nhiều tài sản tự nhiên và văn hóa được đưa vào danh sách của UNESCO, bao gồm 9 di sản văn hóa và thiên nhiên và 18 khu dự trữ sinh quyển.