Câu chuyện về một người đàn ông tự nguyện mang số tài sản hơn nửa đời người tích góp, đầu tư xây dựng một nhà máy xử lí rác thải cho cả xã thoát khỏi cảnh ô nhiễm được nhiều người cảm kích. Đó là ông Trương Minh, sinh năm 1974, trú thôn Châu Me, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
“Bà con để tui thử xem!”
Về vùng đất lửa Đức Phong một thời, nhẹ bước trên những con đường làng sạch tinh tươm, chúng tôi tìm gặp ông Trương Minh, người được bà con trong xã hay gọi với cái tên hóm hỉnh - ông Minh “khùng”. Trong căn nhà cấp 4 chật chội, ẩm thấp, ông dành riêng ra một góc để treo những tấm bằng khen được xã, huyện, tỉnh trao tặng, nhưng có lẽ điều ông hạnh phúc hơn cả là được bà con trong xã mến phục, mặc dù vẫn còn nhiều người cho rằng việc ông làm là “gàn dở”, là “khùng”.
Ông Trương Minh nhận được nhiều bằng khen của các cấp chính quyền. |
Hơn 3 năm trước, vấn nạn rác thải gây ô nhiễm môi trường là bài toán nan giải của xã Đức Phong. Những đống rác dân sinh ứ đọng khắp nơi trong xã làm ô nhiễm môi trường. Trong các cuộc họp giữa người dân và chính quyền xã, vấn đề xử lí rác được đưa ra “mổ xẻ” nhiều lần nhưng rồi đâu lại vào đấy, những núi rác khổng lồ ứ đọng từ năm này qua năm khác, rác khắp nơi từ đầu làng đến cuối xóm. Nhân dân trong xã ngao ngán, chính quyền xã bất lực. Là một người dân trong xã, ông Trương Minh thấu hiểu được bức xúc của người dân quê mình, ông bày tỏ với bà con lối xóm - “bà con để tui thử làm xem!”. Nhiều đêm trăn trở, ông đi đến quyết định viết đơn trình lên huyện xin kinh phí cùng một bảng kế hoạch chi tiết thu gom xử lí và tái chế rác thải tại địa phương.
Ngày nào vợ chồng ông Minh cũng cặm cụi làm việc ở khu xử lí rác. |
“Hồi đó, tui tính toán kỹ lưỡng lắm rồi, rác ở đây chủ yếu là rác hữu cơ, nên việc xử lí không quá khó, chỉ cần mua một chiếc xe đi thu gom rồi xây dựng một cái nhà máy xử lí rác. Nói nhà máy cho hoành tráng chứ thật ra chỉ cần xây một khu phân loại rác, diện tích chừng 2.000 m2, nắng có sân phơi, mưa có bể chứa là được. Mình làm theo cách thủ công, nhưng hiệu quả mang lại sẽ rất lớn”. Nói là làm, giữa tháng 6/2010, ông mang đơn lên huyện trình bày ý nguyện, nói lên những bức xúc, tâm tư, nguyện vọng của bà con nhân dân trong xã nhưng không được chấp thuận. Thất bại trở về, đêm đó ông không ngủ, rồi thủ thỉ vào tai vợ, “bà đưa 200 triệu đồng cho tôi, tôi đã hứa với bà con là sẽ làm cho đến đầu đến đũa. Giờ mà mình bỏ cuộc thì xấu hổ lắm”- ông Minh kể. Ban đầu nghe ông nói mà vợ ông giận tím mặt, nhưng rồi hiểu tính ông xưa nay đã nói rồi là làm đến nơi đến chốn, nên vợ ông cũng dần hiểu ra. Cầm 200 triệu đồng mà hai vợ chồng bao năm cật lực lao động mới chắt chiu được, ông hạ quyết tâm làm cho kì được. Sau ba tháng thi công, đứa con tinh thần mà ông thai nghén bấy lâu được ra đời. Ngày khánh thành nhà máy, bà con trong xã đến góp vui cùng gia đình, nhiều người mừng ra mặt khi thấy một nhà máy xử lí rác “mọc” lên ngay trên quê hương. Ông Nguyễn Tấn Hảo (58 tuổi), cựu chiến binh thôn Châu Me hồi tưởng: “Lúc chú Minh nói sẽ xây dựng nhà máy rác cho bà con, tụi tui ở đây cũng bán tín bán nghi lắm, vì gia đình chú Minh cũng đâu khá giả gì, vậy mà thấy chú ấy tự bỏ tiền túi ra để làm, bà con ở đây ai nấy đều rất cảm kích”.
Nỗi niềm của Minh “khùng”
Nhà máy được đưa vào sử dụng, nhưng khâu vận chuyển thu góp rác gặp rất nhiều khó khăn vì hằng ngày phải thuê xe chuyên chở nên rất tốn kém, trong khi số tiền UBND xã Đức Phong đứng ra vận động bà con “ủng hộ” để nhà máy có kinh phí hoạt động, đồng thời cũng góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh (mỗi hộ gia đình 10.000 đồng/tháng) bị rất nhiều người thờ ơ, không mấy mặn mà. Nhớ lại khoảng thời gian đầu, ông Minh nói: “Lúc tôi làm, bà con ủng hộ ầm trời, nhưng cũng có rất nhiều người bĩu môi, “nó làm cái nhà máy rác để kinh doanh, thu tiền của bà con để kiếm lời”. Nhưng tôi nói thật, kể từ ngày bắt tay xây dựng nhà máy xử lí rác cho bà con, vợ chồng tôi phải sống chật vật, thiếu thốn đủ đường. Chính quyền xã thấy việc làm của tôi mang lại lợi ích cho bà con nên mới đứng ra thu tiền, nhờ vậy mới giúp nhà máy có kinh phí để hoạt động, nhưng cũng chỉ lèo tèo vài người chịu đóng tiền. Cũng chính vì cách suy nghĩ ích kỉ của nhiều người mà chỉ sau hai tháng hoạt động, nhà máy đành phải tạm dừng vì không đủ tiền thuê xe chuyên chở”. Không cam tâm để nhà máy bị chết yểu, ông Minh chạy vạy, lạy lục khắp nơi để vay tiền mua xe, nhưng đến ngân hàng nào ông cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu, ông đành “bấm bụng” đi vay nóng 260 triệu đồng, số tiền mà đến bây giờ gia đình ông cũng chưa trả được cho chủ nợ, hằng tháng phải đóng tiền lãi trên 2 triệu đồng.
Ông Phạm Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Đức Phong chia sẻ: “Hiện nay, mỗi tuần nhà máy rác của ông Trương Minh xử lí từ 70-80 khối rác, góp phần đáng kể trong việc bảo vệ môi trường ở địa phương. Nhân cách sống của ông Trương Minh được rất nhiều người cảm kích. Thấy được những đóng góp thiết thực của ông, chính quyền xã chịu trách nhiệm đứng ra thu tiền, để có nguồn kinh phí cho nhà máy rác hoạt động. Toàn xã có 4.500 hộ dân, nhưng hiện tại cũng chỉ mới 53% hộ chịu nộp tiền, xã đang tăng cường tuyên truyền, vận động bà con nhân dân đóng góp tiền để nhà máy có kinh phí hoạt động, đồng thời cũng giúp gia đình ông Minh giảm bớt phần nào khó khăn”.
Bài và ảnh: Bạch Vân