Liên tục những ngày gần đây đã xảy ra khá nhiều chuyện buồn với di tích ở Thủ đô. Chuyện đưa hiện vật lạ (gồm áo giáp sắt, ngựa sắt, roi sắt) vào đền Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm) còn chưa lắng dịu, thì dư luận lại phải đón nhận tin không vui. Đó là việc, Ban Khánh tiết đình Cựu Quán (thuộc thôn Cựu Quán, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) đã cho người phá dỡ mái nối giữa nhà đại bái và hậu cung, lấy 4 thanh kèo bằng gỗ sưa đem bán lấy 1,2 tỷ đồng.
Bức tượng lạ tại chùa Chân Long gây xôn xao dư luận một thời. |
Vẫn biết, việc đưa hiện vật vào di tích đền, chùa hoặc xâm hại di tích lịch sử văn hóa không còn là chuyện hy hữu ở nước ta. Nhưng cả hai vụ việc vừa nêu lại xảy ra cùng một thời điểm ở ngay Thủ đô thì quả là điều đáng trách.
Cách đây chưa lâu, dư luận từng xôn xao chuyện người ta đưa “hòn đá lạ” vào đền thờ các vua Hùng tại khu di tích đặc biệt Đền Hùng ở Lâm Thao, Phú Thọ. Tại chùa Chân Long, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, việc sư thầy tự ý đưa một pho tượng lạ bằng đồng vào di tích chùa Chân Long đã khiến nhân dân địa phương bất bình. Gần đây là chùa Bà Đá (tại quận Hoàn Kiếm) sau Tết Nguyên đán bỗng xuất hiện “pho tượng lạ” để ngay gian chính của chùa, làm ảnh hưởng tới khuôn viên, cảnh quan di tích. Chưa hết, tại Lăng Ngô Quyền (xã Đường Lâm, huyện Sơn Tây) người ta cho dựng tấm bình phong bằng đá khắc hình con vật, người thì bảo đó là hổ, người thì bảo đó là con báo lai chó sói...
Trở lại với việc đưa hiện vật là vào Di tích đền Phù Đổng (được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào cuối năm 2013). Trong buổi kiểm tra thực tế của đoàn công tác Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội (VH,TT&DL) tại đền Phù Đổng và làm việc với UBND huyện Gia Lâm, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Gia Lâm... các bên đã xác định các hiện vật mới đưa vào di tích này chưa đúng quy định của Luật Di sản văn hóa. Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội khẳng định: Từ cuối năm 2013, có một số cá nhân, doanh nghiệp đặt vấn đề với Ban quản lý di tích đền Phù Đổng và đã phát tâm công đức một số đồ gồm 1 ngựa, 1 áo giáp và roi để cung tiến vào di tích. Chưa nói đến việc các hiện vật này có phù hợp với khu di tích này hay không nhưng quá trình tiếp nhận chưa thực hiện đúng quy định. Điều đáng nói là các hiện vật cung tiến kể trên đã được sự đồng ý của Trưởng ban Quản lý di tích đền Phù Đổng nhưng chưa báo cáo, thỏa thuận... với các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.
Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho biết, do đền Phù Đổng là di tích quốc gia đặc biệt nên khi đưa hiện vật vào phải có thỏa thuận với Cục Di sản văn hóa. “Việc cho phép bổ sung hiện vật vào di tích cũng phải có lý do chính đáng về khoa học, phải bảo đảm về thẩm mỹ. Cho phép mà không chuẩn thì còn có thể phê bình cả cơ quan cho phép”.
Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, hiện nay di tích đền Phù Đổng thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của UBND huyện Gia Lâm. Vì vậy, ngay sau buổi kiểm tra, làm việc tại di tích đền Phù Đổng, Sở VH,TT&DL Hà Nội yêu cầu huyện Gia Lâm chỉ đạo UBND xã Phù Đổng, Ban quản lý di tích đền Phù Đổng sớm di chuyển các đồ thờ đã được tiếp nhận chưa đúng quy định ra khỏi khu vực di tích; tiến hành kiểm điểm trách nhiệm và báo cáo UBND thành phố ngay trong tháng 3 này.
Về vụ phá nhà đại bái và hậu cung tại đình Cựu Quán (thôn Cựu Quán, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) lấy gỗ sưa đem bán, điều đáng nói là việc làm này lại do chính những người được người dân tin tưởng giao trọng trách trông coi di tích thực hiện; trong đó có cả bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, trưởng ban khánh tiết, chi hội trưởng người cao tuổi... Điều đó chứng tỏ, có sự cấu kết phá hoại di tích để kiếm lời. Theo thông tin từ chính quyền địa phương, người đứng ra mua số kèo gỗ sưa trên là Ni sư Thích Diệu Bản - trụ trì chùa Bát Phúc, xã Tân Lập (huyện Đan Phượng).
Trước hiện tượng vi phạm Luật Di sản văn hóa liên tục xảy ra tại các di tích lịch sử văn hóa ở Thủ đô, đã cho thấy lỗ hổng lớn trong công tác quản lý các di tích, đặc biệt là các di tích chưa được xếp hạng. Là địa phương có số di tích được xếp hạng vào bậc nhất cả nước (hơn 2.000 di tích, trong đó có hơn 1.000 di tích quốc gia), do vậy việc quản lý, trùng tu tôn tạo, bảo quản và phát huy giá trị di sản của Hà Nội quả là nhiệm vụ nặng nề. Nhiều ý kiến cho rằng, muốn làm tốt công tác quản lý di tích, Hà Nội cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, thậm chí làm hẳn những tờ rơi tuyên truyền về những việc được làm và không được làm đối với các di tích cho người dân và cũng như những người tham gia trông coi, quản lý khu di tích nắm rõ, thực hiện.
Yến Nhi