Chung tay gìn giữ ngôn ngữ cội nguồn - Bài 1: Lan rộng nhu cầu học tiếng “mẹ đẻ”

Nhiều năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã nỗ lực gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, hướng về cội nguồn, đặc biệt là trong việc duy trì và truyền bá tiếng Việt cho các thế hệ trẻ. Nhu cầu dạy và học tiếng Việt hiện hữu và cần có sự quan tâm, chung tay của cả cộng đồng kiều bào cũng như sự hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan chức năng trong nước.

 Nở rộ nhiều lớp học tiếng Việt

Đại sứ Ngô Thị Hoà phát biểu khai giảng lớp dạy tiếng Việt. Ảnh: ĐSQ cung cấp

Nghe tin Đại sứ quán Việt Nam phối hợp cùng Hội Việt kiều tại Hà Lan mở lớp dạy tiếng Việt tại Thủ đô Lahay cho trẻ em Việt kiều, chị Nguyễn Thanh Thảo (hiện đang ở thành phố Leiden) vô cùng mừng rỡ, bởi lâu nay chị hết sức vất vả trong việc dạy tiếng Việt cho cậu con trai Robin Thanh Lam của mình. Chị hồ hởi cho biết: “Trước đây chúng tôi phải tự mò mẫm tự dạy cho con, rồi chủ nhật đầu tháng đưa con vượt cả trăm kilomet tập trung về lớp tiếng Việt do mẹ Hiền Anh lập ra ở thành phố Arnhem. Không chỉ riêng tôi mà các mẹ Việt ở Hà Lan ai cũng mừng, vì từ nay đã có một địa chỉ tin cậy để đưa con đến học ngôn ngữ mẹ đẻ của mình”.

Cách chị Thanh Thảo gần nửa vòng trái đất, “nàng dâu xứ Đài” Lê Thị Mai cũng có niềm vui tương tự khi biết tin, từ năm 2018, Đài Loan sẽ đưa tiếng Việt vào dạy ở trường phổ thông như ngoại ngữ thứ hai cho học sinh lựa chọn. Điều này đã phần nào giải tỏa được tâm trạng chung của hơn trăm nghìn bà mẹ gốc Việt ở Đài Loan về việc học tiếng Việt cũng như văn hóa Việt cho con em mình.

Có thể nói, dù phải bươn chải làm ăn để ổn định cuộc sống, hòa nhập với xã hội sở tại nhưng đại đa số người Việt ở nước ngoài rất quan tâm đến cội nguồn dân tộc và hướng con cháu về với cội nguồn truyền thống dân tộc thông qua việc duy trì và truyền bá tiếng Việt.

Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài công bố đầu năm 2018, có khoảng 4,5 triệu người Việt đang sống, học tập và làm việc tại hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; có khoảng 300 cơ sở dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tập trung tại những nơi có đông kiều bào như Lào, Campuchia, Thái Lan, Hoa Kỳ, Châu Âu, Đài Loan, Hàn Quốc...

Theo ông Lương Thanh Nghị - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một nhu cầu lớn của cộng đồng và được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện. Thời gian qua, hoạt động dạy và học tiếng Việt của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tuy đã có nhiều khởi sắc và lan rộng.

Tùy quy định pháp luật và mối quan tâm của chính quyền sở tại đối với cộng đồng người Việt mà hoạt động dạy và học tiếng Việt của bà con kiều bào có đặc điểm khác nhau. Tại một số quốc gia như Lào, Australia, Pháp, Canada, tiếng Việt được chính quyền sở tại chấp nhận hoặc tạo điều kiện được dạy ở các trường học như một ngoại ngữ. Một số trường đại học tại Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào mở ngành đào tạo tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Ở các quốc gia còn lại, tiếng Việt được dạy và học thông qua các lớp do các hội, đoàn người Việt tổ chức hoặc học bán thời gian như ở Campuchia hay học ngoài giờ, vào cuối tuần, ngày nghỉ hè như tại Thái Lan, Nga, Ucraina, Ba Lan, Hoa Kỳ...

Sơ lược tại các địa phương có đông kiều bào cho thấy, ở vùng Califonia (Hoa Kỳ), một trong những địa phương tập trung kiều bào đông đảo nhất ở nước ngoài hiện có hơn 50 cơ sở dạy tiếng Việt. Những cơ sở này đều do các hội, đoàn người Việt tại đây tổ chức nên cơ sở vật chất hạn chế và không có tính thống nhất về cả phương pháp lẫn giáo trình giảng dạy.

Tại Thái Lan, tiếng Việt được bà con gìn giữ qua nhiều thập kỷ, từ những lúc phải “học lén, học chui” của những thập kỷ 70, 80 thế kỷ trước, nay được mở rộng, công khai ở các địa phương có đông người Việt với khoảng 30 lớp học do Hội Việt kiều và các doanh nghiệp bảo trợ tổ chức.

Còn nhiều khó khăn

Theo nhận định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù phong trào học tiếng Việt ở cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã có nhiều khởi sắc trong thời gian gần đây, song với con số 300 cơ sở dạy và học tiếng Việt trong tổng số khoảng 4,5 triệu kiều bào cho thấy, hoạt động này cơ bản vẫn hạn chế với nhiều lý do khách quan và chủ quan.

Tại Campuchia, mặc dù nằm sát ngay “đất Mẹ” nhưng do đại đa số kiều bào là người nghèo, không có địa vị pháp lý ổn định, nên trên khắp đất nước “Chùa Tháp” hiện chỉ có 32 điểm trường, lớp dạy và học tiếng Việt với khoảng 3.000 học sinh, trong đó có 8 điểm trường lớp đặt ở nhà thuyền trên Biển Hồ.

Bà Thạch Thị Lan - Hiệu trưởng Trường hữu nghị Tân Tiến, ngôi trường dạy tiếng Việt lớn nhất tại Campuchia cho biết, khó khăn lớn nhất trong công tác giảng dạy là phần lớn các giáo viên chưa được đào tạo, thiếu kỹ năng và kiến thức sư phạm. Thêm vào đó, tình trạng cha mẹ do điều kiện khó khăn nên không quan tâm đúng mức đến việc học tập của con cái đã dẫn đến hiệu quả hoạt động dạy và học tiếng Việt chưa được như mong muốn.

Đánh giá về tình hình dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào, ông Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Hiện nay, đại đa số hoạt động dạy tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào chưa chính quy, tự phát, không thống nhất về giáo trình, chương trình giảng dạy và lực lượng giáo viên thiếu so với nhu cầu, phần lớn chưa được đào tạo bài bản hay được cung cấp những kỹ năng sư phạm cần thiết.

Trong xu thế toàn cầu hóa của thế giới, việc gìn giữ tiếng Việt đứng trước những khó khăn khi không phải là ngôn ngữ phổ biến ở ngoài biên giới Việt Nam. Đa số thế hệ thứ 2, thứ 3 của người Việt tại nước ngoài đều sử dụng ngôn ngữ bản địa và những ngôn ngữ phổ thông như Anh, Pháp, Hoa... mà ít có điều kiện tiếp xúc, sử dụng tiếng Việt, tạo nên những khó khăn nhất định cho việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Cô Nguyễn Quỳnh Giao, người đã có hơn 10 năm kinh nghiệm dạy tiếng Việt tại Trường tiếng Việt London (Anh) cho rằng, bên cạnh sự thụ động của cha mẹ học sinh, yếu tố thiếu môi trường sử dụng tiếng Việt là nguyên nhân khiến trẻ em gốc Việt không thích và khó học tốt tiếng Việt. Trong bối cảnh đó, tình trạng cơ sở vật chất không đầy đủ, giáo trình chưa đủ sức hấp dẫn với trẻ nhỏ càng làm tăng thêm những khó khăn cho các giáo viên đang nỗ lực duy trì “ngôn ngữ của cội nguồn” trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài./.

Xuân Khu (TTXVN)
Người Việt tại Séc: Tự hào hai tiếng Việt Nam!
Người Việt tại Séc: Tự hào hai tiếng Việt Nam!

Chiều 23/1, trận thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam trước Qatar trong trận bán kết Giải Vô địch U23 châu Á khiến cộng đồng người Việt ở CH Séc hân hoan và tự hào khôn tả. Nhiều người đồng thanh cất lên lời ca: “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay. Non nước, mây trời lòng ta mê say…”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN