Di tích Ngã tư Rạch Kiến là chứng tích của Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến. Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN
Ngày nay, khu Di tích ấy nằm trên địa bàn xã Long Hòa, huyện Cần Đước, chứng tích về một quá trình chiến đấu oai hùng của ông cha ta và cũng là một lời nhắc nhở các thế hệ sau phải sống đẹp mỗi ngày, giữ gìn hòa bình và phát triển đất nước.
Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến gồm 8 xã thuộc huyện Cần Đước và 2 xã thuộc huyện Cần Giuộc, hình thành thế bao vây quanh căn cứ quân Mỹ ở Rạch Kiến khi quân Mỹ đến lập căn cứ vào cuối năm 1966 đến năm 1970.
Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến được xem là sự phát triển đỉnh cao của chiến tranh nhân dân chống đế quốc Mỹ ở Long An. Thế trận chiến tranh nhân dân ở Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến là sự gắn kết chặt chẽ của các phương diện đấu tranh. Điển hình như tổ chức lãnh đạo, bố trí trận địa, sự phối hợp hoạt động giữa các lực lượng, hình thức đấu tranh công khai, bí mật... Qua đó, tạo thành hệ thống chiến đấu liên hoàn ở địa bàn bị tạm chiếm, vừa khéo léo giữ được thế công khai của quần chúng, tìm ra phương thức thích hợp để bảo vệ dân, vừa giữ được sức người, sức của cho cuộc chiến lâu dài.
Từ Di tích Ngã tư Rạch Kiến, thế hệ trẻ sau này hiểu được phần nào công cuộc đấu tranh của cha ông ta. “Được đến thăm Di tích em hiểu thêm về Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến, từ đó càng thêm cảm phục ông cha ta. Từ lòng cảm phục, sự trân trọng và biết ơn ấy, em luôn tự nhủ phải học tập tốt để trở thành người có ích”, em Đỗ Thụy Khánh Vân, học sinh lớp 9A3, trường Trung học cơ sở Long Hòa, huyện Cần Đước chia sẻ.
Di tích Ngã tư Rạch Kiến, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau. Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN
Còn chị Phạm Thị Mỹ Linh, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Long Hòa cho hay, thời gian qua, Xã Đoàn Long Hòa đã tổ chức nhiều hoạt động về nguồn, giúp các đoàn viên, thanh niên hiểu thêm về ý nghĩa lịch sử Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến. Từ đó, các bạn có thêm ý chí tự lực, tự cường, rèn luyện, sáng tạo trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong Di tích Ngã tư Rạch Kiến có một chiếc lu (còn gọi là mái vú) - xưa được nhân dân Cần Đước dùng để che giấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng hoạt động trong vùng Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến. Chiếc lu này gắn với quá trình hoạt động cách mạng của ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Bí thư Huyện ủy Cần Đước (giai đoạn 7 năm từ sau Giải phóng đến khi ông về hưu).
Ở những nơi khác, người dân thường đào hầm để che giấu cán bộ, nhưng do đặc trưng vùng đất Cần Đước ngập nước, người dân đã sáng kiến đào hố, rồi nhấn chiếc lu xuống để cán bộ trú ngụ khi có địch càn.
Quê xã Tân Lân, huyện Cần Đước, ông Nguyễn Văn Nam hoạt động cách mạng từ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đến Hiệp định Geneva 1954. ông tiếp tục bám trụ tại quê hương, hoạt động xuyên suốt tới năm 1970. Khi vùng đất này bị địch "bình định trắng", ông cùng đồng đội rút về vùng biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc địa bàn tỉnh Long An ngày nay.
Học sinh huyện Cần Đước thăm Di tích Ngã tư Rạch Kiến. Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN
Sau giải phóng, ông Nguyễn Văn Nam tìm về những nhà dân đã nuôi giấu, che chở mình trong kháng chiến, tìm được 2 chiếc còn nguyên vẹn nằm dưới mặt đất. Trong đó, một chiếc lớn có thể trú ngụ 2-3 cán bộ, ông đã tặng cho khu Di tích Ngã tư Rạch Kiến, còn chiếc nhỏ đang để tại nhà người con trai thứ 5 ông.
Nhà báo Nguyễn Phấn Đấu, con trai ông Nguyễn Văn Nam kể lại: Đế quốc Mỹ đổ quân xuống Rạch Kiến vào năm 1965, khi đó bố anh là Đại đội trưởng Đại đội 315, đơn vị bộ đội chủ lực của huyện Cần Đước, trực tiếp đánh quân Mỹ cùng với quần chúng nhân dân và nhiều lực lượng khác trong đó có du kích xã. Bố anh cùng các đồng đội vây đánh căn cứ Rạch Kiến của Mỹ. Quân Mỹ từ căn cứ Rạch Kiến đi ra xã, liền bị chặn đánh. Ông cùng đồng đội gài mìn, chông tạo nên một vành đai xung quanh căn cứ của Mỹ, Ngụy. Khi bọn Mỹ, Ngụy ra đến đây là bị tiêu diệt!
Trong hơn 1.000 ngày, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Long An, Đảng bộ huyện Cần Đước, quân dân Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bao vây, cầm chân, tiêu hao lực lượng địch, hạn chế sự đánh phá của chúng ra xung quanh, giữ vững vùng giải phóng. Đây là sự sáng tạo của quân dân Long An về mô hình lập vành đai diệt Mỹ ở địa bàn đồng bằng đông dân cư.
Di tích Ngã tư Rạch Kiến, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau. Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN
Cần Đước ngày nay đã có nhiều khởi sắc về mọi mặt, theo hướng phát triển công nghiệp, xây dựng đô thị, thương mại, dịch vụ. Trong nông nghiệp, huyện phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Huyện đã đi đúng hướng với tỉ trọng công nghiệp chiếm hơn 85% trong tổng cơ cấu. Xã Long Hòa là 1 trong 2 trung tâm đô thị của huyện và đô thị Rạch Kiến đã xây dựng thành đô thị loại 5.
Cùng với sự phát triển và đổi thay mỗi ngày, người dân Cần Đước hôm nay vẫn không quên những giá trị lịch sử, trân trọng những thành quả cách mạng của cha ông ta để lại. Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước Nguyễn Minh Vương cho biết: Di tích Ngã tư Rạch Kiến không chỉ là chứng tích, bài học về lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu quật cường bất khuất anh dũng sáng tạo, mà còn là niềm tự hào, niềm tin, nguồn lực, truyền thống của quân và dân Cần Đước. Đây là khát vọng hòa bình, khát vọng vươn lên để Đảng bộ chính quyền và nhân dân Cần Đước vững tin cùng nhân dân cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhằm tôn vinh, giáo dục truyền thống yêu nước của quân và dân địa phương trong quá trình chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào sự phát triển của địa phương trong thời kỳ mới, Tượng đài chiến thắng tại Di tích lịch sử Ngã tư Rạch Kiến sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 8/2025. Đây được xem là biểu tượng giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau, là công trình đặc biệt quan trọng hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.