Tham dự hội thảo có lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; viện bảo tàng một số địa phương trong nước; lãnh đạo tỉnh Nghệ An và lãnh đạo một số địa phương, đơn vị trong tỉnh.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, cho biết, 26 tham luận của các nhà khoa học tại hội thảo tập trung vào 3 vấn đề lớn, gồm: đánh giá ý nghĩa và bài học của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh với cách mạng Việt Nam; hệ thống hóa các giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu, đánh giá trung thực, khách quan và khoa học thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống các di tích lịch sử Xô viết Nghệ Tĩnh hơn nửa thế kỷ qua; thảo luận và thống nhất các giải pháp pháp lý, khoa học, phù hợp với lịch sử, truyền thống văn hóa xứ Nghệ để bảo tồn, tôn tạo và phát huy hiệu quả hệ thống các giá trị ẩn chứa trong các di tích lịch sử Xô viết Nghệ Tĩnh trên đất Nghệ An.
Các đại biểu dự hội thảo thống nhất nhận định, cao trào cách mạng 1930 - 1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh là cuộc tổng diễn tập đầu tiên do Đảng ta lãnh đạo để chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám năm 1945. Hiện nay trong việc bảo tồn và phát huy các di tích thuộc hệ thống Xô viết Nghệ Tĩnh đang tồn tại nhiều vấn đề như: sự xuống cấp nhanh chóng của các di tích, sự bất cập giữa yêu cầu chống xuống cấp và nguồn kinh phí được cấp. Những điều này đặt ra vấn đề phải tìm các giải pháp để bảo tồn, tôn tạo và phát huy hiệu quả hệ thống các di tích lịch sử Xô viết Nghệ Tĩnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng Xô viết Nghệ Tĩnh là biểu tượng sáng chói, huy hoàng, rực rỡ, là thực tiễn sinh động, có tính thuyết phục nhất khẳng định vị thế lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng sản Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về tổ chức cũng như đường lối giải phóng dân tộc. Xô viết Nghệ Tĩnh là sự cáo chung của các phong trào yêu nước theo khuynh hướng cải lương, cầu ngoại hoặc mang cốt cách phong kiến kéo dài trong những thập niên trước; khai mở cuộc tổng diễn tập đầu tiên của Đảng và quần chúng cách mạng chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Sự kiện tạo tiền đề xây dựng khối liên minh công nông đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; có ý nghĩa đặt nền móng cho việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân - lực lượng có vai trò quyết định cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nghệ An Dương Thanh Bình và Thạc sĩ Nguyễn Văn Điều, giảng viên Khoa Lý luận cơ sở (Trường Chính trị tỉnh Nghệ An), cùng cho rằng Xô viết Nghệ Tĩnh đã để lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý báu cả thành công và chưa thành công, về kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, bất khuất, quật cường của dân tộc, quyết không chịu làm nô lệ; về tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo; về thời cơ cách mạng; về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức lực lượng, đoàn kết toàn dân, thống nhất ý chí và hành động, tạo dựng phong trào yêu nước rộng rãi trong cả nước…
Lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh Nghệ An cho rằng hoạt động ngoại khóa tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh và các di tích Xô viết Nghệ Tĩnh là một phương pháp giáo dục mở nhằm phát huy tinh thần cách mạng trong giáo dục lý luận chính trị của trường.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng Phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An), cho biết, hệ thống di tích Xô viết Nghệ Tĩnh trải rộng trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Riêng trên địa bàn Nghệ An hiện có khoảng 400 di tích liên quan đến phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, trong đó có 40 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh. Các di tích Xô viết Nghệ Tĩnh chủ yếu do địa phương quản lý, công tác phát huy giá trị cơ bản đã được các địa phương quan tâm, tuy nhiên đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Một số di tích đã và đang được đầu tư, tu bổ, tôn tạo, nhưng do không bố trí được nguồn vốn nên vẫn còn dang dở, trong khi đó những hạng mục đã hoàn thành lại bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, hoặc có những di tích đã được đầu tư tu bổ nhưng do kinh phí ít nên việc sữa chữa còn mang tính chắp vá.
Ông Nguyễn Xuân Thủy dẫn chứng, như cụm di tích Nhà tưởng niệm và Khu mộ liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh ở thị trấn Thái Lão (nay là thị trấn Hưng Nguyên), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An có vị trí đắc địa cho phát triển du lịch, nằm trên tuyến đường phát triển du lịch thành phố Vinh - huyện Nam Đàn quê Bác, có không gian rộng và giá trị lịch sử tiêu biểu, nhưng do chưa được đầu tư xứng đáng nên dự án 10 năm chưa hoàn thành. Hay như Đình Lương Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An) là nơi diễn ra cuộc mít tinh có quy mô lớn trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, nơi chứng kiến 7 chiến sĩ cách mạng của làng Lương Sơn bị thực dân Pháp và bè lũ tay sai giết hại vào tháng 4/1931. Trải qua nhiều biến động, đình bị xuống cấp trầm trọng, mặc dù từ năm 2008, đình đã có quyết định tu bổ, tôn tạo, nhưng đến nay việc tu bổ vẫn chưa hoàn thành.
Bà Hoàng Thị Khánh, Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích tỉnh Nghệ An cho rằng các di tích Xô viết Nghệ Tĩnh xây dựng đã quá lâu, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt lại cơ bản không có nguồn thu công đức; công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo còn nhiều khó khăn. Làm tốt công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích Xô viết Nghệ Tĩnh sẽ giúp xây dựng, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cũng như yêu mến miền quê xứ Nghệ. Bà Hoàng Thị Khánh nêu rõ, cần thực hiện rà soát hiện trạng, điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ và cắm mốc giới để tránh tình trạng xâm lấn các di tích; tăng cường huy động nguồn kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn, trung tu, tôn tạo các di tích. Địa phương cũng cần tăng cường các giải pháp phát huy giá trị hệ thống các di tích để thu hút du khách đến với di tích, vừa góp phần phát triển kinh tế, đồng thời tạo nguồn thu để tái đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng Phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An), nêu một số giải pháp trong việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích, đó là cần nâng cao trách nhiệm, nhận thức của lãnh đạo các cấp, ngành, đặc biệt là lãnh đạo chính quyền địa phương, cán bộ làm công tác quản lý văn hóa; tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân về việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích; bố trí nguồn kinh phí đúng trọng tâm, đúng di tích, ưu tiên các di tích bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng; huy động xã hội hóa trong công tác bảo tồn, tồn tạo.
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nghệ An Dương Thanh Bình và Thạc sĩ Nguyễn Văn Điều, giảng viên Khoa Lý luận cơ sở (Trường Chính trị tỉnh Nghệ An), đề nghị cần có sự đánh giá nghiêm túc về vị thế và tình hình quản lý các di tích Xô viết Nghệ Tĩnh để có những biện pháp quản lý phù hợp; xây dựng bản đồ các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh gắn với hệ thống di tích Xô viết Nghệ Tĩnh để từ đó nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống; quan tâm, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Các địa phương cần chú trọng hơn nữa việc triển khai thực hiện các hoạt động thiết thực, ý nghĩa phù hợp với vai trò, chức năng của từng loại hình di tích nhằm phát huy tốt các giá trị.
Hiện nay trong điều kiện khó khăn về kinh phí, nguồn nhân lực và các khó khăn khác, trên địa bàn Nghệ An, một số đơn vị, địa phương đã có những giải pháp, cách làm sáng tạo trong việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích và phát huy giá trị các di tích.
Bà Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, cho biết, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh là một trong 3 bảo tàng được thành lập sớm nhất trong hệ thống bảo tàng cách mạng Việt Nam, là nơi lưu giữ, trưng bày trên 16.000 tài liệu, hiện vật các loại. Với nhiều hình thức hoạt động đa dạng, phong phú và thiết thực, bảo tàng đã đưa Xô viết Nghệ Tĩnh đến được với công chúng; những tài liệu, di sản lịch sử của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh được lưu giữ một cách an toàn. Ngoài ra, bảo tàng cũng đã đóng góp quan trọng cho công tác nghiên cứu khoa học, lịch sử, văn hóa và cung cấp nhiều tư liệu quý về Xô viết Nghệ Tĩnh cho các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học.
Ông Nguyễn Hữu Trung, Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin thành phố Vinh (Nghệ An), cho biết, trong những năm qua thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát huy giá trị các di tích cách mạng gắn với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Đến nay tất cả các di tích cách mạng thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh đều có ban quản lý di tích hoạt động có hiệu quả, có quy chế hoạt động, phân công rõ trách nhiệm từng thành viên…