Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam cho biết, thành phố hiện có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích quốc gia và 60 di tích thành phố, trong đó chỉ có Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ thuộc loại hình di tích khảo cổ. Điều này cho thấy những giá trị đặc biệt quan trọng và tiêu biểu của di tích này.
Các kết quả khai quật, khảo cổ cho thấy, đây là một công trình có quy mô lớn nằm trong hệ thống đền tháp Chăm ở miền Trung nước ta. Các di tích, di vật được tìm thấy đã phản ánh nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội, tinh thần của người Chăm tại vùng đất Amaravati từ thế kỷ X - XII.
Đặc biệt, việc tìm thấy “Hố thiêng” còn nguyên vẹn trong lòng tháp là một phát hiện mới, có ý nghĩa khoa học lớn trong quá trình khảo cổ, nghiên cứu đối với kiến trúc và nền văn hóa Chăm còn nhiều bí ẩn. Với những giá trị trên, Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ đã được xếp hạng là di tích cấp thành phố để thực hiện quản lý, bảo vệ theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam đề nghị, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân quận Cẩm Lệ, các sở, ngành liên quan cần phối hợp bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích một cách hiệu quả.
Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ được phát hiện, khai quật vào tháng 4/2011. Theo đó, trong quá trình đào móng làm nhà của người dân tại xóm Cấm, tổ 3, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ đã phát hiện ra các hiện vật của người Chăm. Ngay sau đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) đã khai quật khẩn cấp và làm xuất lộ được một phần chân móng của một công trình kiến trúc bằng gạch và nhiều hiện vật khác.
Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ tiếp tục được khai quật, khảo cổ vào các năm 2012 và 2018. Qua 3 đợt khai quật, trên diện tích gần 790m2 đã làm phát lộ khá rõ ràng và chính xác toàn bộ quy mô, cấu trúc nền móng của một tòa tháp Chăm rất lớn. Đặc biệt, lần đầu tiên đã khai quật được một “Hố thiêng” có bố cục hoàn toàn khác lạ với các di tích đã biết...
Các chuyên gia của đoàn khảo cổ đã nhận định Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ là một tổ hợp kiến trúc phân bố trên một gò đất cao, được bao quanh bởi một dòng chảy cổ thuộc dòng sông Cẩm Lệ. Di tích được người Champa khởi dựng vào khoảng đầu thế kỉ X và duy trì thờ tự cho đến ít nhất vào thế kỷ XII.