Để hướng dẫn bảo tồn kiến trúc không gian phố cổ Hà Nội, trước đây, Hà Nội có triển khai cải tạo một số công trình đơn lẻ như: Ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, đình Kim Ngân 44 Hàng Bạc, đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào và Trung tâm thông tin phố cổ 28 Hàng Buồm. Và phải đến năm 2010, khi kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và có sự hỗ trợ của thành phố Toulouse (Pháp), Ban quản lý phố cổ mới thực hiện được một dự án “lớn” hơn là bảo tồn mặt ngoài một đoạn tuyến phố Tạ Hiện hơn 50 m.
Khó khăn trong bảo tồn công trình đơn lẻ
Trong 4 công trình kiến trúc đơn lẻ đã bảo tồn do Ban quản lý phố cổ quản lý, thì có tới 3 công trình là đình đền và duy nhất công trình 87 Mã Mây là mẫu nhà kiến trúc phố cổ.
Mặt tuyến phố Tạ Hiện cải tạo đồng bộ tạo không gian kiến trúc ấn tượng. |
Từ khi đưa vào sử dụng thành điểm tham quan, ngôi nhà cổ 87 Mã Mây mở cửa đón khách tham quan suốt 7 ngày trong tuần. Trung bình mỗi năm đón hơn 20.000 lượt khách tham quan. Đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa như triển lãm làng nghề truyền thống, tái dựng Trung thu phố cổ, lễ hội ngày di sản...
Theo đại diện Ban quản lý phố cổ, ngôi nhà được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX theo kiểu kiến trúc truyền thống Việt Nam. Trước năm 1945, nhà được sử dụng để ở và bán hàng gạo. Sau năm 1945, ngôi nhà được bán lại cho một gia đình người Hoa ở và bán thuốc Bắc. Sau năm 1954 được bố trí cho 5 gia đình đến sinh sống tại đây. Sau khi được cải tạo thí điểm trong khuôn khổ dự án Bảo tồn, tôn tạo phố cổ Hà Nội, nhà 87 Mã Mây thuộc diện quản lý của Ban quản lý phố cổ với mong muốn làm mẫu để cho người dân cải tạo theo mô hình này.
Với hiện trạng nhà cổ 87 Mã Mây hiện nay, thật khó có thể hình dung được trong quá khứ, ngôi nhà từng bị biến dạng nghiêm trọng và hư hỏng nhiều do các gia đình xây dựng và cải tạo không theo khuôn mẫu nào. Nhà 87 Mã Mây nay được giữ nguyên 2 nhà 2 tầng và cải tạo theo nguyên trạng, được làm lại kết cấu, họa tiết đã bị hư hỏng hoặc đã bị cải tạo, thang và phần sàn bê tông cốt thép được làm lại bằng gỗ; các chi tiết, họa tiết thang gỗ, diềm mái cũng được làm lại theo hình thức của kiến trúc truyền thống.
Tuy nhiên việc vận động người dân tham gia bảo tồn thực sự khó khăn, 5 hộ dân ở số nhà 87 Mã Mây thì 1 hộ thành phố đã phải cưỡng chế mới di dời. Đây cũng là thực trạng chung của các khu nhà cổ trong phố cổ Hà Nội. “Thậm chí trước khi bảo tồn đình Kim Ngân ở 44 Hàng Bạc, tại đó có hơn 20 hộ sinh sống. Tuy nhiên, việc vận động những người dân sống trong đình đền có phần thuận lợi hơn do yếu tố tâm linh. Còn những khu nhà ở khác sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì liên quan đến quyền lợi dân sinh”, đại diện Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết.
Đó là lý do dù hơn 15 năm thực hiện bảo tồn, nhưng những mẫu nhà truyền thống ở Hà Nội mới thực hiện cải tạo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó theo khảo sát mới đây, khu phố cổ có 215 công trình có giá trị đặc biệt, 335 công trình có giá trị.
Cải tạo từng tuyến phố
Đến thời điểm này, đoạn phố dài hơn 50 m của tuyến phố Tạ Hiện được hoàn thiện cải tạo năm 2011 vẫn là mẫu hình trong bảo tồn kiến trúc không gian phố cổ. Thuận lợi lớn nhất trước khi bảo tồn đoạn phố này là mặt ngoài vẫn còn giữ nguyên kiến trúc ban đầu.
“Tuy nhiên, để cải tạo tuyến là cả một quá trình vận động người dân chấp thuận”, đại diện Ban quản lý phố cổ cho biết. “Trong hơn một năm trước khi cải tạo, Ban quản lý phố cổ và phường, tổ dân phố họp không biết bao cuộc họp trong khu dân cư để người dân góp ý, đề xuất nguyện vọng. Dù ở trung tâm phố cổ nhưng nhiều hộ dân còn nghèo, từng nhà đã sửa chữa nhiều nên khi cải tạo mặt ngoài, các hộ dân cũng muốn cải tạo lại phần nội thất phía trong cho tương xứng. Đến khi hoàn thành, bộ mặt đoạn cải tạo trở thành một không gian kiến trúc khang trang, ấn tượng với bất kỳ ai đến đây”.
Điều này thấy rõ nếu đứng ở ngã tư quốc tế “Tạ Hiện”, mọi người có thể so sánh với 2 khu đối diện. Bên cải tạo, mặt đứng kiến trúc đồng bộ từ kích cỡ cửa chính, mái vẩy, vị trí đặt điều hòa nhiệt độ, biển hiệu quảng cáo, màu sơn nhà, cửa sổ, hệ thống thoát nước mái... Ngoài ra, hệ thống chiếu sáng, mặt đường, hệ thống cấp thoát nước sẽ được chỉnh trang. Trong khi mặt đối diện (Đinh Liệt) và một nửa tuyến phố Tạ Hiện còn lại kiến trúc nhà xô bồ, mạnh nhà nào nhà đó sửa chữa.
Ông Phạm Tuấn Long, Phó Ban quản lý phố cổ cho biết: "Đoạn phố Tạ Hiện là dự án đầu tiên về bảo tồn kiến trúc mặt đứng tuyến phố, nhằm cải thiện điều kiện sống và môi trường sống của người dân trong khu phố cổ Hà Nội. Đây cũng là hình mẫu không gian kiến trúc cả một tuyến phố để nhân rộng. Từ cuối năm 2012, chúng tôi đã trưng cầu ý kiến của người dân để thời gian tới tiếp tục cải tạo, chỉnh trang phố Lãn Ông. Với phố này, quy trình thực hiện tương tự Tạ Hiện, song mức độ can thiệp có khác, ưu tiên cho các ngôi nhà rõ kiến trúc Việt".
Kết hợp giữa bảo tồn từng mẫu nhà và cả tuyến phố, Ban quản lý phố cổ Hà Nội mong muốn truyền tải đến cho mọi người hiểu hơn về giá trị phố cổ Hà Nội qua không gian kiến trúc đặc trưng gắn liền với cuộc sống người dân diễn ra trong đó.
Bài và ảnh: Xuân Cường
Bài cuối: Bảo tồn kiến trúc gắn với cuộc sống người dân