Bảo tàng di sản" tư nhân đầu tiên ở Đắk Lắk


Ngôi nhà của Y Thim Byă (buôn Ea Bông, xã Cư Ea Buar, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) giờ đã trở thành một điểm đến của du khách gần xa để tham quan "Bảo tàng di sản Tây Nguyên". Ít ai biết được rằng, để có được bảo tàng này, Y Thim đã mất gần 20 năm trời bôn ba sưu tập, bắt đầu từ việc nhặt nhạnh, mua lại những bộ chiêng cổ lạc tiếng bị người ta vứt bỏ, bán đồng nát đem về trả lại âm thanh chuẩn cho nó...


20 con trâu đổi dàn chiêng


Hồi đó Y Thim chưa đến 30 tuổi, là cán bộ đoàn của xã Cư Ea Buar. Một lần xuống cơ sở thấy có một gia đình đang đem bán mấy bộ chiêng bị lạc tiếng cho bà đồng nát, anh liền vay tiền của mấy người bạn đi cùng, trả giá cao hơn để mua được bộ chiêng, đem về tìm nghệ nhân biết chỉnh chiêng trả lại âm thanh cho nó. Cũng từ đó, Y Thim luôn day dứt: Với cách "hành xử" của lớp người trẻ đối với những vật dụng sinh hoạt văn hóa, lao động sản xuất cổ xưa như vậy, sớm muộn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cũng sẽ mất thôi. Vậy là Y Thim bắt đầu cuộc hành trình đi sưu tầm để giữ lại các nhạc cụ, đồ vật trong đời sống sinh hoạt, sản xuất thường ngày của đồng bào Tây Nguyên. Hễ đến nhà nào thấy người ta vứt ghế Kpan, Jhơng, chiêng, ché là anh nằn nì xin, không xin được thì góp, vay tiền mua cho bằng được. Nhiều người trong buôn thấy Y Thim say mê quá thì bảo: "Thằng Y Thim nó bị hồn ché, hồn chiêng bắt phải khổ rồi".

Y Thim giới thiệu những chiếc ché Túk, ché Tang cổ hàng trăm năm tuổi-Ảnh Việt Dũng


Là cán bộ tại Phòng Nghiệp vụ văn hóa - Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh Đắk Lắk, hễ có thời gian rỗi, Y Thim lại tự tay lái chiếc máy cày, lặn lội đến các buôn làng khắp cả Đắk Lắk và các tỉnh lân cận để sưu tầm các vật dụng.

Nhiều chiếc ché Túk, ché Tang, ghế Kpan, Jhơng… cổ bị người ta vứt bỏ ngoài rẫy, Y Thim chỉ việc xin và mang về, nhưng cũng có những vật dụng quý được anh đổi bằng mấy tấn cà phê hoặc mua hàng chục triệu đồng. Nhà Y Thim có gần 3 sào cà phê, lại có nghề ủ rượu cần bán rất chạy, nhưng không khi nào có tiền để dành, bởi hễ có tiền là Y Thim đưa đi đổi lấy mấy cái ché, chiêng, trống cũ… Y Thim chỉ cho chúng tôi xem bộ chiêng gồm 10 cái và cho biết đó là bộ chiêng cổ bằng đồng pha vàng có tuổi hàng trăm năm được anh đổi bằng 20 con trâu đực lớn. Lần đó, nghe nói ở Buôn Đôn có gia đình đang sở hữu bộ chiêng này, phải hỏi thăm mất mấy ngày mới tìm đến đúng chủ nhân. Nhìn thấy bộ chiêng, Y Thim mê quá, nhưng chủ nhân bộ chiêng nhất định không bán. Sau hàng chục lần đi lại, chủ nhân đồng ý đổi bằng… 3 con voi đực có ngà. Nghe giá, Y Thim sợ xanh cả mặt, có bán hết gia sản cũng không thể mua nổi 3 con voi, hoặc dù có tiền cũng không có voi để mua. Nhưng mê bộ chiêng quá, tuần nào Y Thim cũng lên nhà để được xem chiêng. Cuối cùng vì nể anh mà gia chủ đồng ý đổi 20 con trâu đực lớn. Về nhà, anh lại phải đi hỏi vay mượn khắp nơi, thế chấp cả "sổ đỏ" mới đủ số tiền tương đương hơn 20 lượng vàng 9999 - bằng giá trị đàn trâu 20 con lúc bấy giờ. Đổi được bộ chiêng quý, Y Thim chọn ngày tốt, nhờ già làng cúng Yàng rồi mới rước chiêng về nhà.

Gìn giữ di sản cho đời sau


Bây giờ thì Y Thim đã sở hữu gần 20 bộ chiêng cổ; 30 ché Túk, ché Tang; hàng chục bộ ghế Kpan, ghế Jhơng, trống H'ghơ cùng hàng trăm cổ vật là vật dụng truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, cho đến những món nhạc cụ dân tộc như đinh buốt, chinh Kram, đinh tặc tà, đinh năm... Nhiều món đồ trong đó giờ khó có thể kiếm được cái thứ hai. Nhiều vật dụng hiện không được người Tây Nguyên sử dụng đến nữa. Anh tâm sự: "Giữ lại cho bọn nhỏ sau này biết đời sống ông bà mình hồi trước ra sao và để chúng biết quý trọng những di sản văn hóa của ông bà hơn".



Ngôi nhà dài truyền thống trị giá hơn 300 triệu đồng vừa được vợ chồng Y Thim cất từ số tiền dành dụm được, không phải dành để ở mà là nơi để trưng bày các hiện vật sau gần 20 năm anh miệt mài sưu tầm. Bộ sưu tập đó theo lời già làng Y Than Niê K'đam là đáng giá bằng cả mấy chục con voi và bầy trâu hàng trăm con. "Số chiêng cổ của thằng Y Thim còn nhiều hơn người trong buôn Ea Bông mình đấy", già Y Than ví von.

Có chiêng, có nhạc cụ dân tộc rồi, Y Thim tìm cách học sử dụng, chế tác. Khi đã thành thạo, anh kêu bọn trẻ trong buôn đến dạy hết cho bọn chúng. Vì vậy, con nít trong buôn Ea Bông giờ lên năm, lên bảy đã biết đánh chiêng, đánh chinh Kram, nhiều đứa biết thổi đinh năm, đinh tặc tà giỏi. Anh còn đến rất nhiều buôn làng trong tỉnh để dạy đánh chiêng, chơi nhạc cụ cho bọn trẻ. Ba cậu con trai của Y Thim thì 2 đứa lớn là Y Nal và Y Na đã tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Riêng cậu con út là Y Thu Ê Ban hiện học lớp 5 đã chơi thành thạo 8 loại nhạc cụ của các dân tộc Tây Nguyên. Cậu út Y Thu khiến người dân trong buôn Ea Bông phải thán phục và tự hào vì mới 4 tuổi đã biết đánh chiêng, biết hát nhiều điệu Ya Ray từ hồi chưa đọc được chữ. Mới học lớp 2, Y Thu đã đoạt giải nghệ nhân trẻ xuất sắc, triển vọng nhất tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ tỉnh Đắk Lắk và "hễ đi thi là giành giải nhất" như lời bố Y Thim khoe. Ngoài giờ học, Y Thu còn là nghệ nhân nhỏ tuổi nhưng rất "đắt sô" tại các buổi biểu diễn ở Nhà văn hóa thanh thiếu nhi và các ngày hội văn hóa trong tỉnh.

Việt Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN