Băn khoăn dự thảo Nghị định về triển lãm

Theo lộ trình, đến tháng 10/2016, dự thảo Nghị định về hoạt động triển lãm văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể thao sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều lần chỉnh sửa, dự thảo Nghị định này vẫn còn bất cập và chưa sát thực tế.

Nhiều bất cập trong quản lý triển lãm

Càng ngày, các triển lãm văn hóa nghệ thuật, du lịch, thể thao ngày càng gia tăng. Theo thống kê sơ bộ của Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) năm 2013, cả nước có 499 cuộc triển lãm, năm 2014 con số này tăng lên 589 và đến năm 2015 là 594 cuộc. Không chỉ tăng về số lượng, mà loại hình, nội dung triển lãm cũng được mở rộng. Bên cạnh các triển lãm về mỹ thuật, nhiếp ảnh, thì các loại hình như ô tô, xe máy, nông nghiệp, thủy sản, báo chí, thậm chí cả… thơ cũng được tổ chức triển lãm. 

Cùng với đó, đối tượng tổ chức, tham gia hoạt động triển lãm cũng ngày càng phong phú. Bên cạnh các bộ, ban ngành thuộc cơ quan Nhà nước, ngày càng có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động triển lãm.

Tuy nhiên, song song với những mặt tích cực do hoạt động triển lãm đem lại, thì việc ngày càng gia tăng số lượng, loại hình triển lãm đã bộc lộ những bất cập. 

Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, việc chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa đã thúc đẩy sự gia tăng các triển lãm mang danh nghĩa quốc gia, nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, có một số cuộc triển lãm có chất lượng thấp, không đạt yêu cầu. Có những cuộc triển lãm được tổ chức vào thời điểm không phù hợp, khiến dư luận phản ứng tiêu cực. Có những triển lãm xuất hiện nội dung phản cảm, gây bức xúc trong xã hội...  

Nhiều quy định trong dự thảo Nghị định chưa sát thực tế. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN

Nguyên nhân của tình trạng này là hành lang pháp lý quản lý trong lĩnh vực triển lãm còn nhiều khoảng trống. Theo quy định tại Quy chế Hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, ban hành kèm Nghị định 103/2009/NĐ- CP ngày 6/11/2009, các triển lãm văn hóa nghệ thuật (ngoài các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh) phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và UBND các tỉnh, thành), nhưng trên thực tế, có rất ít tổ chức, cá nhân thực hiện việc đăng ký này, trong khi cơ quan quản lý lại không đủ nhân lực, chế tài để kiểm tra, xử lý. Vì vậy, việc quản lý các triển lãm văn hóa nghệ thuật hiện nay còn lỏng lẻo. Rất ít địa phương thực hiện được việc thống kê số liệu. “Những quy định đã ban hành trước đây về quản lý hoạt động triển lãm mới chỉ dừng lại ở phạm vi mỹ thuật, nhiếp ảnh, chứ chưa bao quát được các hoạt động, loại hình triển lãm khác. Vì vậy mà nảy sinh nhiều bất cập. Nếu không bổ sung, ban hành những văn bản quy định về hoạt động triển lãm thì việc tổ chức và quản lý hoạt động này sẽ rất khó khăn” - họa sĩ Vi Kiến Thành khẳng định.

Nghị định chưa sát thực tế

Trước yêu cầu cần phải sớm có một nghị định mới quản lý phù hợp, bám sát thực tiễn để hoạt động triển lãm đi vào nề nếp, đúng luật, một bản dự thảo nghị định về hoạt động triển lãm văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể thao đã được cơ quan quản lý văn hóa soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan. Bản dự thảo gồm 5 chương, 23 điều với những nội dung cụ thể như: Những quy định chung; quy trình tổ chức triển lãm; thủ tục gửi hồ sơ xin cấp phép, cấp phép triển lãm; thủ tục gửi văn bản thông báo, tiếp nhận và xử lý văn bản thông báo; Điều khoản thi hành. Tuy nhiên, dù đã được sửa đến lần thứ 4, bản dự thảo Nghị định vẫn vấp phải nhiều ý kiến phản đối.

Một trong những điều khiến hầu hết những người trong ngành băn khoăn là, dự thảo Nghị định về hoạt động triển lãm văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể thao, nhưng rất nhiều lĩnh vực thuộc ngành văn hóa như mỹ thuật, nhiếp ảnh, di vật, cổ vật, bảo vật, xuất bản phẩm lại đều bị gạt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của nghị định này. Các ý kiến đều cho rằng, nếu gạt bỏ các hoạt động triển lãm thương mại, khoa học, công nghệ, xuất bản phẩm, mỹ thuật, nhiếp ảnh, di vật, cổ vật, bảo vật sang một bên, thì phạm vi điều chỉnh của nghị định bị bó hẹp, nghị định sẽ ít tính thực tế và quá xa rời hoạt động triển lãm hiện nay. 

Theo ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên  - Huế, cần phân rõ triển lãm nào được cấp phép ở phạm vi quốc gia, cấp tỉnh. Nếu 3 địa phương cùng kết hợp tổ chức triển lãm lần lượt tại từng điểm, thì Bộ VHTTDL hay tỉnh cấp phép? Nếu là Bộ VHTTDL cấp phép, thì đơn vị tổ chức tháng nào cũng chạy ra xin phép sẽ rất phức tạp. Ông Phan Tiến Dũng cho biết, mỗi năm Thừa - Thiên Huế tổ chức khoảng 100 cuộc triển lãm, trong đó có 10 - 15 triển lãm quốc tế, nên Huế rất mong muốn nghị định sẽ cụ thể hóa phạm vi, đối tượng điều chỉnh để địa phương dễ dàng triển khai. Bên cạnh đó, các loại hình như nghệ thuật sắp đặt, video art… của các đoàn quốc tế biểu diễn trong các kỳ festival sẽ được xếp vào loại hình nghệ thuật nào? Nghệ thuật biểu diễn hay triển lãm?  

Ông Hoàng Minh Thái - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) thì cho rằng, dự thảo nghị định có khá nhiều chương, điều có nội dung trùng lặp. Ví dụ: Điều 10 (Chương II) quy định việc Gửi hồ sơ xin xấp phép hoặc văn bản Thông báo đến cơ quan thẩm quyền đang trùng với điều 15 (Chương III) Thủ tục gửi hồ sơ cấp phép. Ngoài ra, một số điều khoản của Nghị định dự thảo cần gọn lại, dễ triển khai thực hiện.

Một nội dung khác được nhiều người quan tâm là thủ tục tiếp nhận và xử lý văn bản xin cấp phép hoặc văn bản thông báo tới cơ quan quản lý về kế hoạch triển lãm. Theo dự thảo Nghị định, hồ sơ xin cấp phép cũng như thông báo xin triển lãm phải gửi về cơ quan có thẩm quyền chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều cuộc triển làm cận ngày khai mạc mới duyệt xong nội dung, nên thời gian này là không khả thi.

Ông Trịnh Hoàng Tân - đại diện Sở VHTTDL Quảng Trị băn khoăn, ở các địa phương hiện nay thường kết hợp tổ chức kết hợp triển lãm với hội chợ, trong đó bao gồm cả mỹ thuật, nhiếp ảnh, sản phẩm âm nhạc… vậy thì giấy phép có nên tách ra hay không? Nếu tách ra thì một hội chợ, đơn vị tổ chức phải cần đến 3, 4 giấy phép sẽ hết sức nhiêu khê.  

Trưởng Ban soạn thảo Nghị định, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên, khẳng định, việc xây dựng và ban hành Nghị định về hoạt động triển lãm là rất cần thiết, để hoàn thiện hành lang pháp lý, đưa hoạt động triển lãm vào nề nếp. Tuy nhiên, nghị định mới phải bám sát thực tế và đi vào cuộc sống một cách thiết thực nhất. Các đơn vị chức năng phải đi trước, đón đầu được sự phát triển của các hoạt động triển lãm, để đưa ra chính sách quản lý phù hợp, thông thoáng, tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị nghệ thuật.
Phương Hà
Triển lãm nghệ thuật Genesis nhân dịp khai trương Khách sạn Apricot
Triển lãm nghệ thuật Genesis nhân dịp khai trương Khách sạn Apricot

Genesis (Khởi nguồn), triển lãm hội họa đầu tiên được tổ chức tại Khách sạn Apricot Hà Nội, nhân dịp khai trương khách sạn tối 14/12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN