Việt Nam - Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát ngập úng đô thị và tái sử dụng nước

Sáng 10/2, tại Hà Nội, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn hóa chất Chichibu (Nhật Bản), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA và các đơn vị đối tác khác tổ chức Hội thảo giới thiệu "Bể chứa nước mưa ngầm bằng nhựa: Giải pháp mới trong kiểm soát ngập úng đô thị, bổ sung nước ngầm và tái sử dụng nước”.

Chú thích ảnh
Ông Triệu Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát biểu chào mừng hội thảo. 

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Triệu Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia cho biết, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và tác động của biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức lớn đối với công tác quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là tại các đô thị đông dân cư. Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nguy cơ ngày càng nghiêm trọng về ngập úng đô thị gia tăng, suy giảm nguồn nước ngầm và tình trạng khan hiếm nước. Việc tìm kiếm các giải pháp sáng tạo, bền vững và thân thiện với môi trường là điều hết sức cần thiết nhằm tối ưu hóa các giải pháp sử dụng nước, tái sử dụng nước mưa, áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước. Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách từ Việt Nam và Nhật Bản cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, cập nhật các tiến bộ công nghệ mới nhất và thảo luận về những định hướng chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Giới thiệu công nghệ bể chứa nước mưa ngầm bằng nhựa, ông Hideyuki Muofushi, Công ty Trách nhiệm hữu hạn hóa chất Chichibu cho biết, đây là một công trình chứa nước mưa bằng nhựa (PRSS) chủ yếu được phát triển để phòng ngừa thiên tai ngập lụt bằng cách lưu trữ tạm thời nước mưa dưới lòng đất. Công trình này có độ bền cao, độ rỗng đạt trên 95%, thi công dễ dàng và nhanh chóng. Theo ông Hideyuki Muofushi, công trình có thể dễ dàng được lắp đặt bằng tay mà không cần sử dụng máy móc xây dựng khi mảnh lớn nhất của công trình này cũng chỉ nặng 3 kg. Ngoài ra, công trình có thiết kế và nguyên liệu thô độc đáo, bề mặt phía trên có thể tận dụng làm bãi đậu xe, sân… Được phân thành 2 loại: loại thấm được và loại không thấm phù hợp với nhiều mục đích sử dụng.

Chú thích ảnh
Ông Hisahito Yoshida, Chủ tịch Công ty Chichibu Chemical Nhật Bản, phát biểu khai mạc hội thảo.

Đánh giá về bể chứa nước mưa ngầm bằng nhựa, ông Hisahito Yoshida, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn hóa chất Chichibu cho biết, giải pháp bể chứa nước mưa ngầm bằng nhựa đã được triển khai thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới, mang lại những lợi ích thiết thực như: Hạn chế ngập úng đô thị bằng cách giảm dòng chảy bề mặt; bổ sung nguồn nước ngầm giúp cân bằng hệ sinh thái tự nhiên; tái sử dụng nước mưa cho các mục đích không yêu cầu nước uống (tưới tiêu, xả bồn cầu và sản xuất công nghiệp; giảm áp lực lên hệ thống thoát nước và tiết kiệm chi phí đầu tư hạ tầng). Việc tích hợp các giải pháp này vào hệ thống đô thị không chỉ góp phần giảm thiểu rủi ro do ngập lụt mà còn hướng tới mục tiêu sử dụng nước hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường.

Bên cạnh việc chia sẻ thông tin về giải pháp thoát nước, chống ngập mới từ bể chứa nước mưa ngầm bằng nhựa, nhiều chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam-Nhật Bản cũng cung cấp thông tin giá trị về các mô hình thực tiễn, tiến bộ công nghệ; từ đó khuyến nghị chính sách hữu ích, góp phần định hướng cho tương lai quản lý tài nguyên nước bền vững tại Việt Nam.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự hội thảo. 

Đề xuất giải pháp thoát nước bền vững cho các đô thị Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Thị Vinh, Nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho rằng, thời gian tới, chính quyền các địa phương cần tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương để vận hành, bảo trì và lập quy hoạch dự án phù hợp; huy động vốn đa nguồn, từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp tư nhân đến sự hỗ trợ quốc tế; nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các chương trình truyền thông về lợi ích của thoát nước bền vững. Đồng thời, chính quyền các địa phương cần hoàn thiện khung pháp lý và sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý và địa phương để hỗ trợ nhân rộng các dự án hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: Diệu Thúy (TTXVN)
'Kỷ nguyên mới' của Việt Nam sẽ là cơ hội tốt để phát triển quan hệ Nhật Bản - Việt Nam
'Kỷ nguyên mới' của Việt Nam sẽ là cơ hội tốt để phát triển quan hệ Nhật Bản - Việt Nam

Nhân dịp năm mới 2025, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki đã trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về tiềm năng phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản. Sau đây là nội dung phỏng vấn:

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN