Bằng nhiều việc làm của ngành điện và chính quyền địa phương, số vụ vi phạm hành lang an toàn điện đã giảm, tuy nhiên không vì thế mà hành lang lưới điện hết tiềm ẩn mối lo tai nạn điện, sự cố điện… nếu như ý thức của người dân không được thay đổi.
Vi phạm hành lang do lịch sử?
Qua phân tích số liệu, Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN HANOI) nhận thấy có khá nhiều trường hợp vi phạm do tồn tại từ lịch sử để lại xây nhà để ở, công trình nằm dưới đường điện trung và cao áp.
Đơn cử như tại khu vực ngách 196/1 đường Nguyễn Sơn, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) có khá nhiều hộ dân có công trình nằm ngay sát đường dây điện trần trung thế. Có hộ gia đình chỉ cần mở cửa ban công là có thể nắm tay được vào dây dẫn điện, rất nguy hiểm. Hay tại thôn Ba Mát, thôn Đò, thôn Miễu, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội), một đường dây điện trung thế chạy vắt qua khu dân cư, xưởng sản xuất gỗ; trong đó nhiều đoạn dây ngay sát nhà xưởng không đảm bảo khoảng cách an toàn hành lang lưới điện theo quy định.
Nghiêm trọng hơn, tại huyện Quốc Oai, Công ty Lưới điện cao thế Hà Nội đã phát hiện tại khoảng cột 71 - 72 - 73 đường dây 110 kV Hà Đông - Phùng Xá - Sơn Tây (Hà Nội) có công trình xây dựng bể bơi của của hộ cá nhân nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp do đơn vị này quản lý.
Ngoài ra, tại vị trí cột 72 thuộc thôn Ngô Sài, thị trấn Quốc Oai, (Quốc Oai – Hà Nội) đơn vị thi công đã đổ đất chùm lên các thanh giằng tầng 1 của cột điện. Những hành vi trên đặc biệt nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng tới an toàn lưới điện mà còn đe dọa an toàn tính mạng con người. Bởi khi trời mưa dông, có thể xảy ra hiện tượng truyền nhiễm điện xuống chân cột điện, gây tai nạn điện.
Theo EVN HANOI vi phạm khoảng cách an toàn hành lang lưới điện sẽ gây ra nhiều hậu quả trước mắt cũng như lâu dài cho lưới điện. Số liệu của EVN HANOI cho thấy đã xảy 28 vụ sự cố do các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới và công trình điện trong 6 tháng đầu năm 2018.
Nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị thi công và người dân trong khi thi công các công trình đã sử dụng xe ôtô, cần cẩu, máy xúc đất, xây dựng, sửa chữa nhà cửa, lắp đặt cáp viễn thông, biển quảng cáo, … vi phạm khoảng cách an toàn hoặc trực tiếp va quệt vào đường dây trên không.
Cũng có không ít trường hợp do đào đường, làm các công trình xây dựng ngầm xâm hại vào cáp ngầm. Trong năm nay, có thể kể tới vụ việc xảy ra ngày vào lúc 9 giờ 17 phút ngày 5/6 tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội), xe cẩu thi công trồng cột hạ thế vi phạm khoảng cách, gây mất điện diện rộng, tới tận 12 giờ 10 phút cùng ngày sự cố mới được khắc phục xong.
Ở một tình huống khác, ngày chiều ngày 21/4, tại huyện Thạch Thất (Hà Nội), người dân bẫy chim đã gây ra sự cố tại trạm Công Ty Khánh Sơn 1, thuộc lộ 371E1.28 Phùng Xá, phải mất 9 tiếng đồng hồ Công ty Điện lực Thạch Thất mới có thể cấp điện lại cho trạm biến áp kể trên.
An toàn hành lang lưới điện, công trình điện là vấn đề vô cùng quan trọng trong vận hành điện của EVN HANOI nói riêng và toàn ngành Điện lực Việt Nam nói chung. Hơn nữa đặc thù là Thủ đô - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội nên việc đảm bảo điện an toàn liên tục càng được EVN HANOI đặc biệt quan tâm.
Nỗ lực vì sự an toàn lưới điện
Để cho hành lang an toàn lưới điện được đảm bảo, trong những năm qua, EVN HANOI đã phối hợp với các sở, ngành tiến hành tháo gỡ những điểm nhức nhối về vi phạm hàng lang. Đặc biệt, với quyền hạn của mình, EVN HANOI đã "tự cứu mình" bằng cách đầu tư nguồn lực để nâng cột hoặc hạ ngầm một số vị trí, đường dây.
Theo ông Tạ Quang Thắm - Trưởng Ban an toàn, trong tổng số 381 trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện, tính đến ngày 30/9 năm nay, EVN HANOI đã giảm được 116 trường hợp, đáp ứng các điều kiện theo quy định của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện. Đáng chú ý, trong số 116 hộ đã giảm có 106 trường hợp do EVN HANOI đầu tư nâng cột, di chuyển đường dây hoặc hạ ngầm để tránh công trình hay khu dân cư. Còn lại có 10 trường hợp tồn tại vi phạm cũ được EVN HANOI phối hợp với chính quyền địa phương xử lý giảm thiểu. Với việc làm trên, so với chỉ tiêu, EVN HANOI đã hoàn thành 82,27% so với kế hoạch được giao trong năm nay.
Còn theo ông Ngô Huy Hoàng - Phó Ban an toàn EVN HANOI để giảm thiểu vi phạm hành lang an toàn lưới điện, ngăn ngừa các hành vi vi phạm lưới điện, trong thời gian qua bên cạnh đầu tư cho hạ tầng thì việc tuyên truyền hướng cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ hành lang được quan tâm đẩy mạnh.
Ngoài ra, EVN HANOI đã phối hợp với Công an thành phố, Sở Công Thương kiểm tra các tuyến đường dây 110 kV, trạm 110 kV trọng điểm để tuyên truyền nhắc nhở chủ các công trình xây dựng đang thi công trong và gần hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.
Hơn nữa, EVN HANOI cũng cùng với chính quyền địa phương ngăn chặn các trường hợp xây dựng, sửa chữa nhà xưởng, công trình, lấn chiếm vào hành lang lưới điện. Trong những dịp lễ tết hoặc mùa hè, EVN HANOI tổ chức tuyên truyền để người dân không bắn các loại pháo giấy tráng kim loại, thả diều, thả đèn trời, đĩa bay đồ chơi lên trạm điện… hoặc các hành vi khác vi phạm hành lang lưới điện.
Mặc dù số vụ vi phạm hành lang an toàn lưới trên địa bàn Hà Nội đã giảm, tuy nhiên EVN HANOI cũng cho biết kết quả chưa bền vững, nguy cơ bùng phát tái vi phạm là rất cao.
Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Tổng Giám đốc EVN HANOI trăn trở, thẩm quyền của chính quyền địa phương là xử phạt hành vi vi phạm nhưng hiện nay trên địa bàn Thủ đô, còn có một số nơi chính quyền cơ sở chưa tích cực vào cuộc ngăn chặn từ khi vi phạm mới phát sinh, dẫn tới vi phạm lớn khó giải quyết. Trong khi đó để di dời hay hạ ngầm 1 km đường dây điện là rất tốn kém, liên quan đến nhiều cơ quan đơn vị.
Mặt khác, nhiều chủ đầu tư xây dựng công trình đã không liên hệ với ngành điện để thống nhất giới hạn hành lang, khiến cho vi phạm phát sinh hoặc tiềm ẩn phát sinh, gây hậu quả nghiêm trọng.
Nói rõ hơn về nguyên nhân phát sinh vi phạm hành lang, ông Nguyễn Đức Thịnh - Phó Giám đốc Công ty điện lực Đống Đa cho biết, khu vực nội đô do diện tích chật hẹp nên nhiều người dân dễ dàng vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp. Hành vi chủ yếu là cải tạo, cơi nới công trình, xây dựng không phép, lấn chiếm đất công để phục vụ mục đích riêng, trồng cây lâu năm dưới đường dây, nâng độ cao cốt nền các công trình làm giảm độ cao dây dẫn với đất.
Tính đến 31/9/2018, EVN HANOI đang quản lý và vận hành 797 km đường dây và 45 trạm biến áp có cấp điện áp 110 kV, 220 kV. 8.540 km đường dây trung thế và 16.350 trạm biến áp. Với khối lượng đường dây, trạm biến áp, công trình điện khổng lồ như trên, trong khi ý thức của người dân chưa cao trong bảo vệ hành lang sẽ là thách thức lớn đối với chính quyền và ngành điện Thủ đô trong việc giải quyết vi phạm hanh lang, để lưới điện được hoạt động an toàn.