Ứng phó nhanh với dịch trên đàn lợn

Ngày 16/3, tại tỉnh Nghệ An phát hiện thêm một ổ nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại gia đình bà Nguyễn Thị Thủy ở xóm 8, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu khi có kết quả mẫu xét nghiệm dương tính.

Chú thích ảnh
Hiện xã Quỳnh Mỹ đã lập 2 chốt kiểm dịch trên trục đường ra vào xóm 8. Ảnh: baonghean.vn

Ngay trong sáng nay, các cơ quan chức năng huyện Quỳnh Lưu và xã Quỳnh Mỹ đã triển khai lập 2 chốt kiểm dịch vào xóm 8; đồng thời, triển khai nhiều biện pháp như phun hóa chất khử trùng trên các trục đường, tuyến đường; tuyên truyền chỉ đạo người dân phun hóa chất, rắc vôi bột trong khu vực chuồng trại, không cho người ngoài vào khu vực chuồng trại chăn nuôi.Khu vực phát hiện ổ dịch xóm 8 gần với khu vực ổ dịch đầu tiên đã phát hiện tại xóm 7, xã Quỳnh Mỹ trước đó ngày 13/3.

Ông Đậu Đức Năm - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết, đến thời điểm này, tất cả các xã trên địa bàn huyện đã được lập chốt và kiểm tra. Không ngoại trừ khả năng dịch tả lợn châu Phi có thể lây lan ở Quỳnh Lưu. Hiện tại, địa phương đang tập trung toàn bộ lực lượng và mọi giải pháp để khống chế dịch tả lợn châu Phi.

Trước đó, ngày 12/3, ổ dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại gia đình ông Hoàng Văn Lan, xóm 7, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu. Qua kiểm tra, phát hiện 2 con lợn nái và một đàn 20 lợn con khoảng 20 ngày tuổi bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Toàn bộ số lợn của nhà ông Lan được các cơ quan chức năng tiêu hủy đúng quy định.

* Hà Tĩnh: Trước diễn biến phức tạp dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng ở các tỉnh phía Bắc, tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành lập các chốt kiểm dịch ngay cửa ngõ phía Bắc và phía Nam của tỉnh.

Chú thích ảnh
Một hộ gia đình chăn nuôi lợn xã Cẩm Lạc (huyện Cẩm Xuyên).  Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng- Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết, UBND tỉnh Hà Tĩnh và nhiều huyện đã có quyết định thành lập chốt kiểm dịch động vật, phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ.

Nhiệm vụ các chốt kiểm dịch động vật là kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào, đi qua địa bàn. Các chốt xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm luật hiện hành về phòng, chống bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các huyện Nghi Xuân, Hồng Lĩnh, Hương Sơn, Đức Thọ, các địa phương giáp ranh với tỉnh Nghệ An lập các chốt kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh các phương tiện xe vận chuyển lợn, sản phẩm từ thịt lợn và thức ăn gia súc.

Khu vực phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh có Quốc lộ 1A, 8A và tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua nên việc giao thương, buôn bán, vận chuyển diễn ra thường xuyên. Ngoài ra, tỉnh Hà Tĩnh thành lập các chốt ở phía Nam thuộc huyện, thị xã Kỳ Anh và Hương Khê nhằm ngăn chặn và kiểm tra chặt chẽ tình trạng buôn bán, vận chuyển gia súc khu vực này.

Ông Nguyễn Tiến Chương, Trưởng trạm kiểm dịch động vật trên Quốc lộ 1A thuộc địa bàn thị xã Hồng Lĩnh chia sẻ: "Mỗi ngày đơn vị kiểm tra khoảng 7 đến 8 xe chở lợn và rất nhiều xe vận chuyển gia súc. Sau khi các xe xuất trình các giấy tờ hợp lệ, đơn vị sẽ tiến hành phun hóa chất, vệ sinh, tiêu độc khử trùng xe chở động vật trước khi cho lưu thông".  

Hà Tĩnh hiện có tổng đàn lợn khoảng 450.000 con; trong đó tập trung ở các huyện người dân chăn nuôi nhiều như Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch Hà, Kỳ Anh, Đức Thọ. Cùng đó là hàng trăm trang trại có tổng đàn lên đến hàng ngàn con. Ngoài ra có trên 40 lò giết mổ tập trung cùng với hệ thống chợ có buôn bán gia súc trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo các chuyên gia về thú y, hiện nay cơ chế lây lan dịch tả lợn châu Phi ở các tỉnh phía Bắc là 46% do phương tiện vận chuyển và con người không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% do sử dụng thức ăn thừa, 19% do vận chuyển lợn sống và chế phẩm từ lợn giữa các vùng.

Từ thực tiễn đó tỉnh Hà Tĩnh đã huy động mọi lực lượng ngoài việc chốt chặn, giám sát việc buôn bán vận chuyển lợn, thức ăn, sản phẩm từ lợn còn tiến hành tiêu độc khử trùng ở các khu chăn nuôi, khu dân cư. Tại các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Kỳ Anh chính quyền đã bỏ kinh phí mua hàng trăm lít hóa chất, các xã mua vôi bột để tiến hành tiêu độc, khử trùng.

Tại các lò mổ tập trung, chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật, lực lượng thú y giám sát thường xuyên và hướng dẫn chủ lò mổ, ban quản lý chợ phải vệ sinh môi trường, phun hóa chất để ngăn dịch bệnh.

Tỉnh Hà Tĩnh khuyến cáo vào thời điểm này người chăn nuôi không tái đàn, tăng đàn tại các vùng có mật độ chăn nuôi cao, nơi có nguy cơ xảy ra dịch lớn. Chủ động chăn nuôi khép kín, tự sản xuất giống và chăn nuôi an toàn.

Ngoài ra, Ủy ban nhân tỉnh Hà Tĩnh ban hành công điện khẩn cấp phòng chống dịch tả lợn châu Phi yêu cầu sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố triển khai các giải pháp đồng bộ ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào địa bàn và chỉ đạo chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan khẩn trương có các biện pháp chống dịch tả lợn châu Phi. Khi xuất hiện dịch địa phương nào dấu dịch, không báo cáo kịp thời thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh.

* Sơn La: Tính đến ngày 16/3, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã xuất hiện thêm 2 ổ dịch tả lợn châu Phi tại bản Nà La A, xã Mường Bám, huyện Thuận Châu và bản Pom Bẹ, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai. Trước đó, ngày 11/3, tại huyện Thuận Châu đã phát hiện 1 ổ dịch tại bản Huổi Ái, xã Mường É.

Trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, Ban chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tỉnh Sơn La đã tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đến nơi xảy ra dịch bệnh, chỉ đạo các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương thực hiện khoanh vùng ổ dịch, tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn. Cùng với đó thực hiện dọn dẹp, phun khử trùng tiêu độc trên trên diện rộng bảo đảm khống chế triệt để dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Thành Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, hiện trên địa bàn Thuận Châu lập rất nhiều chốt để kiểm dịch, xử lý phun khử trùng tẩy độc cho các phương tiện ra vào trên địa bàn không để dịch bệnh lây lan đến các vùng khác, nhất là các vùng trọng điểm liên quan đến trung tâm của huyện và thành phố.

Ngoài huyện Thuận Châu thì tất cả các huyện đều lập chốt để kiểm dịch và vận động nhân dân không vận chuyển, tiêu thụ lợn bệnh, công bố cũng như không giấu dịch.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sơn La Lừ Văn Trường cho biết thêm, ngành chức năng sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn. Cùng với đó hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi và cách chăm sóc để nâng cao sức khỏe cho đàn vật nuôi, nhất là đối với đàn lợn tại vùng bị dịch uy hiếp hoặc vùng giám sát.

Đối với việc tổ chức tiêu hủy, chôn lấp lợn, sản phẩm của lợn mắc dịch và vệ sinh tiêu độc khủ trùng môi trường bị dịch bệnh được hỗ trợ giá theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, chính quyền địa phương sẽ có hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi có gia súc bị tiêu hủy để hỗ trợ họ trong việc khôi phục sản xuất.

* Phú Yên: Vào thời điểm này, trên địa bàn huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên đang xuất hiện 3 điểm lợn mắc bệnh lở mồm long móng. Do trong cùng thời điểm dịch tả lợn châu Phi nên địa phương phải nỗ lực khống chế bệnh không cho lây lan sang phạm vi rộng.

Ổ bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn được phát hiện mới nhất vào ngày 14/3/2019 tại trại chăn nuôi của bà Lương Thị Đậm, thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa. Tổng số đàn lợn có hơn 40 con; trong đó có 18 con mắc bệnh nặng đã buộc phải tiêu hủy ngay. Số còn lại đang được theo dõi điều trị. Hơn 10 con lợn mắc bệnh lở mồm long móng ở 2 xã khác là Hòa Trị và Hòa Quang Nam cũng đã được tiêu hủy.

Bà Lương Thị Đậm, thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa cho biết: Đàn lợn tự nhiên bỏ ăn, miệng chảy dãi và đi lại khó khăn. Nghi có dấu hiệu lợn bị bệnh lở mồm long móng, gia đình đã báo ngay cho cán bộ Thú y ở xã. Khi được yêu cầu phải tiêu hủy số lợn bị mắc bệnh, gia đình cũng chấp nhận để tránh lây lan rộng sang những con lợn khác và các hộ chăn nuôi xung quanh.

Bệnh lở mồm long móng trên lợn xuất hiện tại các xã của huyện Phú Hòa là do diễn biến thời tiết ở thời điểm này có nhiều khác biệt. Lợn được chăn nuôi ở quy mô hộ gia đình nên chưa đảm bảo vệ sinh chuồng trại; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng thấp.

Theo ông Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng Trạm Thú y huyện Phú Hòa, mặc dù Nhà nước chỉ hỗ trợ vắc xin lở mồm long móng để tiêm cho trâu, bò còn lợn thì hộ chăn nuôi tự mua và không chủ động tiêm phòng. Nhiều hộ chăn nuôi còn có tâm lý chủ quan cho rằng chăn nuôi lợn chỉ trong khoảng thời gian 3 đến 4 tháng nên bệnh khó xảy ra. Chính vì thế, khi bệnh xuất hiện thì các hộ này trở tay không kịp.

Hiện nay, Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên đã cấp hỗ trợ huyện Phú Hòa 800 lít thuốc tiêu độc khử trùng để kịp thời khống chế bệnh lở mồm long móng. Bên cạnh đó, nhiều biện pháp khác cũng được chính quyền địa phương triển khai đồng loạt.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa khẳng định: Việc địa bàn huyện Phú Hòa xuất hiện các ổ bệnh lở mồm long móng cùng với thời điểm nhiều địa phương trên cả nước có dịch tả lợn châu Phi là rất nguy hiểm.

Để tránh tình trạnh dịch bệnh xâm nhập và bùng phát mạnh, UBND huyện đã yêu cầu trạm Thú y tổ chức tiêu hủy tất cả đàn lợn bị mắc bệnh lở mồm long móng và thực hiện hỗ trợ cho người chăn nuôi theo quy định của Nhà nước.

Ngoài ra, tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng ở những vùng chăn nuôi tập trung; những địa phương có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng trên đàn lợn thấp.

Đặc biệt, tuyên truyền vận động người dân không nên giấu bệnh và tự điều trị; không vứt xác lợn chết ra ngoài kênh mương, sông, suối; không buôn bán, vận chuyển lợn bị nhiễm bệnh hoặc không rõ nguồn gốc ra, vào địa phương.

Đến thời điểm hiện nay, các điểm mắc bệnh lở mồm long móng tại huyện Phú Hòa không phát sinh mới lợn bị bệnh. Địa phương đang theo dõi sát sao và tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng tại khu vực nuôi có lợn mắc bệnh 2 ngày một lần. Tại các xã Hòa Quang Nam và xã Hòa Trị bệnh chưa qua 21 ngày nên chưa cho phép người chăn nuôi tái đàn.

Nhóm PV tại các địa phương (TTXVN)
Huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn công bố dịch tả lợn châu Phi 
Huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn công bố dịch tả lợn châu Phi 

Chiều tối 15/3, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Đặng Ân đã ký Quyết định số 1170/QĐ-UBND về việc công bố dịch tả lợn Châu Phi tại thôn Nà Lùng, xã Xuân Mãn, huyện Lộc Bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN