Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), sau khi đưa vào vận hành đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã phá vỡ mọi kỷ lục trước đó với 256.126 hành khách đi tàu từ ngày 8 đến hết ngày 11/8; trong đó, ngày 11/8 (Chủ nhật) là ngày cao điểm nhất, đoàn tàu xác lập kỷ lục vận chuyển trên 100.000 hành khách đi tàu, trong khi kỷ lục xác lập trước đó của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là 58.000 hành khách.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vận hành 10 đoàn tàu liên tục trên đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, sử dụng công nghệ hàn liền đảm bảo tốc độ chạy tàu cao, chống ồn, chống rung và lắp đặt các thiết bị chống trật bánh tàu. Tàu được thiết kế theo công nghệ mới, tiêu chuẩn châu Âu, trang bị đầy đủ các tiện nghi hiện đại như hệ thống điều hòa không khí, thông gió, hệ thống loa, camera trong tàu và phía trước tàu. Tàu được chiếu sáng bằng đèn LED, tự động điều chỉnh độ sáng đối với đoạn trên cao và đoạn đi ngầm. Trên các toa tàu có không gian dành cho xe lăn của người khuyết tật, ghế ngồi dành riêng cho người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em. Đặc biệt, nhà ga thiết kế theo không gian mở, hai bên nhà ga có cửa đón gió tự nhiên nên trên các nhà ga không sử dụng điều hòa.
Trong những ngày đầu vận hành, theo đánh giá của người dân, công tác quản lý, vận hành tàu bảo đảm an toàn, đúng thời gian và tạo sự hài lòng cho hành khách. Trên suốt lộ trình từ các nhà ga đến công tác vận hành tàu được nhân viên nhà ga, lái tàu thực hành thuần thục, nhân viên Hanoi Metro hướng dẫn hành khách mua vé, lên tàu tận tình, chu đáo. Các khâu soát vé, lên xuống tàu… đều được tự động hóa. Các nhân viên Hanoi Metro túc trực 24/24h để hướng dẫn và đảm bảo an toàn cho hành khách.
Theo các nhân viên trực tại các ga tàu, người dân đi trải nghiệm tàu Nhổn - ga Hà Nội rất đông, đông nhất là các ngày cuối tuần và vào buổi tối, sau giờ làm việc và tập trung chủ yếu lên tàu ở ga Cầu Giấy và ga Nhổn. Đáng lưu ý vẫn còn nhiều hành khách thiếu ý thức đảm bảo an toàn cho bản thân, cố nhoài người để chụp ảnh khi đoàn tàu lao đến hoặc đứng sát mép ranh giới đường ray rất nguy hiểm, các nhân viên ở đây phải liên tục nhắc nhở.
Theo quan sát, hành khách đi tàu Nhổn - ga Hà Nội trong những ngày đầu tuần chủ yếu là học sinh, sinh viên và những người trẻ đi trải nghiệm, xen lẫn một số hành khách là người cao tuổi và người đi làm.
Chị Nguyễn Thị Thúy ở huyện Đan Phượng, công tác tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội lên tàu Nhổn - ga Hà Nội để đến trường Đại học Thương mại, sau đó bắt xe khách về Hà Nam. “Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội gợi cho tôi nhớ lại kỷ niệm đi tàu điện bên Australia, tàu giống nhau đều khang trang, hiện đại, đảm bảo an toàn cho hành khách. Từ khi mua vé đến lúc lên tàu rất thuận lợi, nhà ga có thang máy nên cả người già, trẻ em đều có thể di chuyển được”, chị Nguyễn Thị Thúy chia sẻ.
Mấy hôm nay, ngày nào chị Nguyễn Thị Thu Hương ở Cầu Diễn cũng đưa cậu em đi tàu Nhổn - ga Hà Nội để quen lộ trình từ nhà đến ga ở Đại học quốc gia. “Cháu rất vui khi đi tàu này vì thấy rất tiện. Tàu hiện đại, đi rất nhanh chứ không như đi ở dưới đường sẽ bị ùn tắc. Cháu sẽ rủ thêm bạn thân để đi học hàng ngày”, bé Dương Gia Huy, 11 tuổi, học trường Trung học cơ sở Nguyễn Tất Thành hồ hởi nói.
Cùng với nhóm bạn trò chuyện rôm rả trên tàu, em Phạm Đức Hảo, sinh viên Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Giao thông vận tải vui vẻ cho biết, nhà ở ga Chùa Hà nên từ khi có tuyến đường sắt này việc đi học của em thuận tiện hơn rất nhiều. Trước đây đi học bị tắc đường, nay đi tàu trên cao rất nhanh nên không còn cảnh đó nữa. So với các loại hình giao thông công cộng, đây là phương tiện giao thông hiện đại, thuận lợi nhất. “Cháu nghĩ tương lai cần phát triển nhiều tuyến hơn. Lượng người đi tàu rất đông, mong mọi người có ý thức chấp hành trật tự trong và ngoài bến, đảm bảo an toàn là trên hết”, bạn sinh viên Đại học Giao thông vận tải bày tỏ.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có ý nghĩa rất lớn đối với các sinh viên trong việc di chuyển đi lại. Đoạn tàu điện trên cao chỉ dài 8,5 km nhưng đi qua 11 trường đại học gồm: Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Thương mại, Đại học Sư phạm Hà Nội, 6 trường thành viên của Đại học quốc gia Hà Nội (Đại học Công nghệ, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Kinh tế, Đại học Giáo dục, Đại học Y Dược, Đại học Luật); Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Đại học Giao thông vận tải.
Trong 15 ngày đầu, khách đi tàu sẽ được miễn phí. Sau 15 ngày miễn phí, tàu Nhổn - ga Hà Nội sẽ có giá vé tháng phổ thông là 200.000 đồng, vé ưu tiên giảm 50% cho hành khách là học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, hành khách mua theo hình thức tập thể từ 30 người trở lên có giá 140.000 đồng. Vé ngày 24.000 đồng, có thể đi toàn tuyến trong ngày. Vé qua các ga dọc đường từ 8.000 - 12.000 đồng.
Cùng với việc đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, Hà Nội đã kết nối 36 tuyến buýt đang hoạt động với tuyến đường sắt này, trong đó có 33 tuyến trợ giá gồm: Tuyến số 05, 07, 09A, 09B, 13, 16, 20A, 20B, 24, 26, 27, 28, 29, 32, 34, 38, 39, 49, 51, 55A, 55B, 57, 90, 92, 105, 117, 146, 161, 162, 163, E05, 56A, 96 và 3 tuyến không trợ giá 70A, 70B, 70C. Dọc tuyến cũng có 2 điểm trung chuyển khách là Cầu Giấy và Nhổn. Bên cạnh đó, có 32 điểm dừng xe buýt (chiều Cầu Giấy - Nhổn 16 điểm dừng; chiều Nhổn - Cầu Giấy 16 điểm dừng). Đáng chú ý, hiện tại 8 ga tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội kết nối với điểm dừng xe buýt gần nhất với khoảng cách từ 0 - 50 m, khá thuận tiện cho người dân.
“Trong số hành khách đi tàu Nhổn - ga Hà Nội có nhiều học sinh tiếp cận tàu bằng xe đạp gấp gọn, đưa lên tàu sau đó xuống tàu sẽ sử dụng để đến trường. Đây là một sáng kiến hay và rất linh hoạt”, một nhân viên Hanoi Metro cho biết.
Hiện nay, đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đang thời gian miễn phí, thu hút rất đông người dân Thủ đô và các địa phương đi trải nghiệm. Hy vọng, với các giải pháp kết nối với các loại hình vận tải công cộng khác, tàu Nhổn - ga Hà Nội tiếp tục xác lập được những kỷ lục khi chính thức bán vé.