Theo bà Đỗ Thị Huyền, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội, dự án có sự tham gia của các thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh học sinh tại 13 trường tiểu học và THCS tại quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh.
Bà Đỗ Thị Huyền chia sẻ: “Trẻ em là thế hệ của tương lai đã và đang có cái nhìn trong sáng và tích cực về một thế giới ngày mai. Những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ là những người tạo ra sự thay đổi, cho một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, người khuyết tật.
Sáng kiến “Nâng cao nhận thức và thúc đẩy tuyên truyền về Luật Người khuyết tật cho trẻ em tại quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh” là một trong những dự án mà Hội Người khuyết tật TP Hà Nội đã thực hiện với sự tài trợ từ Quỹ Thúc đẩy sáng kiến tư pháp (Quỹ JIFF) với đối tượng tập trung là học sinh”.
Một trong những hoạt động nổi bật của dự án là cuộc thi “Hình ảnh người khuyết tật qua góc nhìn nghệ thuật”, do Hội Người khuyết tật TP Hà Nội tổ chức từ tháng 12/2023 – 2/2024.
“Tất cả các em học sinh của 13 trường tại 2 địa bàn của dự án đã tham gia cuộc thi này. Số lượng tranh tham dự đạt được 1.200 tác phẩm, vượt xa kỳ vọng ban đầu là 400 tác phẩm. Điều này chứng tỏ sự quan tâm và mong muốn tham gia cuộc thi từ các bạn học sinh đối với chủ đề của cuộc thi”, bà Đỗ Thị Huyền cho biết.
Cuộc thi không chỉ là cơ hội để các em học sinh thể hiện khả năng nghệ thuật của bản thân, mà còn là một cơ hội để cộng đồng hiểu rõ hơn về cuộc sống và ý nghĩa của sự đa dạng trong xã hội. Trong cuộc thi này, các tác phẩm đã đưa ra những câu chuyện đầy ý nghĩa về cuộc sống của những người khuyết tật, của học sinh khuyết tật trong xã hội và trong chính cuộc sống xung quanh các em, thông điệp về một xã hội hòa nhập và bình đẳng cho tất cả mọi người.
Tiếp đó, cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về Luật Người khuyết tật” đã thu hút được hơn 3.000 người tham gia từ khắp mọi miền đất nước như: từ Hà Nội, Thanh Hoá, Bạc Liêu, TP Hồ Chí Minh.
“Chúng tôi tin rằng, người khuyết tật ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ gia đình, cộng đồng, nhà trường, chính quyền địa phương các cấp… để ngày càng có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội, tiếp cận công trình giao thông, tiếp cận giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe… Từ đó, người khuyết tật cũng sẽ tích cực chủ động tham gia, tìm kiếm các giải pháp để phát triển bản thân và hòa nhập, cũng chính là góp phần đóng góp cho sự phát triển của xã hội”, bà Đỗ Thị Huyền cho hay.
Em Tường Vi, đến từ Trường chuyên biệt Bình Minh chia sẻ: "Cuộc thi vẽ tranh mang đến cho em nhiều niềm vui, được thể hiện sự sáng tạo, đam mê cá nhân. Em muốn có nhiều cuộc thi, dự án cho người khuyết tật hơn nữa".
Bà Đỗ Thị Thuý Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xá (huyện Đông Anh) cho biết: "Dự án dù triển khai khá gấp, nhưng đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của các trường. Chúng tôi mong muốn tiếp tục có những dự án để các em chịu nhiều thiệt thòi được tiếp cận thông tin, hưởng quyền lợi chính sách từ Nhà nước, cộng đồng".