Theo đó, cho phép người dân kinh doanh trên vỉa hè phía Nam đường Phan Đăng Lưu (phường Trường Thi), đoạn từ điểm giao với đường Lương Thế Vinh đến điểm giao với đường Phong Định Cảng. Đường Nguyễn Phong Sắc (phường Hưng Dũng), cho phép kinh doanh trên vỉa hè phía Đông, đoạn từ điểm giao với đường Tôn Thất Tùng đến điểm giao nhau với đường Nguyễn Sỹ Sách kéo dài.
Mức giá cho thuê vỉa hè là từ 25 - 50 ngàn đồng/m2/tháng. UBND các phường Trường Thi và Hưng Dũng tổ chức thu tiền thuê vỉa hè và nộp vào ngân sách của phường để phục vụ cho việc thuê kẻ vạch sơn trên vỉa hè, quản lý trật tự đô thị, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa vỉa hè thường xuyên và chăm sóc cây xanh trên tuyến đường thí điểm.
Đường Phan Đăng Lưu được thí điểm vỉa hè phía Nam, đoạn từ điểm giao với đường Lương Thế Vinh đến điểm giao với đường Phong Định Cảng. Ảnh: baonghean.vn |
Phần thí điểm cho phép kinh doanh được bố trí phía trong cùng (giáp chỉ giới đường đỏ, phía nhà dân) chiều rộng khoảng 3-4 m. Phần dành cho người đi bộ nằm giữa vỉa hè, có chiều rộng khoảng 2-3 m và không vướng các chướng ngại vật như cây xanh, cột điện, biển quảng cáo có phép. Phần vỉa hè ngoài cùng cho phép đỗ ô tô, xe máy.
Ông Lê Sỹ Chiến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh cho biết: Các tuyến đường thành phố Vinh có vỉa hè rất rộng. Vì vậy, thành phố mạnh dạn thí điểm việc cho thuê vỉa hè ở một số đoạn trên hai tuyến phố Nguyễn Phong Sắc và Phan Đăng Lưu để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của người dân.
Việc cho thuê vỉa hè để kinh doanh sẽ ưu tiên cho các hộ dân "bám mặt đường" sử dụng một phần vỉa hè phía trước nhà để kinh doanh hoặc cho thuê lại để kinh doanh. Các đoạn vỉa hè trước hàng rào doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp phải đưa ra tiêu chí cụ thể, cần thiết có thể tổ chức thông báo đấu giá cho thuê vỉa hè. Những hộ được kinh doanh vỉa hè phải đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường, cảnh quan, không gian; nếu xâm phạm phần diện tích vỉa hè dành cho người đi bộ thì sẽ thu hồi giấy phép.
Cơ quan chức năng sử dụng sơn dẻo nhiệt, màu vàng để kẻ vạch trên vỉa hè phân định phần cho phép kinh doanh, phần dành cho người đi bộ, phần cho phép đỗ ô tô, xe máy. Theo dự kiến, kinh phí để thực hiện việc này trên các tuyến đường toàn thành phố Vinh là khoảng 8 tỷ đồng.
"Nếu triển khai thí điểm thành công, thành phố Vinh sẽ xem xét nhân rộng trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp trên vỉa hè; đảm bảo về tầm nhìn, diện tích dành cho người đi bộ. Việc nhân rộng cũng được cân nhắc chứ không phải tuyến phố nào cũng triển khai" - ông Lê Sỹ Chiến cho biết thêm.
Hiện nay, thành phố Vinh đang nỗ lực trở thành một đô thị hiện đại, trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung bộ. Thực hiện đề án “Phát triển hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị thành phố Vinh giai đoạn 2014 - 2020”, thành phố đang tập trung đầu tư xây dựng vỉa hè 18 tuyến đường; tổ chức thực hiện tốt việc giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, vỉa hè trên địa bàn thành phố Vinh và thực hiện Năm trật tự đô thị 2017.
Thành phố Vinh cũng tiến hành hoàn chỉnh quy hoạch phân khu phường, xã trình UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt; cắm mốc quy hoạch các tuyến đường giao thông chính; đầu tư xây dựng hoàn thành một số công trình quan trọng như: Đại lộ Vinh - Cửa Lò 95m, đường 72m, đường Lê; triển khai xây dựng 4 bãi đậu xe cấp thành phố, công trình vệ sinh công cộng trên các tuyến phố chính và xây dựng nhà tang lễ, nhà hỏa táng.
Đồng thời, đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng trên 45 tuyến đường; làm tốt công tác bảo dưỡng thường xuyên hệ thống điện chiếu sáng; kịp thời phát hiện và sửa chữa hệ thống điện chiếu sáng khi có sự cố hư hỏng; tiếp tục cải tạo, thanh lý một số cây xanh không phù hợp quy hoạch trên các tuyến phố chính.
Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục người dân có trách nhiệm bảo vệ cây xanh công cộng, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân cố tình hủy hoại cây xanh; thường xuyên thu gom rác thải các loại trên lòng đường, vỉa hè, vận động, kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân tham gia tự quản vệ sinh môi trường trước phạm vị vỉa hè, trước đơn vị và nhà mình.