TP Hồ Chí Minh nâng cao vai trò của công đoàn để bảo vệ người lao động

Theo đại diện Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, cán bộ công đoàn phải gần gũi, thấu hiểu, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động để nâng cao vai trò của mình.

Chú thích ảnh
Trong các doanh nghiệp, cán bộ công đoàn là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động.

Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần

Ngày nay, vai trò đại diện của tổ chức công đoàn không chỉ là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người lao động, mà còn phải bảo vệ quyền lợi của người lao động khi bị xâm phạm, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định sản xuất, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, người lao động yên tâm lao động sản xuất.

Luật gia Dương Văn Thuận, Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua trung tâm đã giúp ông Nguyễn Huỳnh Phát và nhiều lao động khác đòi quyền lợi gần 510 triệu đồng tại công ty chuyên lĩnh vực chuyển phát nhanh (quận Bình Thạnh), do Công ty này chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định. Qua đó cho thấy, việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong các tranh chấp lao động đóng một vai trò quan trọng, tạo được niềm tin của người lao động đối với cán bộ công đoàn. 

"Bên cạnh việc tư vấn pháp luật giúp người lao động hiểu rõ, nắm được các quy định của pháp luật, Trung tâm còn tham gia tố tụng tại tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm với hai tư cách chủ yếu: Người đại diện theo ủy quyền của người lao động và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Mặt khác, để bảo vệ được người lao động, chính người cán bộ công đoàn cần nắm vững các quy định về pháp luật lao động, quy định về tố tụng, kỹ năng giải quyết vụ án để bảo vệ được người lao động tại tòa án đạt hiệu quả cao nhất", ông Dương Văn Thuận cho biết thêm.

Chú thích ảnh
 Người lao được mua quần áo miễn phí trong Gian hàng "quần áo 0 đồng" do cán bộ công đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức. 

Tương tự, LĐLĐ huyện Hóc Môn đã đại diện theo ủy quyền của 11/39 công nhân Công ty May Kim Long (xã Đông Thạnh) khởi kiện chủ doanh nghiệp ra Tòa án nhân dân huyện Hóc Môn vì nợ tiền Bảo hiểm xã hội của công nhân lao động, với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Kết quả, người lao động đã thắng kiện. Để có được kết quả có lợi cho người lao động này, trước đó LĐLĐ huyện Hóc Môn đã phân công cán bộ công đoàn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan Bảo hiểm xã hội, thu thập dữ liệu nợ bảo hiểm của doanh nghiệp, tham vấn các cơ quan pháp luật để chuẩn bị hồ sơ khởi kiện. Ngoài ra, cán bộ công đoàn luôn bám sát vụ kiện để nắm chắc tình hình tại đơn vị trong quá trình khởi kiện, thi hành án… nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người lao động theo quy định. 

Ông Kim Vĩnh Cường, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân) cho biết, đầu năm 2023, tình hình kinh tế thế giới gặp khó khăn, khiến áp lực đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh. Đơn hàng của Công ty Pou Yuen bị giảm sâu, công ty buộc phải thu hẹp, sắp xếp lại sản xuất. Để bảo vệ quyền lợi của người lao động, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở Công ty Pou Yuen đã chủ động thảo luận với Ban giám đốc về việc luân phiên sắp xếp người lao động nghỉ theo Điều 99 của Bộ luật Lao động nhằm chia sẻ khó khăn với công ty, vừa bảo đảm công việc, cuộc sống người lao động ổn định. Ngoài ra, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở đã đề nghị Ban giám đốc thực hiện thỏa thuận cho người lao động nghỉ hưởng lương tối thiểu vùng; kiến nghị Ban giám đốc hỗ trợ những người lao động bị giảm biên chế mỗi năm làm việc là một tháng lương hợp đồng.

Ông Cường cho biết,  sau ba lần thương lượng và trao đổi, Ban giám đốc doanh nghiệp đã thống nhất hỗ trợ cho người lao động nghỉ việc mỗi năm làm việc là 0,8 tháng lương hợp đồng lao động, hỗ trợ trả lương cho người lao động trong thời gian báo trước. Kết quả trong năm 2023, doanh nghiệp này đã sắp xếp cho 9.535 công nhân lao động nghỉ việc, giảm biên chế do không có đơn hàng, thu hẹp sản xuất với tổng kinh phí mà doanh nghiệp trợ cấp cho người lao động là hơn 1.200 tỷ đồng.

Cán bộ công đoàn là người bạn gần gũi

Theo ông Nguyễn Đình Cường, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Thủ Đức, trong một đơn vị doanh nghiệp, cán bộ công đoàn phải thực sự là đồng chí, đồng nghiệp, người bạn gần gũi thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của đoàn viên, người lao động, từ đó kịp thời chăm lo và hỗ trợ người lao động.

Mặt khác, khi cán bộ công đoàn tạo được sự gắn kết, tin tưởng của đoàn viên, người lao động với tổ chức công đoàn sẽ vừa giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, vừa hỗ trợ tốt nhất cho người lao động khi gặp khó khăn. 

Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòa, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết, ngày nay, đối thoại và thương lượng tập thể có một vai trò quan trọng trong bảo vệ quyền lợi và chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, cán bộ công đoàn thường xuyên biến động, chưa được đào tạo chuyên sâu về thương lượng tập thể nên kỹ năng thương lượng tập thể chưa thành thạo, điều này cũng khó giúp người lao động bảo vệ quyền lợi trong doanh nghiệp. Ngoài ra, một số cán bộ công đoàn chưa thể hiện được bản lĩnh, vai trò của mình đối với người sử dụng lao động để bảo vệ người lao động.

“Vì vậy, muốn bảo vệ người lao động, cán bộ công đoàn cần phải xem nhiệm vụ đối thoại và thương lượng tập thể với người sử dụng lao động là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách nhất, là mặt trận hàng đầu cần thực hiện hiệu quả quyền và bảo vệ chính đáng cho người lao động. Khi quyền lợi của người lao động được bảo vệ thì các công đoàn cơ sở mới thu hút, duy trì số lượng đoàn viên hăng hái tham gia các tổ chức công đoàn”, ông Nguyễn Đình Hòa cho biết thêm. 

Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh, tổ chức công đoàn Việt Nam đang đứng trước những thời cơ nhưng cũng có nhiều thách thức chưa có tiền lệ khi có tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp ra đời, hoạt động song song với tổ chức công đoàn cơ sở.  Điều này đòi hỏi các cán bộ công đoàn, nhất là ở cơ sở càng phải nỗ lực nhiều hơn, gần gũi hơn và thấu hiểu hơn để chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Do đó, cần phải tăng cường đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng hoạt động cho cán bộ công đoàn tại cơ sở để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Công đoàn viên chức Việt Nam và Bộ Nội vụ ký kết thúc đẩy cải cách hành chính
Công đoàn viên chức Việt Nam và Bộ Nội vụ ký kết thúc đẩy cải cách hành chính

Chiều ngày 13/3 tại Hà Nội, Công đoàn Viên chức Việt Nam và Bộ Nội vụ đã tổ chức lễ ký kết Kế hoạch phối hợp công tác năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN