Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Lý, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), cho biết: Hiện nay, tình trạng xả rác ra môi trường rất đáng lo lắng. Hành động vứt rác chỉ chiếm 1% trong tổng số hoạt động mỗi ngày của mọi người; nhưng để xử lý các loại rác này rất tốn kém, từ tiền trả nhân công, tiền vận chuyển, tiền xử lý đến tiền đất, tiền quản lý. Ngoài ra, nhiều người dân ỷ lại chỉ cần đóng một khoản tiền cố định cho nhà nước trong mỗi tháng và muốn xả rác bao nhiêu tùy thích, chưa thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Trong khi đó, ở các nước phát triển, người dân rất ý thức trong việc phân loại rác tại nguồn và có quy định xả rác bao nhiêu thì phải trả tiền thu gom rác bấy nhiêu. Như tại Hàn Quốc, đất nước này đang làm rất tốt công tác phân loại rác tại nguồn nên việc xử lý rác ít tốn kém. Riêng thủ đô Seoul của Hàn Quốc đã trở thành thành phố không rác.
Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, tại TP Hồ Chí Minh đã có quy định về việc phân loại rác tại nguồn trong hộ gia đình, khu dân cư, nhưng đến nay vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân một phần, người dân phân loại rác xong nhưng cuối cùng cũng dồn về một chỗ rồi đem chôn lấp. Đối với giải pháp đốt rác TP Hồ Chí Minh đang hướng tới, còn nhiều chuyện phải bàn vì khoảng 70% là rác hữu cơ - loại rác có hàm lượng nước cao và rác hỗn hợp lớn. Do đó, nếu đốt rác sẽ không hiệu quả như mong muốn và không khả thi vì phải cần rất nhiều năng lượng, chưa kể là ô nhiễm không khí.
“Vì vậy, để giảm việc xả rác ra môi trường, người dân cần đẩy mạnh thực hiện phân loại rác tại nguồn. Khi đó, rác hữu cơ có thể tái chế để thành khí đốt, phần còn lại đem đi đốt sẽ bảo đảm tính hiệu quả. Ngoài ra, do chi phi đốt rác khá cao nên chúng ta cần cân đối với các giải pháp khác giá thành thấp hơn mà vẫn hiệu quả. Giải pháp đó chính là quyết liệt phân loại rác tại nguồn thông qua cách làm đồng bộ, từ khâu đầu đến khâu cuối", bà Nguyễn Ngọc Lý kiến nghị.