Tỉnh lộ 665 có chiều dài gần 66 km, đi qua các xã Ia Băng, Ia Tôr, Ia Pia, Ia Me, Ia Ga và xã Ia Mơr, điểm cuối giáp với tuyến đường tuần tra biên giới khu vực gần Đồn biên phòng Ia Mơr (Đồn biên phòng 729) huyện Chư Prông. Do hư hỏng nên tuyến đường này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại của người dân các xã Ia Lâu, Ia Piơr.
Tuyến đường này được đưa vào sử dụng từ năm 2003, theo diện đường cấp phối đất, rải nhựa ở các khu dân cư. Qua một thời gian sử dụng, đến năm 2012, con đường bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp.
Anh Diệp Tân Niên (sinh năm 1983, trú xã Ia Tôr, huyện Chư Prông) cho biết, bản thân anh và gia đình đã sinh sống tại xã Ia Tôr, cạnh Tỉnh lộ 665 gần 20 năm nay. Song từ khi tuyến đường này xuống cấp, mùa mưa thì lún, lầy, trơn trượt, học sinh đi học bị ngã nhiều, người dân sinh sống tại khu vực này đi lại rất vất vả.
“Nhà tôi làm rất nhiều cửa kính nhưng qua đồ đạc để trong nhà mà vẫn dơ bẩn, ăn uống cũng không ngon. Giờ chúng tôi rất mong các cấp chính quyền làm cho dân một con đường để đi lại sạch sẽ, cuộc sống bớt vất vả hơn”, anh Niên mong mỏi.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Hữu Cường (sinh năm 1954, trú xã Ia Băng) phản ánh, tuyến đường đã hư hỏng cách đây 6 - 7 năm, vì vậy tuyến đường này gây khó khăn trong việc đi lại của người dân, gây ô nhiễm môi trường với bùn, bụi lớn. Ông Cường có mở quán tạp hóa nhỏ bán ven đường, song thường xuyên phải đóng cửa để tránh bụi, bẩn bay vào nhà.
“Khi các đoàn tiếp xúc cử tri về, người dân chúng tôi có đề nghị làm lại con đường, nhưng chính quyền lại cho xe ủi xuống múc 2 bên đường đổ lên, khiến càng bùn, bụi hơn. Năm ngoái, bà con nói quá thì mới đổ đá, khiến đường càng lủng củng hơn. Bây giờ năm nào cũng như vậy, người dân chịu không nổi, làm sao mà sống được”, ông Cường bức xúc nói.
Phản ánh nhiều song tuyến đường chưa được sửa chữa, những hộ dân sinh sống hai bên đường chỉ còn cách đóng kín cửa, hoặc thường xuyên tưới nước để chống bụi. Thế nhưng, tất cả chỉ là giải pháp tạm thời.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Lê Văn Hạnh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai cho biết, từ năm 2016, tỉnh Gia Lai đã có chủ trương đầu tư, sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Tỉnh lộ 665, song do dự án sử dụng nguồn vốn nước ngoài nên việc đánh giá được thực hiện rất kỹ lưỡng. Dự kiến ban đầu sẽ tiến hành sửa chữa, nâng cấp từ năm 2017, rồi chuyển sang năm 2018, song đến nay vẫn chưa được tiến hành.
“Từ năm 2016, Sở Giao thông Vận tải đã đề nghị sửa chữa tuyến đường. Tuy nhiên, tuyến đường này do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư, nên Sở Giao thông Vận tải xin được nguồn kinh phí khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm, phục vụ cho việc bảo dưỡng, đắp đất tạm thời để cho người dân đi lại”, ông Hạnh thông tin.
Trong khi đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa Tỉnh lộ 665 thuộc Tiểu dự án tỉnh Gia Lai - Dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới, được Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ký quyết định 734/QĐ-UBND, trên cơ sở Quyết định số 739/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục Dự án “Hỗ trợ phát triển khu vực Biên giới”.
Tiểu dự án tỉnh Gia Lai có 3 đầu ra; trong đó, đầu ra 1 là nâng cấp, cải tạo, sửa chữa Tỉnh lộ 665 với tổng chiều dài gần 6 km theo tiêu chuẩn đường cấp IV. 2 đầu ra còn lại của Tiểu dự án là xây dựng kế hoạch và thiết bị tạo thuận lợi cho giao thông vận tải và thương mại (TTF) tập trung vào phát triển toàn diện; nâng cao năng lực thể chế về lập kế hoạch đầu tư của khu vực tam giác phát triển (DTA), thiết kế và thực hiện dự án và quản lý nguồn lực.
Tổng mức đầu tư của Tiểu dự án tỉnh Gia Lai là 22,1 triệu USD (tương đương hơn 510 tỷ đồng); trong đó, vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 20 triệu USD; vốn đối ứng 2,1 triệu USD.
Ông Hồ Phước Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, trong khoảng 510 tỷ đồng vốn đầu tư của Tiểu dự án tỉnh Gia Lai, dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa Tỉnh lộ 665 sẽ sử dụng khoảng 90%, tức 460 tỷ đồng. Song do vay vốn nước ngoài nên các thủ tục, quy trình làm lâu, mất thời gian 3 năm làm thủ tục vay vốn ADB, đến nay mới xong và vốn đã về. Tuy nhiên, khi vay về thì gặp phải vướng mắc, do dự án chưa được đưa vào danh mục đầu tư công. Tháng 12/2018, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua, và dự án sẽ được triển khai trong năm 2019.
“Nếu làm được đoạn đường này sẽ giúp thông thương giữa các xã khu vực biên giới như Ia Lâu, Ia Mơ cũng như Đồn biên phòng 729. Đặc biệt, chúng ta sẽ có sự kết nối với một số huyện của nước bạn Campuchia thông qua cửa khẩu phụ, đường mòn lối mở của Đồn 729, sẽ giúp cho nông dân hai nước rất tốt. Điều này nằm trong chương trình phối hợp giữa Việt Nam và Campuchia trong 13 tỉnh của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia mà ADB cho vay. Đồng thời, đúng với ý nghĩa trong tam giác phát triển, không chỉ các xã của tỉnh Gia Lai mà còn các xã của huyện Oyadav, tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia”, ông Thành nhấn mạnh.
Trên thực tế, với tổng chiều dài gần 66 km, dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa Tỉnh lộ 665 sẽ phải kéo dài ít nhất trong 3 năm. Hơn bao giờ hết, những người dân sinh sống dọc theo tuyến Tỉnh lộ này đang ngày đêm mong chờ dự án sớm được thực hiện. Bởi khi hoàn thành, tuyến đường này không chỉ giúp cho họ có được một cuộc sống đỡ vất vả hơn, mà còn tạo sự kết nối các tuyến dường bộ trong khu vực; đảm bảo an toàn giao thông, quá trình lưu thông hàng hóa, giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa, kết nối người sản xuất với thị trường, các xã nông nghiệp với các khu thương mại và hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế ở huyện biên giới Chư Prông, tỉnh Gia Lai.