Tình hình COVID-19 tuần 13-19/12: Số ca nhiễm mới mỗi ngày vượt 16.000, Hà Nội liên tục ở top đầu

Tuần 13-19/12 ghi nhận đà tăng của các ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2. Số nhiễm mới tại Hà Nội liên tục ở mức cao, nhanh chóng chạm mốc trên 1.400, thêm các địa bàn dừng bán hàng tại chỗ và không cho học sinh đến trường. Bộ Y tế đã đề xuất dừng các hoạt động đông người dịp Tết Âm lịch sắp tới. Trong tuần, cơ quan điều tra cũng công bố quyết định khởi tố vụ án và các bị can trong vụ nâng khống giá bộ kit xét nghiệm COVID-19.

Chạm mỗc 1.540.478 bệnh nhân COVID-19

Tính từ 16 giờ ngày 18/12 đến 16 giờ ngày 19/12, Việt Nam ghi nhận 16.110 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong đó có 17 ca nhập cảnh và 16.093 ca ghi nhận trong nước (tăng 210 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 10.542 ca trong cộng đồng). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.505 ca/ngày.

Chú thích ảnh

Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.540.478 ca nhiễm. Tính từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.534.979 ca, trong đó có 1.105.145 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày 19/12, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 10.799 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 1.107.962 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.587 ca.

Từ 17 giờ 30 ngày 18/12 đến 17 giờ 30 ngày 19/12, cả nước ghi nhận 215 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 29.566 ca,

Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người dịp Tết Âm lịch

Tuần từ 13-19/12, Bộ Y tế có công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo những nội dung về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian nghỉ Tết âm lịch.

Bộ Y tế nêu rõ, hiện nay nhiều địa phương vẫn ghi nhận số mắc COVID-19 hàng ngày trong cộng đồng, đặc biệt tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn. Ngoài ra, biến thể Omicron đang lan nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch.

Việc sinh hoạt, đi lại, giao thương của người dân trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch tuyệt đối tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Không tụ tập, Khai báo y tế và Khoảng cách) của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, theo Bộ Y tế.

Số nhiễm mới mỗi ngày lên 1.400 ca, Hà Nội thêm địa bàn dừng cho học sinh đến trường

Tuần từ 13-19/12, Hà Nội liên tục là địa phương đứng “top đầu” về số ca F0 được ghi nhận trong ngày. Riêng từ 18 giờ ngày 18/12 đến 18 giờ ngày 19/12, Hà Nội ghi nhận 1.400 ca F0; trong đó có 500 ca cộng đồng; 747 ca trong khu cách ly; 153 trong khu phong tỏa.

Chú thích ảnh
Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống dịch. Ảnh: TTXVN

Các ca nhiễm mới phân bố tại 252 xã, phường, thị trấn thuộc 27/30 quận, huyện. Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 27.053 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 10.265 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 16.788 ca.

Trong tuần 13-19/12, UBND TP Hà Nội thông báo về cấp độ dịch trên địa bàn TP Hà Nội". Theo đó, cập nhật đến 10 giờ ngày 17/12, toàn thành phố vẫn ở cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình). Tuy nhiên, số lượng các quận và xã, phường nâng lên cấp độ 3 đã tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó. Thêm 2 quận trung tâm thành phố là Đống Đa và Hai Bà Trưng lên mức độ cam (cấp độ 3). Thêm 25 xã, phường tăng cấp độ dịch lên mức 3.

Tại hai quận nội thành Đống Đa và Hai Bà Trưng, các cửa hàng bán hàng ăn uống tại chỗ và hoạt động thể dục ngoài trời được yêu cầu dừng để phòng dịch. Từ 12 giờ ngày 19/12, quận Hai Bà Trưng dừng bán hàng ăn uống tại chỗ và hoạt động thể dục ngoài trời; học sinh lớp 12 học trực tuyến tại nhà.

Trước tình trạng số ca nhiễm mới liên tục gia tăng trong cộng đồng, Sau khi UBND Thành phố Hà Nội công bố cấp độ dịch mới, ngày 19/12, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có thông báo tới các phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã; các trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội về việc tổ chức dạy học linh hoạt, thích ứng với cấp độ dịch COVID-19 tại địa bàn.

Theo thông báo này, địa bàn nào có mức độ dịch cấp 3 thì cho học sinh lớp 9 và lớp 12 tạm dừng đến trường học trực tiếp, chuyển sang phương án dạy, học trực tuyến kể từ ngày 20/12 cho đến khi có thông báo mới.

Khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can trong vụ nâng khống giá Kit xét nghiệm COVID-19

Trong tuần 13-19/12, thông tin được dư luận quan tâm là Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, nâng khống giá Kit xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.

Chú thích ảnh
Kit xét nghiệm COVID-19. Ảnh minh họa: TTXVN

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố 7 bị can, trong đó có Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương).

Kết quả điều tra bước đầu, để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/Kit; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phổ trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Đến nay, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán Kit xét nghiệm COVID-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng, Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng.

Ngày 17/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra các Quyết định khởi tố bị can đối với 7 đối tượng: Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á); Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á); Hồ Thị Thanh Thảo (thủ quỹ Công ty Việt Á, Cửa hàng trưởng Cửa hàng Âu Lạc); Phan Tôn Noel Thảo (Trợ lý Tài chính Công ty Việt Á); Trần Thị Hồng (nhân viên Kinh doanh Công ty Việt Á); Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương); Nguyễn Mạnh Cường (nguyên Kế toán trưởng CDC Hải Dương).

PV/Báo Tin tức
Bản lĩnh người lính trong chống dịch COVID-19
Bản lĩnh người lính trong chống dịch COVID-19

Quân đội nhân dân Việt Nam có 3 chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất. Cả 3 chức năng này đã được thể hiện rõ rệt trong đợt dịch thứ 4, khi dịch COVID-19 bùng phát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN