Trung tá chuyên nghiệp Phạm Văn Đệ - Y sỹ Đồn biên phòng Cửa Lân (BĐBP Thái Bình) gấp quân tư trang chuẩn bị lên đường vào các tỉnh phía Nam tham gia chống dịch COVID-19.

Trong những ngày gần đây, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng lên, nhất là trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh phía Nam. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Quân đội nhân dân Việt Nam đã và đang là lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trên khắp mọi miền Tổ quốc.  

Thiệp cưới đã in, hai gia đình đã ấn định “ngày lành tháng tốt” sẽ làm lễ cưới cho đôi bạn trẻ. Ấy vậy nhưng đã 2 lần Đại úy Lê Thừa Văn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị) cùng bạn gái là Nguyễn Thị Thu Thùy đã quyết định “hoãn” ngày vui hạnh phúc của mình để chú rể Lê Thừa Văn an tâm cùng đơn vị tham gia chống dịch COVID-19.  

Đại úy Lê Thừa Văn chia sẻ “Lúc đầu gia đình hai bên cũng có chút bất ngờ về quyết định của tôi, nhưng trước sự đồng lòng của tôi và người yêu,  gia đình đã chấp nhận hoãn ngày vui cho hai đứa”.

Trong hai năm qua đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng vũ trang phải gác lại niềm vui riêng, đặc biệt cũng có nhiều người nén đau thương không thể về chịu tang cha, mẹ và người thân khi quá cố. Những hy sinh ấy với những người lính không lấy gì bù đắp được. Nhận tin bố mất ở quê nhà, Thiếu tá Nguyễn Văn Long, Thuyền trưởng tàu CSB 6002, Hải đội 111, Hải đoàn 11 (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1) hai dòng lệ tuôn rơi lăn dài trên má mặn chát như nước biển.

Theo Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, trong khi đang thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật, chống nhập cảnh trái phép trên khu vực biển Vịnh Bắc bộ, Thiếu tá Long nhận được tin bố ở quê nhà qua đời vì bạo bệnh.

Trung tướng Lê Đức Thái - Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chia tay lực lượng quân y biên phòng lên đường vào các tỉnh phía Nam chống dịch COVID-19.

Dù trong lòng rất mong muốn được về quê chịu tang bố nhưng vì đang phải thực hiện nhiệm vụ ngoài khơi, hơn nữa công tác phòng, chống dịch COVID-19 đang ở thời kỳ cao điểm nên Thiếu tá Nguyễn Văn Long đành nén đau thương để tiếp tục công việc chỉ huy tàu làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát kết hợp chống dịch COVID-19. Do không thể về quê nhìn mặt bố lần cuối và chịu tang, để làm tròn đạo hiếu với bố tại nơi đang làm nhiệm vụ, Thiếu tá Nguyễn Văn Long chỉ biết cúi đầu bái vọng tiễn biệt bố từ khơi xa.

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Long, nhà anh chỉ có hai anh em, Long là con trai trưởng, sau anh còn một em gái. Gia đình anh ở xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Bố anh đã bị bạo bệnh từ lâu, mới phẫu thuật cắt dạ dày cách đây 2 tháng, anh không ngờ bố lại ra đi đột ngột ở tuổi 65 như vậy. Chỉ cách đây mấy ngày, anh có nói chuyện qua điện thoại với bố và hứa khi kết thúc chuyến công tác trên biển sẽ xin về thăm bố.  

"Nhận được tin bố qua đời đột ngột, bản thân lại là con trai trưởng trong gia đình, tôi thật sự rất buồn. Trong lòng muốn được về nhìn mặt bố lần cuối, nhưng vì nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển xa xôi cách trở, đặc biệt anh em trên tàu đang tập trung quan sát mặt biển, phát hiện, ngăn chặn kịp thời tình trạng nhập cảnh trái phép để góp phần vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt hiệu quả, tôi chỉ biết tiễn biệt bố từ xa. Giờ đây, tôi chỉ mong khi đưa tàu trở về cảng an toàn sẽ xin phép đơn vị về nhà thắp hương cho bố", Thiếu tá Nguyễn Văn Long ngậm ngùi chia sẻ.

Các chiến sỹ Trung đoàn 88, Sư đoàn 302 (Quân Khu 7) cùng với Ban Chỉ huy quân sự phường 8 (Quận 10 - TP Hồ Chí Minh) tặng lương thực, thực phẩm cho người lao động nghèo hẻm 139 Nguyễn Tiểu La.

Ngay trong những ngày đầu tháng 12/2021, thực hiện quyết định của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, các cán bộ, chiến sĩ, học viên của Học viện Quân y và 3 bệnh viện quân đội đã tổ chức lễ xuất quân, điều động 410 cán bộ, bác sĩ, học viên, nhân viên quân y tăng cường giúp các địa phương trên địa bàn Quân khu 7, Quân khu 9 phòng, chống dịch COVID-19.

Theo quyết định điều động, các cán bộ, bác sĩ, nhân viên, học viên quân y của các đơn vị trên được chia thành 133 tổ quân y, trong đó, 122 tổ quân y trực tiếp tham gia phòng, chống dịch tại địa bàn Quân khu 7. Lực lượng còn lại là các tổ hồi sức, truyền nhiễm được phân bố làm nhiệm vụ tại các tỉnh trên địa bàn Quân khu 9.

Bộ đội phòng hóa phun khử khuẩn phương tiện vận chuyển lực lượng hỗ trợ chống dịch tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: TTXVN phát

Nhiệm vụ chính của các tổ quân y là hỗ trợ địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; trực tiếp tham gia điều trị và chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà; phối hợp với lực lượng y tế địa phương phát hiện triệu chứng, hướng dẫn người dân phương pháp tự chăm sóc, điều trị; kịp thời phát hiện các F0 có diễn biến chuyển nặng để xử trí, cấp cứu kịp thời.

Được biết, hầu hết cán bộ, bác sĩ, nhân viên quân y được tăng cường phòng, chống dịch tại các tỉnh phía Nam lần này đều có kinh nghiệm, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức, ý thức kỷ luật tốt. Riêng Học viện Quân y, hầu hết các đồng chí tham gia phòng, chống dịch lần này đều là bác sĩ và sinh viên năm cuối; rất nhiều cán bộ, học viên đã từng tham gia tăng cường chống dịch tại tỉnh Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh.

Video tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 tại TP Hồ Chí Minh:

Trước đó, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trải qua giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 vô cùng phức tạp kể từ đầu tháng 5/2021 đến nay. Tất cả các cơ quan của hệ thống chính trị với người dân đều đang đối diện với những khó khăn chồng chất. Các lực lượng tuyến đầu làm việc hết sức mình không quản ngày đêm. Mệnh lệnh sống còn là phải quyết khống chế được dịch bệnh. Đó không chỉ là quyết tâm và mục tiêu cao nhất của riêng TP Hồ Chí Minh mà của cả các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Vì vậy, quyết định đưa Quân đội cùng phối hợp với các lực lượng chống dịch ở TP Hồ Chí Minh và các địa phương nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả giãn cách xã hội, khống chế dịch bệnh, ngăn ngừa những yếu tố bất ổn về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội là vô cùng đúng đắn và cần thiết.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng Cục Chính trị), ngay từ giai đoạn đầu dịch bùng phát ở Việt Nam, Quân đội luôn là đội quân nòng cốt, tích cực, chủ động tham gia phòng, chống dịch trên phạm vi cả nước với nhiều lực lượng, phương tiện, nhiều biện pháp quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả. Quân đội đã và đang đảm đương hàng loạt nhiệm vụ, từ kiểm soát biên giới, vận hành các khu cách ly tập trung, thực hiện khử khuẩn, tiến hành công tác hậu cần, tổ chức xét nghiệm và tiêm vaccine cho người dân, cho tới sàng lọc, điều trị và hỗ trợ hậu sự cho bệnh nhân tử vong.

Bộ đội vốn luôn được người dân tin yêu. Họ hành động vì nghĩa vụ, vì đất nước cần họ chứ không phải theo lựa chọn hoặc điều kiện. Họ lấy sự chính quy, thống nhất và kỷ luật của Quân đội để phụng sự nhân dân, từ những việc lớn như đánh giặc, cứu người, đến gặt lúa, dựng nhà, dọn dẹp, chuyển đồ, đỡ đẻ...

Ngày 26/7/2021, 500 cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 5 (Quân khu 7) lên đường hỗ trợ chống dịch tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: TTXVN phát

Suốt gần 2 năm qua, hơn 1.900 tổ, chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 đã kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép. Hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ đã căng mình nơi tuyến đầu chống dịch, từ biên giới, hải đảo đến khu cách ly, từ bệnh viện đến nhà hỏa táng... Họ chia cơm sẻ áo, nhường dân nơi ăn, chốn ở, vác tăng võng vào rừng; xông pha chống chịu mọi tai ương để bảo vệ nhân dân.

Tiễn và động viên lực lượng quân y tăng cường vào miền Nam chống dịch ngày 23/8 tại sân bay Nội Bài, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: Được Chính phủ giao, Quân đội quyết tâm bằng mọi cách, bằng mọi biện pháp, sử dụng mọi lực lượng, với khả năng của mình và vượt cả khả năng của mình, quyết tâm cùng với nhân dân TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai và các địa bàn có dịch khắc phục dịch triệt để và đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Quân đội tham gia vào công tác chống dịch tại các tỉnh, thành phố phía Nam từ việc thành lập các bệnh viện dã chiến; tăng cường các lực lượng để bảo đảm cho người dân không ra đường; cung cấp, vận chuyển vật tư y tế, tiêm vaccine phòng COVID-19, lo hậu sự....  

“Quân đội sẽ sử dụng lực lượng hiện có, cả không quân, cả vận tải bộ, vận tải thủy để hỗ trợ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác, bảo đảm cho người dân an toàn, để chúng ta phòng và chống được đợt dịch này”, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.  

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, không chỉ lực lượng nơi tuyến đầu, nhiều quân khu, quân đoàn, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành đã có cách làm sáng tạo, mô hình hay, thể hiện sâu sắc tình cảm tốt đẹp quân - dân "cá nước" như hiến máu tình nguyện, tổ chức các “Gian hàng 0 đồng”, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu cho các gia đình gặp khó khăn do dịch bệnh; phối hợp giúp nhân dân thu hoạch nông sản tại vùng dịch bệnh...

Người dân có hoàn cảnh khó khăn nhận những suất quà từ gian hàng 0 đồng do Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Ba Đình, Công ty Điện lực Hà Nội và các nhà hảo tâm trao tặng.

Đặc biệt, hình ảnh những chiến sĩ trẻ vừa kết thúc khóa huấn luyện, tay xách nách mang mớ rau, mớ tép, túi hành... đến từng nhà người dân trong khu phong tỏa... gây ấn tượng đẹp trong lòng dân. Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh.

Vì thế, Quân đội không chỉ làm nhiệm vụ chính yếu là huấn luyện, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, mà còn giúp nhân dân vượt qua dịch bệnh, thiên tai, thảm họa. Việc Quân đội tham gia phòng, chống dịch COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chính là sự tiếp nối của tinh thần gắn bó mật thiết giữa quân và dân Việt Nam trong lịch sử. Theo số liệu chưa đầy đủ, đã có khoảng 10.000 cán bộ, chiến sĩ, phương tiện trong lực lượng Quân đội hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Video: Lực lượng vũ trang phát túi quà an sinh tặng cho người dân TP Hồ Chí Minh:

Động viên các đội quân Nam tiến vì nhiệm vụ cao cả, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “Bộ đội sẽ chủ động đến với dân chứ không chờ dân khó khăn phải tìm đến bộ đội”.

Dẫu biết rằng, khi lên đường vào tâm dịch là phải đối diện với khó khăn, thử thách và cả hiểm nguy, thế nhưng, hàng trăm lá đơn tình nguyện vẫn được viết nên bằng bầu nhiệt huyết nóng bỏng. Trong số đó, có những người hiếm muộn chưa một lần được làm cha, có người hoãn cưới đến 2 lần, có người vợ sinh con chưa về thăm, có người bố mẹ mất chỉ lập bàn thờ vái vọng từ điểm chốt... Nay, các chiến sĩ lại sẵn sàng lên đường chia lửa với quân và dân phía Nam với tâm thế: Đây là nhiệm vụ chiến đấu của Quân đội trong thời bình, nêu cao tinh thần quyết tâm, phát huy phẩm chất đạo đức của người lính.

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trao những túi quà cho hộ nghèo, gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, lan rộng ở nhiều tỉnh, thành phố, trực tiếp tấn công người dân, cả dân tộc ta bước vào cuộc chiến không tiếng súng.  

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể và nhân dân cả nước đã vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, bất chấp mọi hiểm nguy, tất cả vì tính mạng, sức khỏe của nhân dân và an toàn của đất nước. Nòng cốt, tiên phong trong cuộc chiến cam go, ác liệt này là lực lượng tuyến đầu chống dịch gồm cán bộ nhân viên ngành y tế, Quân đội, Công an, cán bộ cơ sở các cấp…

Nhớ lại thời điểm đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh, nhân dân cả nước lại bước vào trận chiến đấu mới. Lớp lớp cán bộ, chiến sĩ quân y của các lực lượng trong quân đội lại lên đường.

Bộ đội đưa các túi quà an sinh phát tới gia đình có người cách ly y tế.

Trong những lúc cam go, bộ đội xông pha vào trận chiến, tham gia điều trị F0, cách ly những trường hợp F1 tại bệnh viện dã chiến, tình cảm quân dân cá - nước còn thể hiện bằng việc đi chợ hộ, mua đồ dùng, phát túi an sinh miễn phí… Không quản ngại gian nguy, nơi nào khó, gian khó nơi đó có bộ đội, nơi nào hiểm nguy có chiến sĩ an ninh. Hình ảnh đó càng tô thắm vẻ đẹp anh bộ đội Cụ Hồ.  

Đều đặn mỗi ngày, “màu áo lính nhà binh” len lỏi khắp phố phường TP Hồ Chí Minh và một số điểm nóng về dịch COVID-19 ở các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương… mang hàng ngàn suất cơm phục vụ lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 và người dân trong các vùng cách ly, phong tỏa trên địa bàn nhằm chia sẻ những khó khăn với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch.

Cán bộ, học viên Trường Sĩ quan Không quân phân loại thực phẩm thành các đơn hàng cung ứng cho người dân xã Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa).

Anh Trần Anh Tài, giáo viên, Trường liên kết quốc tế Inschool tỉnh Đồng Nai cho biết, nhận thấy sự vất vả của lực lượng bộ đội cũng như người dân sống trong khu cách ly, nhà trường đã kêu gọi học sinh và phụ huynh cùng tham gia thực hiện chương trình “Bếp nghĩa tình”. Đây là tấm lòng của phụ huynh, học sinh và toàn thể giáo viên trong nhà trường.

Ở thời kỳ cao điểm, mỗi ngày, nhà trường chuẩn bị 360 phần cơm, chia làm 2 buổi trưa, chiều cung cấp cho các chiến sĩ tuyến đầu và người dân khu vực cách ly. Việc chế biến thức ăn tại đây thực hiện theo nguyên tắc một chiều, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, cơm và thức ăn đều được lưu mẫu để kiểm tra chất lượng, bảo đảm khâu an toàn, ngon sạch, đẹp mắt.

Video lực lượng quân y Quân khu 4 xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị):

Nguồn kinh phí có được từ sự ủng hộ của phụ huynh, học sinh trong trường đóng góp từ trong năm học, sau đó do tính lan tỏa, khi nhà trường thực hiện chương trình Bếp nghĩa tình, đã có nhiều “mạnh thường quân” chủ động liên hệ để cùng nhà trường hỗ trợ lực lượng chức năng và người dân.

Thiếu úy Vũ Minh Hòa, Trung đoàn 88, Sư đoàn 302 (Quân Khu 7), tham gia đi đưa hàng, tặng lương thực, thực phẩm cho người lao động nghèo ở hẻm 139, Nguyễn Tiểu La (Quận 10, TP Hồ Chí Minh), chia sẻ, bản thân anh và anh em đều thương cảm, chia sẻ với những khó khăn của bà con trong vùng dịch.

“Những bữa cơm ngon, những chai nước mát, bó rau, gói mỳ tôm... được đưa đến tận tay những gia đình đang bị cách ly có hoàn cảnh khó khăn trong khu phong tỏa, bà con ai cũng thấy ấm lòng, cảm thấy luôn được đồng hành, được “chia lửa”, san sẻ bớt khó khăn trong mùa dịch”, thiếu úy Vũ Minh Hòa cho biết.

Những việc làm của lực lượng vũ trang trong toàn quân thực sự là nghĩa cử cao đẹp thể hiện tinh thần trách nhiệm, ý thức cao, tính nhân văn sâu sắc; là động lực lớn góp phần cùng những người thực hiện nhiệm vụ tuyến đầu chống dịch, những người phải cách ly hoàn thành thời hạn cách ly một cách nhẹ nhàng, có ý nghĩa.

Bài: Nguyễn Viết Tôn

Ảnh: Viết Tôn và TTXVN

Video: Viết Tôn - Mạnh Linh

Trình bày: V.T

22/12/2021 12:59