Ghi nhận 13.840 ca nhiễm mới SARS-CoV-2
Tính từ 16 giờ ngày 6/12 đến 16 giờ ngày 7/12, Việt Nam ghi nhận 13.840 ca nhiễm mới, trong ngày có 217 ca tử vong, 1249 ca khỏi bệnh.
Trong số các ca nhiễm mới có 5 ca nhập cảnh và 13.835 ca ghi nhận trong nước (giảm 723 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 7.306 ca trong cộng đồng).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.337.523 ca nhiễm, tính từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.332.216 ca, trong đó có 1.008.839 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 7/12, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 1.249 ca.Tổng số ca được điều trị khỏi là 1.011.656 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.019 ca.
Từ 17 giờ 30 ngày 6/12 đến 17 giờ 30 ngày 7/12, cả nước ghi nhận 217 ca tử vong tại các địa phương. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 26.700 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
Tăng cường phòng chống dịch trước nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập
Trước nguy cơ biến thể Omicron xâm nhập vào Việt Nam rất lớn, Bộ Y tế có Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế điện và đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, các địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế; thực hiện hiệu quả nguyên tắc: 5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân, trong đó tập trung vào các trụ cột chính: xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị và đề cao ý thức của người dân.
Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 trên địa bàn trên quan điểm tiếp cận toàn dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở; nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo phương châm 4 tại chỗ và có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế; đồng thời tiếp tục phát huy vai trò của Tổ COVID cộng đồng, Trạm Y tế lưu động, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo việc tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến chủng Omicron. Thực hiện nghiệm việc xét nghiệm, cách ly, giám sát, theo dõi y tế cho người nhập cảnh theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch.
Tăng cường giám sát trọng điểm hội chứng cúm (ILI), viêm phổi nặng do virus (SVP), giám sát dựa vào sự kiện (EBS), thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ có biểu hiện ho, sốt nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID-19; chủ động gửi mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biến chủng Omicron đến Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để tiến hành xét nghiệm, giải trình tự gen khẳng định. Kịp thời cách ly y tế, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng.
Các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19.
Về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, các tỉnh, thành phố cần điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu.
Cùng đó, các tỉnh, thành phố phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp, trường học. Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... yêu cầu thực hiện nghiêm việc thường xuyên cập nhật trạng thái trên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19.
Một số tỉnh thành phía Nam tăng cường phòng chống dịch
Tại Long An, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca F0 phát hiện tại cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn cao, UBND tỉnh quyết định thành lập Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các trung tâm y tế huyện.
Tại Bạc Liêu, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã ban hành Quyết định 527/QĐ-UBND về việc cập nhật, công bố cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và áp dụng bổ sung Quy định tạm thời thắt chặt một số hoạt động trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao liên tục trong nhiều ngày. Theo đó, từ ngày 7/12, Bạc Liêu ở cấp độ dịch là cấp độ 3 - nguy cơ cao (vùng cam).
Tại Cà Mau, trong 10 ngày qua, số ca mắc COVID-19 tại thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) tăng nhanh, với số ca mắc đã vượt 2.000 ca, trong đó hơn 50% là ca trong cộng đồng.
Để ứng phó với tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Cà Mau hiện nay, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đề nghị thành phố phải thực hiện cấp độ 3 tăng cường.Theo đó, thành phố cần áp dụng nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế tình trạng người dân ra đường khi không thật sự cần thiết; Thủ trưởng cơ quan nhà nước tính toán giảm số lượng người làm việc xuống còn tối đa 50%; khuyến cáo các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến”; tăng cường kiểm tra, kiểm soát người ra vào chợ, đồng bộ với việc thực hiện tiêu độc khử trùng thường xuyên; phương tiện hành khách khi lưu thông phải giảm số lượng người theo quy định; không để tình trạng người dân tập trung ở nơi công cộng.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải đề nghị tất cả các địa phương trong tỉnh bên cạnh việc tăng cường quản lý cần tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; các tổ chức đoàn thể trong tỉnh cần tuyên truyền để người dân đề cao cảnh giác, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch; bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý đối với những nơi, những người không chấp hành.
Ngoài ra, Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cần rà soát nguy cơ dịch bệnh để tham mưu nâng lên cấp độ 3, 4 theo từng địa bàn để khống chế ngay những nơi nguy cơ cao, không để lây lan.
Thêm 600 ca F0, Hà Nội yêu cầu thiết lập khu điều trị COVID-19 trong cả bệnh viện công và tư
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 6/12 đến 18 giờ ngày 7/12, Hà Nội ghi nhận 600 ca F0; trong đó có 202 ca cộng đồng, 236 ca trong khu cách ly, 162 ca trong khu phong tỏa.
Các ca nhiễm mới phân bố tại 179 xã, phường, thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện.
Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 14.546 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 5.604 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 8.942 ca.
Với số ca bệnh tăng cao, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà.
Theo hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội, những đối tượng F0 quản lý tại nhà là người có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính; áp dụng với mức độ: Không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như: Sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau mỏi cơ khớp, giảm vị giác, khứu giác…, có chỉ số SpO2 từ 96% trở lên, nhịp thở dưới hoặc bằng 20 lần/phút; áp dụng với người độ tuổi từ 3 tháng đến 49 tuổi. Đặc biệt, các đối tượng F0 này phải chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vaccine, không mang thai.
Ngày 7/12, Sở Y tế Hà Nội có công văn gửi các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập về việc triển khai các biện pháp cấp bách thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập khẩn trương thiết lập khu điều trị COVID-19 trong bệnh viện, triển khai giường điều trị người bệnh COVID-19.
Các đơn vị rà soát, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất tại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ để sẵn sàng tiếp nhận điều trị sớm cho người bệnh nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện công tác tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm để phát hiện sớm ca bệnh COVID-19, xét nghiệm ngẫu nhiên, định kỳ cho nhân viên y tế, người bệnh nội trú, người nhà người bệnh, đặc biệt ở các khoa hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, thận nhân tạo,… theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tránh lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh.
Hà Nội: Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch COVID-19
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên làm thật tốt công tác phòng, chống dịch từ cơ sở; đồng thời đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho các quận, huyện, thị xã, nhất là phường, xã, thị trấn, gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phát huy tinh thần chủ động, không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch COVID-19 tổ chức họp trong thời gian sớm nhất để quán triệt bảo đảm thống nhất đồng bộ, toàn diện trong cả hệ thống chính trị về tinh thần này. UBND thành phố ban hành văn bản làm rõ quy định về phân cấp, giao quyền trong xác định mức độ dịch và quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo cấp độ dịch trên địa bàn cho UBND các quận, huyện, thị xã; cần thiết tổ chức tập huấn, huấn luyện phương án, cách thức xử lý tình huống dịch bệnh phát sinh cho địa phương. Đặc biệt, các địa phương cần chú trọng kế hoạch tăng cường thanh tra công vụ đột xuất để đánh giá trách nhiệm tập thể, cá nhân, đồng thời kịp thời biểu dương, khen thưởng nơi làm tốt và phê bình, kỷ luật nghiêm đối với nơi còn yếu kém.
Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải đề cao trách nhiệm cá nhân, phát huy tinh thần chủ động, trước hết thực hiện đúng, đủ yêu cầu, nhiệm vụ theo thẩm quyền. Bí thư cấp ủy chịu trách nhiệm trước Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy; Chủ tịch UBND cùng cấp chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về kết quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền phải chủ động xem xét, đánh giá và ra quyết định; tuyệt đối không được đùn đẩy, né tránh nhiệm vụ. Các địa phương tập trung phân loại nhanh các ca F0, cập nhật ngay dữ liệu lên hệ thống và phối hợp thường xuyên để phân tầng điều trị bảo đảm chính xác, kịp thời; nâng cao năng lực điều trị tại các tầng, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong; tuyệt đối không chuyển ca F0 thể nhẹ lên tuyến trên gây quá tải cho các tầng điều trị bệnh nhân nặng hơn, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch chung của thành phố.
TP Hồ Chí Minh dự kiến tiêm vaccine mũi 3 từ ngày 10/12
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa có tờ trình UBND thành phố về dự thảo kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại (mũi 3) trên địa bàn.
Theo đó, đối với liều bổ sung, TP Hồ Chí Minh dự kiến tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, có tình trạng suy giảm miễn dịch đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Người từ 50 tuổi trở lên được ưu tiên tiêm trước.
Đối với liều nhắc lại, thành phố sẽ tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung ít nhất 6 tháng. Nhóm được ưu tiên là người bệnh nền, cần chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Thời gian tiêm bắt đầu từ ngày 10/12/2021. Dự kiến, lộ trình thực hiện tùy theo nguồn cung ứng vaccine. Tháng 12/2021, thành phố tập trung tiêm cho người bệnh suy giảm miễn dịch đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày, đồng thời tiêm cho người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng. Từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2022, thành phố tiêm cho người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng theo thứ tự ưu tiên; tiếp tục tiêm cho người bệnh suy giảm miễn dịch đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày; đảm bảo bao phủ liều nhắc lại cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn vào cuối năm 2022.