Tình hình COVID-19 ngày 14/2: Cả nước vượt mốc 29.000 ca nhiễm mới, Hà Nội tăng vọt

Ngày 14/2, những thông tin về tình hình dịch bệnh được dư luận đặc biệt quan tâm là: Số ca nhiễm mới trên toàn quốc đã vượt 29.000, riêng Hà Nội đã lên tới 3.507 ca nhiễm mới.

29.413 ca nhiễm mới

Tính từ 16 giờ ngày 13/2 đến 16 giờ ngày 14/2, Việt Nam ghi nhận 29.413 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, đến nay đã có tổng số 198 ca nhiễm biến thể Omicron.

Chú thích ảnh

Trong số các ca nhiễm mới, có 10 ca nhập cảnh và 29.403 ca ghi nhận trong nước (tăng 3.031 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 20.924 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Nam Định (giảm 532 ca), Đắk Lắk (giảm 300 ca), Quảng Trị (giảm 168 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Lạng Sơn (tăng 1.198 ca), Gia Lai (tăng 579 ca), Hà Nội (tăng 567 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 25.918 ca/ngày.

Đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 198 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.540.273 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu tính từ đầu đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.533.101 ca, trong đó có 2.230.130 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 6.193 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.232.947 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.640 ca.

Từ 17 giờ 30 ngày 13/2 đến 17 giờ 30 ngày 14/2, cả nước ghi nhận 91 ca tử vong

Hà Nội tăng vọt số ca nhiễm SARS-CoV-2 lên 3.507 ca trong ngày 14/2

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 13/2 đến 18 giờ ngày 14/2, Hà Nội ghi nhận 3.507 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; trong đó có 557 ca cộng đồng và 2.950 ca đã cách ly.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế thuộc tổ hỗ trợ các F0 điều trị tại nhà. Ảnh: TTXVN

Số ca mắc trong ngày 14/2 đã lập kỷ lục mới của Hà Nội kể từ đầu mùa dịch COVID-19 đến nay.

Các ca nhiễm mới phân bố tại 477 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (160); Chương Mỹ (154); Đống Đa (137); Nam Từ Liêm (125); Bắc Từ Liêm (110) 2. Số mắc cộng dồn tại Hà Nội Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 175.245 ca.

Đến hết ngày 13/2, Hà Nội có số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị là 87.806; tại các cơ sở: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (163 ca), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (175 ca), các bệnh viện của Hà Nội (3.138), tại các cơ sở thu dung thành phố (105), tại các cơ sở thu dung quận, huyện (642), theo dõi, điều trị tại nhà (83.5830.

Hà Nội vừa yêu cầu các quận, huyện khẩn trương chỉ đạo các lực lượng tiếp tục rà soát, tuyên truyền, vận động và tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người thuộc nhóm nguy cơ, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, các trường hợp trong độ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều, người từ chối tiêm trên địa bàn. Đồng thời, các quận, huyện tiếp tục rà soát kỹ người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người có nguy cơ cao không thể đến các điểm tiêm chủng để tổ chức tiêm tại nhà bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nam Định dừng tất cả các lễ hội đầu năm

Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 tăng cao, Nam Định nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có số ca mắc mới cao trong cả nước. Chính quyền, cơ quan chức năng địa phương đang gấp rút triển khai các biện pháp cấp bách, đồng bộ nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người dân thành phố Nam Định. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Nam Định cho thấy, trong một tuần sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, số ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn tăng cao, bình quân ghi nhận trên 1.200 ca/ngày, gấp gần 3 lần so với dịp trước và trong Tết. Đặc biệt, liên tiếp trong các ngày 12 và 13/2, số ca mắc mới lần lượt là 1.842 và 1.894. Ngày 14/2, con số này có giảm song vẫn ở mức 1.362 ca.

Từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến chiều 14/2, tỉnh Nam Định ghi nhận trên 23.720 ca; trong đó, 14.170 ca tại cộng đồng, 8.553 ca trong khu cách ly, phong tỏa. Hiện 13.810 bệnh nhân đang được điều trị; trong đó, 754 điều trị tại các cơ sở y tế, cơ sở thu dung, còn lại là được cách ly, điều trị tại nhà. Toàn tỉnh có trên 9.760 bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện; 115 người được chuyển lên các bệnh viện Trung ương điều trị.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chiều 14/2, Văn phòng UBND tỉnh Nam Định có thông báo, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, đơn vị chấn chỉnh, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo, chính quyền, cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển đến các tỉnh, thành phố khác, nơi đông người khi không thực sự cần thiết; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người; vận động nhân dân tổ chức lễ cưới, lễ tang trong phạm vi gia đình, quy mô nhỏ gọn và cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện quy định phòng, chống dịch.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm việc tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trên địa bàn tỉnh, nhất là những lễ hội nổi tiếng, thường có số lượng người về tham dự đông như: Lễ hội chợ Viềng Xuân (huyện Vụ Bản và Nam Trực) họp vào đêm mùng 8 tháng Giêng; lễ hội Khai ấn đền Trần (thành phố Nam Định) tổ chức vào đêm 14, rạng sáng 15 tháng Giêng...

Hải Phòng: Không chủ quan, lơ là; không hoảng sợ, lo lắng về dịch COVID-19

Đây là chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần của UBND thành phố Hải Phòng với các quận, huyện, sở, ngành liên quan, chiều 14/2.

Nhận định của Sở Y tế Hải Phòng, dịch COVID-19 tại thành phố đang có diễn biến phức tạp. Số ca mắc cộng đồng tiếp tục có xu hướng gia tăng. Dịch bệnh từ cộng đồng có nguy cơ xâm nhập vào các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp (VSIP, Tràng Duệ, An Dương,...) là những đơn vị có số lượng người lao động lớn. Dịch bệnh cũng lây lan vào các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, gây khó khăn cho việc kiểm soát, khống chế. Số lượng chuyên gia nhập cảnh về Hải Phòng nhiều. Biến thể Omicron với tốc độ lây lan mạnh hơn biến thể Delta 4-5 lần. Khả năng xâm nhập của biến thể này vào thành phố là rất cao...

Thành phố quyết định không mở thêm Trạm y tế lưu động, tuy nhiên tăng thêm nhân lực, vật lực cho các trạm này. Đối với việc thành lập Tổ chăm sóc tại cộng đồng, Chủ tịch UBND thành phố đồng ý phương án tổ chức thí điểm tại các địa phương có số ca mắc cao như tại huyện An Dương, các quận Hải An, Ngô Quyền. Mỗi quận, huyện từ tổ chức 5-6 tổ, mỗi tổ từ 5-6 người, có hỗ trợ kinh phí, lựa chọn lực lượng trẻ, nhanh nhẹn, có sức khỏe để tham gia. Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 các xã, phường sẽ hoạt động chung địa điểm với Trạm y tế lưu động, thực hiện nghiêm túc theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thành phố chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng nhân lực điều trị tại tầng 2, có kế hoạch chuẩn bị lực lượng nhân sự từ các bệnh viện khác về Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp, từ các khoa khác sang khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Thành phố sẽ tích cực xin phân bổ thuốc điều trị từ Bộ Y tế.

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng yêu cầu ngành Y tế chỉ đạo thanh tra việc các quầy bán thuốc điều trị COVID-19 không đúng theo quy định. Lãnh đạo thành phố khuyến khích người dân tự mua bộ kít thử, thử và khai báo khi có kết quả dương tính với chính quyền địa phương.

TP Hồ Chí Minh ghi nhận 3 F0 tại trường học trong ngày đầu tiên trẻ đi học trực tiếp tại trường

Chú thích ảnh
Công tác phòng dịch tại các trường được thực hiện nghiêm tuc.

Ngày 14/2, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, trong ngày đầu tiên trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học và học sinh đi học trực tiếp tại trường ghi nhận 3 trường hợp F0 trong trường học, mỗi cấp ghi nhận một trường hợp.

Ông Trịnh Duy Trọng cho biết, cả 3 trường hợp F0 này đều được sự hỗ trợ tích cực và chủ động của các trạm y tế địa phương tiến hành xử lý theo đúng quy trình. Những trường hợp F1 đều đã được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính.

Hơn 186 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm tại Việt Nam

Trong ngày 13/2/2022 có 247.072 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm tại Việt Nam là 186.001.127 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 79.216.176 liều, tiêm mũi 2 là 74.742.958 và tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 32.041.993 liều.

PV/Báo Tin tức
Thế giới đã ghi nhận trên 412,8 triệu ca mắc COVID-19
Thế giới đã ghi nhận trên 412,8 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 14/2 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới ghi nhận tổng cộng 412.818.650 ca mắc COVID-19 và 5.836.919 ca tử vong. Số ca hồi phục là 333.427.783 ca.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN