Tiếp tục dừng hoạt động rạp chiếu phim, quán bar, karaoke, massage

Lãnh đạo TP Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục dừng hoạt động một số dịch vụ như du lịch, vui chơi giải trí, rạp chiếu phim, các cơ sở kinh doanh quán bar, karaoke, game Internet, massage, nhà hát… Đây là những hoạt động tập trung đông người, dễ có nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19.

Chiều 24/4, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 của Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho rằng, thành phố khuyến khích các cơ quan, đơn vị tổ chức làm việc trực tuyến. Đối với công tác vận chuyển hàng hóa, hành khách liên tỉnh, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải. Các phương tiện giao thông cộng cộng thực hiện theo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố ngày 22/4. Ban Chỉ đạo quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc phòng, chống dịch tại các cơ sở trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Bà Trần Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng cần xử lý nghiêm chợ cóc phát sinh.

Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị chuyên ngành hướng dẫn cụ thể công tác phòng, chống dịch đối với mỗi loại hình sản xuất kinh doanh dịch vụ, trường học. Sở Y tế rà soát, tính toán các phương án, kịch bản dịch bệnh trong tình hình mới; mua sắm trang thiết bị để sẵn sàng khi dịch bệnh xảy ra.

Đối với đề xuất của Sở Giao thông Vận tải về các tuyến đường liên tỉnh đi qua 2 huyện Mê Linh và Thường Tín, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đồng ý để các phương tiện đi qua nhưng phải kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ đúng các quy định.

Bà Trần Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong hai ngày 23 và 24/4, hầu hết các siêu thị và Trung tâm Thương mại đã mở cửa trở lại, song một số gian hàng trong Trung tâm Thương mại chưa kịp chuẩn bị nên vẫn còn đóng cửa.

Khảo sát tại các chợ dân sinh, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, tất cả hệ thống phân phối hàng hóa phục vụ nhu cầu đời sống người dân đảm bảo đáp ứng đủ. Ngoài thịt lợn, giá cả các mặt hàng rau củ quả, thủy hải sản, gia súc gia cầm… có xu hướng giảm. Đặc biệt, bà con tiểu thương tại các chợ cóc đã chuyển đổi phương thức hoạt động bằng xe máy hoặc xe lưu động… ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

Sở Công Thương kiến nghị các quận, huyện, thị xã phối hợp tiếp tục đồng hành cùng ngành Công Thương thực hiện tốt chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp, hệ thống doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Chính phủ; chỉ đạo xử lý nghiêm các chợ cóc phát sinh.

UBND TP Hà Nội cũng giao cho lực lượng Công an tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm không đeo khẩu trang khi ra đường. Phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở không tuân thủ quy định phòng chống dịch. Bố trí lực lượng tại các điểm dừng đèn đỏ để hướng dẫn người dân thực hiện giãn cách.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho rằng, vì còn ổ dịch chưa qua 28 ngày, do vậy không thể chủ quan, lơ là mà cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, không để phát sinh ca nhiễm, ổ dịch mới.

Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục duy trì và thực hiện tốt các hoạt động phòng chống dịch, trong đó cần tập trung cho công tác tuyên truyền, điều tra phát hiện các trường họp liên quan tới ca bệnh, ổ dịch để áp dụng các biện pháp giám sát sức khỏe, cách ly y tế theo quy định. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trở lại nhằm đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch.

Đan Nguyên/Báo Tin tức
Xe buýt Hà Nội chở không quá 20 người/ chuyến, không đi qua vùng dịch
Xe buýt Hà Nội chở không quá 20 người/ chuyến, không đi qua vùng dịch

Sau khi nới lỏng cách ly, xe buýt Hà Nội đã hoạt động trở lại, tất cả hành khách đi xe buýt đều tuân thủ quy định ngồi giãn cách để phòng dịch, không chở quá 20 người trên xe. Cùng với đó, xe buýt cũng được yêu cầu không đi qua các vùng đang có dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN