GS.TS Nguyễn Công Khẩn (ảnh), Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) trao đổi với phóng viên Báo Tin tức về các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực điều dưỡng, đáp ứng nhu cầu cho các cơ sở khám, chữa bệnh cũng như để hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.
´Nhiều cơ sở khám chữa bệnh đang thiếu điều dưỡng viên (ĐDV) nhưng không tuyển vì lo ngại chất lượng các ĐDV mới ra trường. Theo ông, các cơ sở đào tạo hiện nay gặp những hạn chế gì trong công tác đào tạo?
Khó khăn nhất hiện nay là phải thay đổi nhận thức của lãnh đạo các cơ sở đào tạo và các bệnh viện về vai trò và vị trí của người điều dưỡng (ĐD). Trước đây, mọi người vẫn quan niệm ĐD là phụ tá cho bác sỹ, thực hiện y lệnh của bác sỹ. Nhưng hiện nay, ĐD đã trở thành một nghề độc lập, có vai trò to lớn trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Bởi vì ĐD là lĩnh vực đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết. Người ĐD phải được thực hành, có kiến thức, được cập nhật thường xuyên và được phát triển như mọi ngành khác. Tuy nhiên, hiện nay không ít trường còn thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất, labo thực hành tiền lâm sàng… cho sinh viên thực tập, khiến chất lượng ĐD ra trường còn hạn chế. Bên cạnh đó, ngành ĐD đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức như thiếu giáo viên, thiếu chuyên gia đầu ngành về ĐD. Có tới 70% đội ngũ giáo viên giảng dạy ĐD là bác sỹ. Khoa học ĐD chưa phát triển kịp với những tiến bộ của ĐD thế giới. Người ĐD chưa được đào tạo để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc người bệnh mang tính chủ động và chuyên nghiệp…
´Việt Nam đã ký Thỏa thuận khung về công nhận lẫn nhau với các nước ASEAN về dịch vụ ĐD. Liệu đD nước ta đã sẵn sàng hội nhập với thế giới chưa, thưa ông?
Về chương trình đào tạo, kỹ năng thực hành, ĐD Việt Nam có thể đáp ứng với thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay cản trở lớn nhất của ĐD nước ta là khả năng ngoại ngữ. Do đó, trong thời gian tới các cơ sở đào tạo cần phải tăng cường liên kết với một số trường nước ngoài để người ĐD vừa có trình độ chuyên môn vừa có ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hội nhập với nước ngoài.
´Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đD, Bộ Y tế có những giải pháp gì trong thời gian tới, thưa ông?
Bộ Y tế đã có quy hoạch phát triển nhân lực y tế Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020 được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt, nhằm phát triển nhân lực y tế, đủ về số lượng, chất lượng, cơ cấu và phân bố hợp lý để góp phần nâng cao chất lượng công tác y tế, dân số và đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân.
Trong đó, phát triển nguồn nhân lực ĐD là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế vì nhân lực ĐD chiếm 50% nhân lực y tế. Do đó, để nâng cao chất lượng đào tạo ĐD, Bộ Y tế đã ban hành chuẩn năng lực cơ bản ĐD để các cơ sở đào tạo và sử dụng ĐD nghiên cứu áp dụng. Bộ tài liệu đưa ra những tiêu chuẩn thuộc ba lĩnh vực là: năng lực thực hành; năng lực quản lý và phát triển nghề nghiệp; năng lực hành nghề theo pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Hiện nay, Bộ Y tế đang biên soạn và hoàn thiện chuẩn giáo dục ĐD, chuẩn cơ sở thực hành, chuẩn năng lực đối với hộ sinh… Bên cạnh đó, ngành y tế tập trung sắp xếp và phát triển hợp lý mạng lưới các cơ sở đào tạo; phát triển đội ngũ giáo viên về chất và lượng; thực hiện đổi mới trong đào tạo và sử dụng nhân lực y tế. Cùng với nâng cao những kỹ năng thực hành, vừa qua, Hội ĐD Việt Nam đã ban hành chuẩn đạo đức nghề nghiệp của ĐDV nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và tinh thần, thái độ của người ĐD trong phục vụ người bệnh.
Xin cảm ơn ông!
Lê Hoàng