Chăm sóc người bệnh toàn diện là nhiệm vụ của chính các cơ sở y tế. Tuy nhiên, do thiếu nhân lực, đặc biệt là thiếu điều dưỡng nên việc chăm sóc người bệnh đang được giao phó chủ yếu cho người nhà bệnh nhân.
Tại Khoa nội trú và Khoa Hồi sức sơ sinh của Bệnh viện Nhi TƯ, một điều dưỡng viên phải chăm sóc 10 - 15 bệnh nhi/ngày và 30 - 40 bệnh nhi/đêm. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Trong khâu tổ chức chăm sóc người bệnh, việc thiếu nhân lực của ngành y đã khiến các điều dưỡng viên, hộ sinh viên không có đủ thời gian để chăm sóc, tư vấn, giao tiếp, giáo dục sức khỏe cho người bệnh và người nhà người bệnh.
Thiếu trầm trọng
Theo báo cáo của Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), năm 2011, tổng số cán bộ điều dưỡng tại 1.062 bệnh viện trên toàn quốc là 82.949 người. Tỷ lệ bác sĩ/điều dưỡng (điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viện - viết tắt là ĐDV, HSV và KTV) chỉ đạt 1:1,8; trong khi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới thì tỷ lệ cần thiết là 1:4.
Ông Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, việc thiếu điều dưỡng sẽ gây ra hệ quả là người điều dưỡng không thực hiện được đầy đủ chức năng nghề nghiệp của mình là chăm sóc người bệnh hoặc chăm sóc không tốt như yêu cầu, đồng thời ảnh hưởng đến việc theo dõi bệnh nhân.
Đáng lo ngại, việc thiếu (điều dưỡng viên - ĐDV) còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, khi vấn đề vệ sinh tay, mang găng đúng thời điểm, tuân thủ đúng các bước của quy trình chuyên môn do người nhà bệnh nhân thực hiện không đảm bảo quy định.
Thiếu ĐDV dẫn tới thiếu sự theo dõi sát chặt chẽ và báo cáo giải quyết kịp thời những biến đổi đột ngột tác động trực tiếp tới cuộc sống của người bệnh như băng huyết, chảy máu sau phẫu thuật hoặc tiểu phẫu, khó thở hoặc ngừng thở, hạ đường huyết, tăng hoặc hạ huyết áp…
Đồng thời thiếu ĐDV còn đồng nghĩa với việc thiếu sự phòng ngừa tai nạn, sự cố nguy hại tới người bệnh như ngã, sặc, phản ứng thuốc, tự tử ở người bệnh trầm cảm, tuột dây máy thở… và rất nhiều vấn đề liên quan đến an toàn người bệnh.
Theo một điều tra của Hội Điều dưỡng Việt Nam, có đến 58,4% sai sót, sự cố với người bệnh xảy ra tại bệnh viện là do ĐDV/HSV. Điều này cho thấy, nếu cải thiện về số lượng nhân lực, cũng như đầu tư nâng cao trình độ chuyên môn cho điều dưỡng sẽ hạn chế sai sót, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và điều trị cho người bệnh.
Khảo sát công tác tổ chức chăm sóc và hoạt động của điều dưỡng trong 1 ngày tại 30 bệnh viện trung ương cho thấy ban ngày, trung bình một ĐDV trực tiếp chăm sóc cho khoảng 6 người bệnh và về đêm thì số lượng người bệnh mà một điều dưỡng phải chăm sóc khoảng 24 người. 20% nhân lực điều dưỡng hiện nay đang thực hiện những nhiệm vụ chăm sóc gián tiếp, không trực tiếp phục vụ chăm sóc người bệnh như làm công tác hành chính, sổ sách, giấy tờ, viện phí…
Nhân lực ĐDV làm đêm chỉ chiếm 17% so với tổng số nhân lực ĐDV và 21% so với nhân lực ĐDV làm ngày. Bên cạnh đó, việc quá tải bệnh nhân, càng làm ngành y tăng tình trạng thiếu nhân lực vốn có, đặc biệt là thiếu ĐDV. Tỷ lệ ĐDV/bác sĩ thấp khiến cho người điều dưỡng phải “gồng mình” để thực hiện y lệnh điều trị của bác sĩ, do đó ít có thời gian hỗ trợ tình cảm và nâng giấc người bệnh.
Lãnh đạo bệnh viện chưa quan tâm
Theo Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam Nguyễn Bích Lưu, nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên còn do nhận thức của lãnh đạo bệnh viện chưa đầy đủ về chăm sóc toàn diện, chưa quan tâm xây dựng và củng cố hệ thống điều dưỡng trưởng; một phần do tác động của cơ chế tự chủ tài chính.
Do đó, công tác chăm sóc người bệnh toàn diện chưa được nhân rộng mà vẫn chỉ dừng ở mức độ thí điểm tại nhiều bệnh viện, hoặc nếu thực hiện thì chỉ được thực hiện ở khoa Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực.
ThS Ngô Văn Tán, Giám đốc Sở Y tế Bến Tre cho biết, công tác điều dưỡng ở các bệnh viện của Bến Tre còn các khó khăn như: kinh phí đầu tư cho công tác chăm sóc người bệnh rất hạn chế, lãnh đạo các đơn vị chưa thật sự quan tâm. Cơ sở vật chất của một số bệnh viện xuống cấp, xây dựng chắp vá không đồng bộ làm ảnh hưởng đến công tác chăm sóc, vận chuyển người bệnh. Điều kiện vệ sinh trong bệnh viện còn nhiều hạn chế do thường xuyên bị quá tải. Chăm sóc về dinh dưỡng, tiết chế cho người bệnh có thực hiện nhưng chưa thật sự đi vào chất lượng vì thiếu nhân lực chuyên viên dinh dưỡng có trình độ từ trung cấp trở lên. Các chế độ ăn trong điều trị thực hiện chưa được đa dạng, chưa có quy trình đánh giá dinh dưỡng của người bệnh trước và sau điều trị...
Lê Hoàng
Bài 2: Vươn tới hoàn thiện